Vài nét về giai cấp công nhân Trung Quốc

Trần Thọ Quang
11:02, ngày 05-03-2008

Công cuộc cải cách, mở cửa trải qua một hành trình sáng tạo gần 30 năm, đã làm nên một diện mạo khác hẳn của Trung Quốc, với những đổi thay to lớn về kinh tế - xã hội. Trong những thay đổi to lớn đó, giai cấp công nhân Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng về số lượng và cơ cấu giai cấp công nhân cũng diễn ra những thay đổi sâu sắc.

Đội ngũ công nhân gia tăng cùng với sự phân hóa cơ cấu sâu sắc

Trước đây, công nhân chủ yếu làm việc trong các xí nghiệp quốc hữu và tập thể, nay ngoài hai loại hình trên, họ còn làm việc trong các xí nghiệp hương trấn, xí nghiệp "ba loại vốn",... Năm 2000, tổng số công nhân toàn quốc là 260,9 triệu người, chiếm 20,6% tổng dân số Trung Quốc, trong đó công nhân thành thị là 112,59 triệu người, chiếm 43,15%; công nhân xí nghiệp hương trấn là 128,2 triệu người, chiếm 49,14%, công nhân trong các xí nghiệp tư doanh thành thị và nông thôn là 20,11 triệu người, chiếm 7,71%. Qua những số liệu trên có thể thấy, cơ cấu giai cấp công nhân Trung Quốc đã có sự thay đổi nhanh chóng từ khi nước này bắt đầu cải cách mở cửa. Một số học giả Trung Quốc đã phân loại đội ngũ công nhân thành công nhân xí nghiệp quốc hữu, công nhân xí nghiệp phi quốc hữu và công nhân đợi việc làm (thất nghiệp). Một số ý kiến khác lại cho rằng, giai cấp công nhân trước đây nay được phân cấp thành các tầng lớp như: tầng lớp các nhà doanh nghiệp (quản lý), tầng lớp công nhân "cổ trắng", tầng lớp công nhân phổ thông và tầng lớp công nhân viên thu nhập thấp. Trong đó, số lượng công nhân viên ngành kinh tế thứ ba (dịch vụ) tăng nhanh nhất, số công nhân "cổ trắng" ngày càng đông.

Sự phân hóa trong cơ cấu giai cấp công nhân ở Trung Quốc có nhiều nguyên nhân, trước hết là nhân tố chính sách. Từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu xóa bỏ cương lĩnh đấu tranh giai cấp, tập trung phát triển kinh tế, giải phóng sức sản xuất. Bên cạnh đó là chế độ sở hữu thay đổi, cơ cấu ngành nghề được điều chỉnh và nâng cấp, phương thức phân phối đa dạng hóa, cơ chế thị trường hóa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh.

Sự xuất hiện của giai tầng công nhân nông thôn

Giai cấp công nhân nông thôn được coi là giai tầng đặc biệt của xã hội Trung Quốc trong thời kỳ chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội. Sự ra đời của giai tầng xã hội mới này bắt nguồn từ sự chuyển đổi mau chóng mô hình kinh tế - xã hội và sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp, thành thị - nông thôn Trung Quốc những năm qua.

Đặc trưng cơ bản của công nhân nông thôn thể hiện ở chỗ: Một là, tuy công việc của công nhân nông thôn chủ yếu là làm việc trong các ngành công nghiệp hoặc nghề phi nông nghiệp nhưng theo hộ tịch họ vẫn là nông dân. Hai là, tuy là nhóm xã hội giữ vai trò hạt nhân trong cơ cấu cư dân nông thôn, nhưng công nhân nông thôn lại chỉ có địa vị "bên lề" trong cơ cấu cư dân thành thị. Ba là, họ vừa cư trú ở nông thôn, vừa cư trú ở thành thị, vừa giữ tập quán truyền thống của nông thôn, vừa thích nghi với đời sống đô thị hiện đại, vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu thụ và là cầu nối giữa văn minh truyền thống và hiện đại. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, giai tầng công nhân nông thôn sẽ còn tồn tại trong một thời gian nhất định.

Xu hướng "làm thuê hóa"

Hiện nay, có khoảng 100 triệu công nhân làm việc trong các tổ chức kinh tế phi công hữu như doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể, doanh nghiệp "ba loại vốn". Trong xí nghiệp hương trấn, có xí nghiệp tên gọi là tập thể, nhưng thực tế là xí nghiệp tư nhân, công nhân trong các xí nghiệp này thực chất là người làm thuê.

Đối với việc cải cách doanh nghiệp quốc hữu, một số ít doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần. Một bộ phận doanh nghiệp quốc hữu vừa và nhỏ được bán cho chủ doanh nghiệp tư nhân, trở thành doanh nghiệp tư nhân; một số thực hiện người kinh doanh nắm phần lớn cổ phần. Thông qua các phương thức thu mua cổ phần đa dạng, một loạt nhà doanh nghiệp quốc hữu chỉ "qua một đêm" đã sở hữu cổ phần trị giá hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng chục triệu nhân dân tệ (NDT), hình thành nên một nhóm "triệu phú mới" trong xã hội. Thông qua cải cách thể chế doanh nghiệp quốc hữu vừa và nhỏ, công nhân viên chức cũng thay đổi địa vị ban đầu, trở thành người lao động làm thuê hoặc trên thực tế có tính chất làm thuê.

Giá thành lao động rẻ và thu nhập thấp

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao trong suốt 30 năm qua nhưng khối lượng việc làm mới không tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của người lao động. Mỗi năm ở các thành thị Trung Quốc trung bình bổ sung thêm khoảng 24 triệu lao động từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng số việc làm có thể đáp ứng chỉ khoảng 12 triệu.

Báo cáo về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của Trung Quốc năm 2005 đã nêu rõ, trong ngành chế tạo từ năm 1995 đến năm 1999, giá thành một lao động ở Trung Quốc là 729 USD/năm, bằng 1/40 so với giá thành một lao động ở Mỹ, bằng 1/43 so với Nhật, 1/5 - Hàn Quốc, 1/4 -Thái Lan, thậm chí còn thấp hơn ấn Độ. Theo nguồn tài liệu khác, mức tiền lương của nhiều ngành ở Trung Quốc không bằng 1/10 tiền lương thấp nhất và 1/20 tiền lương trung bình của các ngành công nghiệp thông thường ở Anh. Doanh nghiệp tư nhân phát triển, nhà đầu tư nước ngoài muốn đến thành lập doanh nghiệp ở Trung Quốc, nguyên nhân quan trọng là giá thành lao động rẻ.

Theo thống kê, năm 1978, ở Trung Quốc không có doanh nghiệp tư nhân; đến năm 2001, số doanh nghiệp tư nhân đã là 2.028.500, với số vốn đăng ký là 1.821,224 tỉ NDT, số công nhân làm thuê là 22,5303 triệu người. Điều kiện lao động và điều kiện làm việc của công nhân tại các xí nghiệp này rất kém. Thời gian làm việc có nơi kéo dài đến hơn 10 tiếng, tiền lương thấp, bị ức hiếp, và tai nạn lao động thường xuyên xảy ra. Trong giai cấp công nhân còn có một bộ phận ở trạng thái bần cùng tuyệt đối, tức là đến mức sinh hoạt thấp nhất cũng khó có thể duy trì. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 20,53 triệu người hưởng bảo hiểm sinh hoạt thấp nhất.

Ý thức chính trị của một bộ phận công nhân giảm sút

Báo cáo nghiên cứu giai tầng xã hội Trung Quốc đương đại cho thấy, tỉ lệ đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân năm 1995 là 17,1%, năm 2000 tăng lên 19,8%. Điều này phản ánh địa vị chính trị của doanh nghiệp tư nhân đã được nâng cao, nhưng công nhân tại các doanh nghiệp này lại không có nhiều liên hệ với tổ chức đảng, họ rất ít tham gia và cũng ít quan tâm đến hoạt động và học tập chính sách có liên quan của tổ chức đảng.

Các doanh nghiệp trước đây là tổ chức kinh tế, đồng thời phát huy tác dụng tổ chức cơ sở xã hội. Vai trò của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, công đoàn, các đoàn thể được phát huy tốt. Hiện nay, chỉ có thể nhấn mạnh doanh nghiệp là tổ chức kinh tế, sau khi chấm dứt hợp đồng hoặc mua thâm niên công tác (để đủ thời gian hưởng lương hưu) thì công nhân viên chức không thể tìm được tổ chức nào nữa, không còn chỗ nào để dựa vào.

Tính đến đầu năm 2006, trong số 350 triệu công nhân toàn quốc, hội viên công đoàn chỉ có 130 triệu người. Trong rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp "ba loại vốn" và nông dân làm công không thành lập tổ chức công đoàn.

Như vậy, sau 30 năm cải cách mở cửa, đội ngũ giai cấp công nhân ở Trung Quốc đã không ngừng gia tăng về số lượng, cơ cấu giai cấp công nhân đã có những thay đổi sâu sắc. Tuy nhiên, để phát huy truyền thống tốt đẹp và xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh trong điều kiện cải cách mở cửa, thì Trung Quốc còn phải có những biện pháp đồng bộ giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh trong đó có một số vấn đề như đã trình bày.