Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Thực hiện chương trình toàn khóa, sáng 05-01, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.
Hội nghị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến; cho ý kiến về một số báo cáo, đề án để Bộ Chính trị tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giới thiệu bổ sung quy hoạch cán bộ cấp chiến lược; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở, nêu một số vấn đề để Trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận.
Tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ
Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội. Trung ương cần nghiên cứu thật kỹ, thảo luận, cho ý kiến vào toàn văn dự thảo Báo cáo; tập trung vào các đề xuất, kiến nghị cụ thể nêu trong Tờ trình như chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XII; kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo; đặc biệt chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá sát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các Nghị quyết Trung ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ trương, chính sách nào chậm hoặc chưa vào cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng, chỉ rõ nguyên nhân, từ đó khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Mục tiêu, nhiệm vụ phải sát với thực tế
Tổng Bí thư chỉ rõ, Báo cáo kinh tế - xã hội là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch năm năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình và những kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011 - 2015 được đề ra tại Đại hội XI và được điều chỉnh ngay từ đầu nhiệm kỳ; chú ý phân tích, đánh giá sự đúng đắn, kịp thời của việc đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội khi chuyển sang tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng hợp lý; chú trọng khâu cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua, Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 - 2020 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực. Chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết thực vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Về Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cần thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng và các kiến nghị của Bộ Chính trị về việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng khóa XI...
Cho ý kiến về một số báo cáo, đề án quan trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến để Bộ Chính trị tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016), làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; nghiên cứu Báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến nhận xét, đánh giá về những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo năm 2014 và chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2015.
Về Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương cho ý kiến cụ thể vào các nội dung, vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình; chú ý các đề xuất mới về quan điểm, cơ chế, chính sách, biện pháp có tính đột phá về tổ chức bộ máy và cán bộ của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Tinh giản biên chế cần tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp; đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường xã hội hóa và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nghiêm túc thể chế hóa và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở và hệ thống các đơn vị sự nghiệp trong cả nước...
Tổng Bí thư đề nghị, cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những vấn đề đang nổi cộm cần tiếp tục đổi mới, khắc phục trong tổ chức, hoạt động, phát triển và quản lý của hệ thống báo chí hiện nay; đồng thời dự báo thật sát xu thế sắp tới, từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi Quy hoạch.
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ngày càng vững mạnh
Tổng Bí thư nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp họ được lấy phiếu tín nhiệm tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ về các mặt và tinh thần trách nhiệm trong công tác; đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tại Hội nghị lần này, Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về việc tiếp tục xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, giới thiệu nguồn bổ sung quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư...
Tổng Bí thư nhấn mạnh năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI - một năm có ý nghĩa quyết định đối với việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI đã đề ra. Nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2015 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các cán bộ tham dự Hội nghị phát huy cao độ trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo, đề án và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp.
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 12-01-2015./.
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” - sự kết nối truyền thống và hiện đại  (05/01/2015)
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” - sự kết nối truyền thống và hiện đại  (05/01/2015)
“Văn hóa Bộ đội Cụ Hồ” - sự kết nối truyền thống và hiện đại  (05/01/2015)
Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến duy trì hòa bình ở Biển Đông  (04/01/2015)
Phó Thủ tướng khen thành tích chống buôn lậu thuốc lá  (04/01/2015)
Thành lập Trường Đại học Thủ đô  (04/01/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên