Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân
Những chuyển biến sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế
Có thể nói, Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành đã tạo bước ngoặt và tạo ra chuyển biến tích cực trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. Những quy định trong Luật khi được thực hiện đã tác động đến nhiều đối tượng, trên nhiều phương diện khác nhau, từ cơ sở khám, chữa bệnh đến doanh nghiệp, cũng như đời sống kinh tế - xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.
Năm 2009, Việt Nam có 56,9% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2012, đã có gần 67% dân số cả nước có thẻ bảo hiểm y tế; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng và bảo đảm; người có công, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế... Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, những kết quả cơ bản đã đạt được trên một số nội dung:
Thứ nhất, hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế. Sự phối hợp của các cơ quan ở trung ương và địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Công tác tuyên truyền với nhiều hoạt động và nội dung phong phú góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về bảo hiểm y tế; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho cả người tham gia bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế. Ngày 07-9-2009, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định cho phép lấy ngày 01-7 hằng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam để tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật.
Thứ hai, sau 5 năm Luật Bảo hiểm y tế được thực thi, số người có bảo hiểm y tế tăng nhanh, quyền lợi người tham gia được mở rộng. Năm 2012, cả nước có gần 60 triệu người tham gia, bao phủ gần 67% dân số, đặc biệt là tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ bao phủ khá cao. Việc tiếp cận các cơ sở y tế của người có thẻ bảo hiểm y tế trở nên thuận lợi khi số lượng cơ sở y tế ký hợp đồng bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh ngày càng nhiều, kể cả các cơ sở y tế tư nhân. Năm 2012, có 2.453 cơ sở khám chữa, bệnh nhà nước và 471 cơ sở tư nhân, không kể các trạm y tế xã và tương đương. Công tác tổ chức đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến theo tuyến chuyên môn kỹ thuật được thực hiện đúng quy định, phù hợp với thực tế hệ thống tổ chức y tế, đáp ứng yêu cầu về khám, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (ngay cả các trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến).
Những năm gần đây, số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tăng nhanh về cả số lượng và tần suất tại tất cả các tuyến y tế. Năm 2012, có khoảng 121 triệu lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh, tăng gần 2,6 triệu lượt so với năm 2011; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm và ngày càng mở rộng theo đúng quy định; mặc dù nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng, khoa học - công nghệ ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất thuốc luôn phát triển không ngừng, giá dịch vụ y tế có sự điều chỉnh tăng lên, trong khi mức đóng bảo hiểm y tế vẫn không thay đổi. Hầu hết các dịch vụ kỹ thuật đang thực hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam đều thuộc danh mục được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, trong đó có cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn như can thiệp tim mạch, thay ổ khớp nhân tạo, phẫu thuật bằng dao gamma, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân,…; hoặc một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật với giá thành cao, chi phí điều trị lớn, thể hiện tính ưu việt của chế độ bảo hiểm y tế ở nước ta, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, cho thấy khả năng quản lý và kiểm soát tốt việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ bảo hiểm y tế đã kết dư trên 12 nghìn tỷ đồng. Nguồn thu từ bảo hiểm y tế đã đóng góp khoảng 80% tổng chi phí phục vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, góp phần nâng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
Thứ ba, tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm y tế được củng cố và phát triển, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao và đa dạng của các khâu vận hành, tổ chức bảo hiểm y tế. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật được thực hiện thường xuyên và hiệu quả trong tổ chức khám, chữa bệnh và trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm sóc sức khỏe của bản thân. Người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng hiểu rõ hơn chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm y tế; nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế,... Bảo hiểm y tế thực sự đã trở thành một phần trong nhu cầu của đời sống xã hội của nhân dân và giành được sự quan tâm của mọi đối tượng. Đây không chỉ là kết quả của việc thực thi nghiêm pháp luật về bảo hiểm y tế của các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan mà còn là kết quả của quá trình kiên trì tuyên truyền, vận động với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, ban, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông. Đó là những cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện Luật còn gặp nhiều vướng mắc, đó là: thiếu những quy định chặt chẽ, rõ ràng và đủ mạnh trong Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản dưới Luật. Một số nội dung, điều khoản còn chồng chéo, quy định chưa cụ thể như: công tác tuyên truyền; quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm,… Quy định việc sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế, lập quỹ dự phòng chưa cụ thể, chưa phù hợp. Chất lượng khám, chữa bệnh còn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; thủ tục khám, chữa bệnh còn phiền hà, nhất là trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế,... Tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý trong tổ chức thực hiện Luật vẫn còn tồn tại. Thực tế triển khai cho thấy, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa cao. Mặc dù cả nước đã có gần 70% số dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng khu vực doanh nghiệp mới có 53% số người lao động tham gia bảo hiểm y tế; người thuộc hộ cận nghèo dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ có 20% số người tham gia; đối tượng tự nguyện mới đạt 25%... Tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế xảy ra ở nhiều nơi. Một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội, chưa xác định tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
Lộ trình tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
Từ thực tiễn trên và căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”, ngày 29-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, giai đoạn 2012 - 2015 và đến 2020” có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Một trong các giải pháp của Đề án là tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế, trong đó, đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ và có các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Đối với một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, cùng với giải pháp chung, kết hợp với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng:
Với nhóm người lao động trong các doanh nghiệp sẽ thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời xây dựng cơ chế thu đóng bảo hiểm y tế về thời gian (chu kỳ đóng), hình thức thu phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp...
Với nhóm người thuộc hộ cận nghèo, trình Chính phủ hỗ trợ 100% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại 62 huyện nghèo nhất trong cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, ngày 31-7-1998, của Chính phủ; người thuộc hộ gia đình đã thoát nghèo 5 năm đầu.
Với học sinh, sinh viên, nghiên cứu việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước lên tối thiểu 50% mức đóng.
Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, áp dụng với tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình và thực hiện giảm mức đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Cuối cùng là nhóm tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 6 tuổi.
Cùng với việc tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, Đề án cũng đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế ở cả hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân. Với các bệnh viện tuyến trung ương và thành phố lớn, tiếp tục thực hiện đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện; tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác y tế và những quyền xã hội về dịch vụ y tế; đa dạng các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu và chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cao của nhân dân. Khẩn trương nâng cấp, mở rộng và xây mới để tăng nhanh số giường bệnh cho các bệnh viện hiện đang quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và hai thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, hình thành mạng lưới bệnh viện vệ tinh của một số bệnh viện trung ương, bệnh viện tuyến cuối của 2 thành phố này thuộc 5 nhóm chuyên khoa: Ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng giường bệnh cho các bệnh viện nhận làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện thuộc nhóm chuyên khoa trên. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến dưới cũng như đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Các giải pháp của Đề án này đang được thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015. Sau năm 2015, mục tiêu và các giải pháp sẽ được điều chỉnh trên cơ sở tổng kết quá trình triển khai Đề án và thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Đề án cũng xác định trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân các tỉnh, thành phố và các tổ chức đoàn thể liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia thực hiện các nội dung phù hợp của mỗi giải pháp. Việc xác định cụ thể, chi tiết nội dung và cách làm của từng giải pháp, cùng với quy định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan sẽ bảo đảm tính khả thi của Đề án. Trong quá trình triển khai sẽ có những đánh giá và rút kinh nghiệm, học tập kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới để có những điều chỉnh phù hợp. Với các tiếp cận mang tính tổng thể và giải pháp rõ ràng, trong thời gian tới, Đề án sẽ tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi phí chi trả từ tiền túi của người sử sụng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững. Ngày 13-6-2014, Quốc Hội khóa XIII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Luật sửa đổi bổ sung có nhiều điểm mới nổi bật, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia; Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người đang nghỉ thai sản; Quy định về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Thay đổi về mức hỗ trợ; Tăng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2015. Luật Bảo hiểm y tế bổ sung lần này vẫn bảo đảm tính chất xã hội của chính sách bảo hiểm y tế theo đúng nguyên tắc Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự tham gia của người dân, để tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân./.
Năm 2015 tiếp tục chủ đề đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm  (27/12/2014)
Ban Thường vụ Đảng ủy và Văn phòng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm  (27/12/2014)
Quyết liệt thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết  (27/12/2014)
Quy định về chế độ lao động của thuyền viên trên tàu biển  (27/12/2014)
Tỉnh Hòa Bình và Luang Prabang ký biên bản ghi nhớ hợp tác  (27/12/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên