Phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay
TCCSĐT - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, nông dân giữ vị trí là chủ thể. Đây là sự khẳng định đúng đắn, cần thiết, nhằm phát huy nhân tố con người, khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của nông dân vào công cuộc xây dựng nông thôn cả về kinh tế - văn hóa và xã hội, đồng thời bảo đảm những quyền lợi chính đáng của họ.
Hiện nay, trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam đang là lực lượng đông đảo, nòng cốt nhất và có nhiều đóng góp đáng tự hào.
Nông dân chính là những người tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn, chủ động, sáng tạo trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong quá trình tổ chức sản xuất công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trong gìn giữ nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục và là nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và nông thôn cũng còn nhiều bất cập, như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động còn chậm; nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp; tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn còn thấp... Để xây dựng một nông thôn mới bền vững và phát triển, cần phải chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho cộng đồng người dân ở nông thôn, đặc biệt là quan tâm đến phát huy vai trò của nông dân.
Phát huy vai trò nông dân là thực hiện đồng bộ, có hệ thống các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… nhằm khơi dậy, sử dụng và phát huy tiềm năng trong nông dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt nội dung này, cần tập trung thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò, trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương, tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.
Hai là, củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh. Hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, hướng các phòng trào thi đua vào việc đem lại lợi ích thiết thực nhất, phát huy được sức mạnh vật chất và tinh thần của nông dân. Tạo môi trường dân chủ, bình đẳng để mỗi người dân có cơ hội bộc lộ năng lực, thể hiện những sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tích cực xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhu cầu thu hút lao động ở nông thôn vào công nghiệp và dịch vụ phi nông nghiệp. Thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn với nhịp độ nhanh, cân đối, hài hòa giữa trồng trọt với chăn nuôi, giữa ngành nghề truyền thống với xây dựng các cụm, khu công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp; lưu thông hàng hóa nông sản; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; đẩy nhanh quá trình xuất hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, doanh nghiệp nông nghiệp; đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chính sách bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở nông thôn, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, gắn kết với chính sách xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo đảm lợi ích, đẩy mạnh thực hành và phát huy dân chủ.
Năm là, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nghề, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở. Thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học, các trung tâm dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng để bổ túc văn hóa, nâng cao dân trí cho nông dân. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm trong nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, giúp nông dân tiếp cận thông tin khoa học mới, hiện đại. Tích cực đầu tư, thu hút vốn và định hướng cho người dân tham gia các chương trình sản xuất, kinh doanh mới, xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thân cho người dân sống ở nông thôn. Từ đó, lôi cuốn họ tham gia với vai trò là chủ thể của quá trình này.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phát huy vai trò của nông dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao hiệu quả trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng nông thôn an toàn, phát triển.
Bảy là, khơi dậy và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng của nông dân. Khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia; tích cực xây dựng môi trường văn hóa, phát huy truyền thống yêu nước, tính cần cù, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong lao động, sản xuất; thực hiện dân chủ hóa đời sống tinh thần ở nông thôn, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp vững mạnh.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy vai trò của giai cấp nông dân là một quá trình động, cần tiến hành thường xuyên, liên tục trên cơ sở nhận thức vị trí, vai trò quan trọng và sức mạnh to lớn của bộ phận giai cấp này dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và quản lý của Nhà nước. Để phát huy tốt vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới cũng cần quan tâm, chú trọng tới sự hợp tác phát triển với giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm mục đích tập hợp lực lượng, chăm lo bảo vệ và nâng cao trình độ mọi mặt cho giai cấp nông dân để tiến nhanh, tiến mạnh vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Đàm phán về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt - Trung  (12/12/2014)
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh bảo đảm an toàn thực phẩm  (12/12/2014)
Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng thành công tốt đẹp  (12/12/2014)
Đoàn Tổng cục Chính trị dâng hương tưởng nhớ các Đại tướng  (12/12/2014)
Đoàn Tổng cục Chính trị dâng hương tưởng nhớ các Đại tướng  (12/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay