Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11-2014
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 01-12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11-2014.
Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ nhận định, trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu; sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, năng suất và sản lượng lúa mùa tăng cao; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng, cho thấy tín hiệu tốt về tăng tổng cầu.
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, năm nay tăng trưởng tín dụng theo dự báo có khả năng đạt 13%, nằm trong mục tiêu đề ra là từ 12-14%.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh từng bước được tháo gỡ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững;…
Kinh tế không có biểu hiện giảm phát
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tuy đạt nhiều kết quả tích cực so với năm trước nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đề ra; đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; tệ nạn, tội phạm xã hội, tai nạn giao thông, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Về diễn biến của CPI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, không có biểu hiện của giảm phát. CPI tháng 11-2014 giảm chủ yếu do tác động điều chỉnh giảm mạnh giá xăng, dầu, giá gas trong nước theo giá thế giới. Bên cạnh đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục được cải thiện, 11 tháng, ước tăng 11,1%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 6,5% (cùng kỳ tăng 5,5%), trong khi các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt tăng là 4,1%, 6,3% và 5,5%. Như vậy, nhu cầu tiêu dùng 11 tháng năm 2014 ở mức cao hơn những năm trước.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tháo gỡ khó khăn
Từ thảo luận, phân tích, dự báo, nhận định, đánh giá tình hình, các thành viên Chính phủ cho rằng chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014 và bước vào năm 2015, do đó cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014 nhất là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, qua đó tạo nền tảng, tiền đề phát triển cho năm 2015 và năm tiếp theo.
Nhiều ý kiến đề xuất trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Đồng thời các cấp, các ngành tăng cường phối hợp trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả; triển khai kế hoạch sản xuất, chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới; bảo đảm cung-cầu hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết; chú trọng phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi tiếp tay cho buôn lậu, đầu cơ, gây mất ổn định thị trường, làm tăng giá...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và nhìn tổng quát lại 11 tháng của năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; theo dự báo là chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp đã được đề ra.
Những kết quả cụ thể nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn thể hiện ở kết quả đạt được về tỷ giá, về ngân sách, xuất nhập khẩu, tiền tệ, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi, dự báo quý IV tăng cao hơn quý III, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh; nông nghiệp cả năm tăng hơn 800.000 tấn lương thực; chăn nuôi tăng khoảng 8%; dịch vụ tăng hơn năm 2013; dự báo cả năm tăng trưởng GDP đạt trên 5,8%.
Huy động mọi nguồn lực góp phần tăng tổng cầu
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2014 và tập trung chuẩn bị triển khai sớm các nhiệm vụ, giải pháp năm 2015.
Tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.
Nghiên cứu phương án không để hụt thu ngân sách
Trước xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.
Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn; chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng...
Thủ tướng nhấn mạnh phải tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng. Chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trên phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý. Tăng cường chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát trong thực thi công vụ, thực thi pháp luật và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.
Năm 2015 không tăng thêm biên chế
Các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính.
Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các bộ, ngành hiện nay.
Các bộ, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật vừa được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng; khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản.
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, đưa người đi lao động ở nước ngoài, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, quyết liệt hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng...
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác thông tin, truyên truyền, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được đề ra.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ trong năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, lựa chọn.
Về vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo thêm: Trong dịp nghỉ Tết, các ngành nhất là hải quan, kiểm dịch động thực vật,… vẫn phải hoạt động thông suốt, phải hoạt động luân phiên để thực hiện nhiệm vụ./.
Bốn bộ, ngành chủ chốt tăng cường phối hợp trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô  (01/12/2014)
Công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố Hải Phòng  (01/12/2014)
Hỗ trợ, chia sẻ, chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS  (01/12/2014)
Hỗ trợ, chia sẻ, chống kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS  (01/12/2014)
Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh  (01/12/2014)
Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh  (01/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên