TCCSĐT - Đó là chủ đề buổi Tọa đàm do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 06-02-2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Hoàng Quân khẳng định: Hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm qua là một quá trình liên tục, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, là cơ hội mới mở ra trong phát triển thương mại quốc tế và đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cho biết: Sau 8 năm hội nhập, phát triển, với những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến là: tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ khá và nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng kinh tế; có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, năng lực cạnh tranh được cải thiện; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên; vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng; xuất nhập khẩu đạt kết quả khá với các thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.

Đồng chí Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới hiện nay, thì việc tổ chức những cuộc tọa đàm có nội dung này là rất thiết thực, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Thành phố; đồng thời đây cũng là dịp để lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp trên địa bàn cập nhật thông tin, tìm ra giải pháp hữu ích để đón đầu những thời cơ và giải quyết các thách thức trong quá trình hội nhập.

Trong phần tham luận, Đại sứ Nguyễn Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại đã phân tích, nêu bật về môi trường phát triển và an ninh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và cho rằng: Tình hình chính trị, an ninh khu vực và thế giới trong năm 2014 rất phức tạp, cơ hội, thách thức đan xen, xu hướng này có thể còn diễn ra trong năm 2015 và nhiều năm sau nữa. Vì thế, việc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm nâng tầm tham gia hội nhập kinh tế của nước ta trước yêu cầu mới là việc làm hết sức quan trọng.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Vụ trưởng, Bộ phận Thường trực APEC 2017 thì đặc điểm của hội nhập kinh tế quốc tế nước ta trong giai đoạn mới diễn ra nổi bật trên các phương diện là: Cục diện khu vực, thế giới đang định hình với những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc; xu hướng hội nhập, liên kết kinh tế và tập hợp lực lượng kinh tế đa tầng nấc gia tăng mạnh mẽ. Do đó, với thế và lực của nước ta ngày càng được nâng cao, hội nhập đem lại nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức.

Nhằm làm rõ hơn cơ hội và thách thức trong Cộng đồng ASEAN hiện nay, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Vụ trưởng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết: Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia. Bởi vậy, Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng cồng chính trị - an ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC). Trong đó, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú chỉ ra cơ hội trong AEC đối với Việt Nam là: Thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ rào cản thương mại cho hàng hóa Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ta tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài; tận dụng tốt hơn cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế, khu vực và do xu thế liên kết kinh tế khu vực mang lại, đồng thời có thêm nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế; đa dạng hóa và tạo thế cân bằng hơn trong quan hệ kinh tế của Việt Nam đối với các đối tác khu vực, thế giới, nâng cao vị thế của nước ta… Bên cạnh đó, cũng có không ít thách thức như: Sức ép mở cửa thị trường, sức ép cạnh tranh; điều chỉnh hệ thống nội luật; doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, tuân thủ các quy định về vệ sinh, môi trường, lao động, quy trình công nghệ; sức ép đối với kết cấu hạ tầng cung ứng (đường xá, năng lượng) và hạ tầng mềm (luật lệ, bộ máy hành chính); sức ép Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội để xử lý hậu quả của phá sản và thất nghiệp.

Phân tích những thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trước một thế giới đang biến đổi, tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa với việc thiết lập các khu vực thương mại tự do (FTAs) được đẩy mạnh, nên hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động (nhất là lao động có kỹ năng) dịch chuyển với quy mô lớn, nhanh chóng hơn, cơ hội tiếp cận nguồn lực cũng trở nên rộng hơn, nhưng đi kèm là sức cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn. Đáng chú ý là, tính rủi ro gia tăng, các cú “sốc” (sốc giá, sốc do đảo chiều dịch chuyển vốn, áp dụng hàng rào bảo hộ kỹ thuật, thay đổi đột ngột chính sách, biến động địa - chính trị, do thảm họa thiên tai…). Vì thế, “hơn bao giờ hết, cần tạo dựng năng lực quản trị sự bất định và khả năng chống chọi, giảm thiểu rủi ro do các cú “sốc” gây ra là yêu cầu cấp thiết đối với đất nước và của từng doanh nghiệp”.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự còn cho rằng, thực tế trong quá trình hội nhập còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là sự chưa đồng bộ giữa hội nhập với bên ngoài và hội nhập với trong nước; thực tế nhiều địa phương còn rất lúng túng trong việc cập nhật và đưa các nội dung của hội nhập kinh tế quốc tế vào trong phát triển kinh tế xã hội. Để hội nhập quốc tế về kinh tế đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần cơ cấu ngành hàng xuất khẩu và đặc biệt là chất lượng tăng trưởng. Ở góc độ địa phương, cần có sự định hướng đúng đắn trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao sức mạnh hội nhập trong hoàn cảnh mới. Một số ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động nắm bắt cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế, tăng cường hợp tác, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, đã góp phần củng cố và gia tăng uy tín, hình ảnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế; đáng chú ý là, các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết và đang đàm phán đã tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trước khó khăn thách thức hiện tại và những dự báo sắp tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh phát triển và ứng phó với các thách thức ở khu vực và toàn cầu, khai thác tối đa những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại trong các hoạt động đa phương, thiết thực phục vụ tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo./.