TCCSĐT - Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; đánh giá về công tác cải cách hành chính và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại một số bộ, ngành, địa phương,… là những tin chủ yếu tuần qua.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày 30-12, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2014, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị quyết 19/NQ-CP là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19 để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nghị quyết sẽ chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể của Chính phủ, từng bộ, từng ngành trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời hết sức chú ý đến việc thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức.

Chính phủ sẽ kiểm điểm và đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong phiên họp thường kỳ tới đây; đồng thời, ngay trong đầu năm 2015 chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương của năm 2014 sẽ được công bố công khai.

Cán bộ cơ sở là "nút thắt" làm nghẽn quyết tâm cải cách

Nhận định về môi trường kinh doanh năm của Việt Nam, TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Quốc hội đã thông qua một số luật quan trọng như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế… Đây là những thay đổi rất cơ bản, có tính đột phá. Bên cạnh những thay đổi của bộ luật khung cơ bản của môi trường kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… thì các luật chuyên ngành cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới và hy vọng môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn rất nhiều.

Cải cách thể chế, luật pháp, hành chính trên văn bản giấy tờ thì rất tốt, quyết tâm của Chính phủ rất quyết liệt và doanh nghiệp cũng chờ đợi sự quyết liệt đó, nhưng vấn đề là sự quyết liệt ở đội ngũ cán bộ ở cơ sở, họ chính là yếu tố quyết định.

Trong quá trình cải cách thì khâu có tốc độ chậm nhất, yếu nhất của hệ thống, theo TS.Vũ Tiến Lộc, chính là cán bộ cơ sở. Dù cấp trên có nhanh, có quyết liệt mà bộ máy thực thi không đổi mới thì rất khó đưa luật vào cuộc sống.

Theo TS.Vũ Tiến Lộc, cải cách tư pháp cũng là hướng đi cần thiết. Doanh nghiệp cần một chiến lược kinh doanh dài hạn và có sự an toàn. Cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ tạo ra sự thuận lợi mà còn phải an toàn cho doanh nghiệp. Vì thế, cải cách thể chế phải an toàn, đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp để họ yên tâm kinh doanh,... Do vậy, cải cách tư pháp cũng phải song hành với cải cách hành chính để gia tốc nỗ lực đổi mới.

Quyết liệt cải cách hành chính và đổi mới tuyển dụng cán bộ

Được xác định là năm bản lề của Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015, năm 2014, TP. Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tạo chuyển biến tích cực, được người dân và các tổ chức ghi nhận.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, ngay từ cuối năm 2013, 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa kế hoạch thành phố giao, ban hành kế hoạch cải cách hành chính cho đơn vị mình, nhằm đảm bảo rõ người, rõ việc, tiến độ thực hiện từng nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính; tổ chức kiểm tra định kỳ. Trong năm, thành phố đã thiết lập đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại 100% sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại 4 sở, ban, ngành và 7 UBND quận, huyện, thị xã; tập huấn trên 3.000 lượt cán bộ...

Sau khi rà soát, đánh giá, thành phố đã quyết định sửa đổi 61 thủ tục hành chính trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn và y tế; bổ sung 19 thủ tục hành chính trong hoạt động bảo vệ thực vật, vật nuôi, giấy phép phòng khám tư nhân, quản lý mầm non tư thục; bãi bỏ 2 thủ tục hành chính về cây trồng; sửa đổi, bổ sung 28 thủ tục hành chính, bãi bỏ 22 thủ tục hành chính và kiến nghị sửa đổi, bổ sung 25 thủ tục hành chính về kinh doanh có điều kiện. Đặc biệt, Hà Nội rất quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước. Các chương trình phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến... tạo nền tảng cơ bản hướng tới "Thành phố thông minh hơn".

Có thể nói, với những hoạt động này, cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội đã chuyển biến cơ bản, thủ tục hành chính được công khai đầy đủ, giải quyết đạt chất lượng.

Về nâng cao chất lượng công chức xã, phường, Sở Nội vụ đã trình thành phố ban hành Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn và nội quy thi tuyển. UBND thành phố cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án "Thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn làm việc tại xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2015", hiện đã tuyển được hơn 500 học viên. Đối tượng đào tạo đều phải đạt yêu cầu cao hơn tiêu chuẩn chung (tốt nghiệp đại học công lập chính quy loại khá trở lên, chuyên ngành phù hợp vị trí tuyển dụng...), nhằm bổ sung công chức trẻ được đào tạo cơ bản, thay thế đội ngũ nghỉ hưu. Đến nay, 3 lớp công chức nguồn đã học xong, đang được bố trí đi thực tế cơ sở 4 tháng trước khi thi tốt nghiệp. Dự kiến, tổ chức thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển cho số học viên đã hoàn thành khóa học trong tháng 01-2015.

Về công tác tuyển dụng công chức, viên chức, Hà Nội đã đổi mới nhiều về nội dung và hình thức và sẽ tiếp tục đổi mới, như: môn chuyên ngành không thi viết mà tăng thời lượng thi trên máy, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc. Còn với ngoại ngữ, tin học, những thí sinh đã có chứng chỉ của các tổ chức uy tín thì không phải thi nữa. Thực tế mỗi kỳ thi tốn tiền tỷ, kéo dài 6 - 7 tháng.

Theo ông Trần Huy Sáng, cũng không cần thi môn chuyên ngành, vì một sinh viên dù học giỏi, tư chất tốt thì ngay sau khi ra trường chưa thể nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cụ thể. Tuyển người cần yêu cầu đã tốt nghiệp chuyên ngành nhất định, còn thi thì cần chọn người có chỉ số IQ cao nhất cho công việc. Sau 3 tháng vào làm việc, họ sẽ thuộc chuyên môn nghiệp vụ, còn kinh nghiệm sẽ tích lũy dần.

Quảng Ninh giải quyết đúng hạn 99,5% hồ sơ hành chính công

Sau gần 1 năm hoạt động, Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 28.732 hồ sơ, thực hiện 936 bộ thủ tục hành chính thuộc 76 lĩnh vực. Trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 27.968 hồ sơ (chiếm 99,5%); các hồ sơ tập trung vào các bộ phận: Công an tỉnh Quảng Ninh 7.892 hồ sơ (27,7%); Giao thông và vận tải 3.749 hồ sơ; Bảo hiểm xã hội 2.232 hồ sơ (8%).

Nhiệm vụ trong năm 2015 được Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh xác định: phấn đấu đưa 100% trung tâm hành chính công của các sở, ban, ngành vào thực hiện theo quy trình ISO 9001-2008; trong đó ít nhất 50% trung tâm hành chính công thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy chế làm việc, mô hình hoạt động; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp..../.