TCCSĐT - Sáng ngày 31-12-2014, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Đến dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Bắc Son; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Chủ trì Hội nghị gồm các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Tham dự Hội nghị còn có 600 đại biểu, đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy; sở thông tin truyền thông các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước cùng với xu thế toàn cầu hóa thông tin và sự bùng nổ của truyền thông xã hội đã tác động trực tiếp đến hoạt động báo chí, thông tin báo chí và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí trong năm 2014.

Về thực trạng phát triển của các cơ quan báo chí, đồng chí Trương Minh Tuấn trong báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2014 cho biết, hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương); 98 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh - truyền hình. Số kênh chương trình phát thanh - truyền hình quảng bá là 180 kênh. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong thời gian xây dựng Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí tạm dừng cấp phép thành lập mới cơ quan báo chí. Do đó, số lượng cơ quan báo chí không thay đổi nhiều so với năm 2013.

Về tình hình tài chính, do khó khăn về kinh tế, ấn phẩm báo chí in có chiều hướng giảm đáng kể lượng phát hành. Hệ thống báo Đảng, về cơ bản, được hỗ trợ từ ngân sách, được bù giá bán dưới giá thành. Báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán nhưng gặp nhiều khó khăn. Một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây năm qua sụt giảm đáng kể. Số lượng phát hành và quảng cáo báo chí giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhiều cơ quan báo chí, cả về kinh tế báo chí và công tác tuyên truyền, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải điều chỉnh định hướng phát triển. Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, nhờ sự đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết, nguồn thu của nhiều đài phát thanh - truyền hình dự kiến vẫn đạt kết quả đề ra.

Về nguồn nhân lực trong các cơ quan báo chí, năm 2014 do khó khăn của nền kinh tế, các cơ quan báo chí cắt giảm nhiều chi phí, tăng việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên. Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí mang tính thường xuyên không thay đổi nhiều so với năm 2013. Đến tháng 12-2014, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ.

Về tình hình thông tin trên báo chí, phần lớn các cơ quan báo chí làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp và là diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận.

Về công tác báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ động tổ chức thông tin cho báo chí, quản lý thông tin trên báo chí; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí; xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế độ, chính sách về báo chí; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí; hợp tác quốc tế và tăng cường thông tin đối ngoại; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí; tổ chức, chỉ đạo công tác khen thưởng trong hoạt động báo chí.

 

Đồng chí Lê Hồng Anh đánh giá công tác báo chí toàn quốc năm 2014 bám sát định hướng tư tưởng chính trị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư biểu dương thành tích trong công tác báo chí năm 2014; đồng thời yêu cầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, cùng toàn thể các đồng chí làm công tác báo chí cần nghiêm túc nhận rõ một số khuyết điểm, hạn chế.

Đồng chí Lê Hồng Anh yêu cầu công tác báo chí năm 2015 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tiếp tục tuyên truyền tốt hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, phát triển văn hóa - xã hội, về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2015 là đẩy mạnh tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; trong đó, chú trọng việc tập hợp, phản ánh ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân với các dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng; tuyên truyền, cổ vũ các phòng trào thi đua yêu nước của Nhân dân ta hướng về Đại hội, thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đồng thời chủ động, kiên quyết đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái.

Bên cạnh đó, báo chí cần tăng cường tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước; tạo sự chuyển biến thực sự trong việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm của báo chí; quyết liệt chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, gắn với rà soát, quy hoạch báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý gắn với xây dựng, hoàn thiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, nhất là với các trang thông tin điện tử, các phương tiện truyền thông, dịch vụ trên in-tơ-nét; chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Thực hiện tốt việc chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập viên, phóng viên báo chí một cách căn bản, toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại và tuyên truyền biển đảo, phân giới, cắm mốc năm 2015./.