TCCSĐT - Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc thiêng liêng, bất hủ. Đó là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân; xuyên suốt và bao trùm trong đó là vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người.

Vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở, quan tâm đặc biệt. Đó cũng là vấn đề cốt lõi, hạt nhân và là mục tiêu mà Người cống hiến và theo đuổi suốt đời. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã nói: Tôi thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ; sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào. Năm 1920, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, trả lời câu hỏi của nữ đồng chí Rô-dơ, Người nói: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Năm 1923, Người nói với bạn bè cùng hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa trên đất Pháp rằng: Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập. Năm 1946, trả lời các nhà báo, Người khẳng định: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Sau này, trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta, Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng con người mới - con người xã hội chủ nghĩa. Người cho rằng, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Tháng 9-1958, phát biểu tại tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II và cấp III các tỉnh miền Bắc,
Người nói: Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Hầu như bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu, Người cũng quan tâm đến việc chăm lo cho con người, trước hết là người lao động. Ở Người, có sự nhất quán trong tư tưởng và hành động về giải phóng con người, tất cả vì con người, cho con người và do con người.

Con người và chính sách xã hội đối với con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở sự quan tâm ân cần đến số phận của mỗi con người, ở tình thương yêu vô hạn, ở sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin tuyệt đối vào con người. Năm 1965, khi bước sang tuổi 75 - tuổi "xưa nay hiếm", Người thấy cần để lại mấy lời để đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột. Trước khi viết Di chúc, Người có niềm tin tuyệt đối vào cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, Người cũng thấy được rằng, đánh Mỹ và thắng Mỹ đã đòi hỏi nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng xây dựng đất nước sau chiến tranh còn gian nan, vất vả hơn nhiều, với những khó khăn, phức tạp mới. Nếu con người và chính sách xã hội đối với con người không được chăm lo phát triển toàn diện thì không đủ lực lượng và trình độ xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Vì thế, trước khi từ giã cõi đời, Người căn dặn Đảng và Nhà nước ta phải quan tâm và thực hiện tốt chính sách xã hội đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân và mọi tầng lớp trong xã hội, thậm chí đến cả những nạn nhân của xã hội cũ, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. Có thể nói, bao trùm trong toàn bộ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và chính sách xã hội đối với con người.

Trong Di chúc, điều đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhắn gửi là nhắn gửi cho Đảng, bởi “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, “từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(1). Người nhấn mạnh đến sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, coi việc giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đặc biệt, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Thanh niên là lực lượng ưu tú, đã tỏ ra không ngại khó khăn, hăng hái xung phong và có chí tiến thủ. Vì thế, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên””. Nhân dân lao động là lực lượng đông đảo, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức, bóc lột, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh, nhưng rất yêu nước, anh hùng, dũng cảm, cần cù và rất trung thành với Đảng. Vì thế, Người dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Vào tháng 5-1968, khi xem lại bản Di chúc viết năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy phải bổ sung một số điều quan trọng, cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công. Trong lần bổ sung này, trước hết, Người nói về Đảng: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Theo Người, sau khi đất nước thống nhất, cách mạng chuyển giai đoạn mới, chỉnh đốn lại Đảng là “việc cần phải làm trước tiên”, bởi đó là công việc rất quan trọng, nhằm phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm có thể nảy sinh trong Đảng, như kiêu ngạo cộng sản, tự cao tự đại, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, xa rời thực tế, xa rời quần chúng, độc đoán, quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… tóm lại là nhằm không ngừng nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc trước tình hình mới.

Cũng trong lần bổ sung này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, tức là phải thực hiện chính sách xã hội đối với con người. Xuất phát từ tình thương yêu đối với con người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, Người căn dặn những việc cần làm về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội,... đối với con người.

Kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc, thấu hiểu, tôn trọng và tôn vinh những người có công với nước, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Ngay từ năm 1947, Người đã ra chỉ thị lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ. Hằng năm, đến ngày này, Người đều gửi thư động viên, khích lệ thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ; ngoài ra, Người còn đi thăm các cơ sở chăm sóc thương binh, những gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Là người sáng lập và là người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ, dân quân, du kích. Đối với thương binh, bệnh binh, Người căn dặn: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Người yêu cầu: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, Người căn dặn: “Chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”. Đối với chiến sĩ trẻ và thanh niên xung phong đang được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn quyết định, không chỉ xứng đáng trong chiến đấu, mà cả trong xây dựng đất nước sau này, Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”. Với tầm nhìn chiến lược, Người tin tưởng “đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.

Đặc biệt, đối với phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thấu hiểu sự hy sinh to lớn của họ ở hậu phương và cả ở chiến trường, mà còn rất quan tâm đến sự tiến bộ, quyền bình đẳng và hạnh phúc của họ trong cuộc sống. Trong Di chúc, Người yêu cầu và căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Theo Người, đây là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân chiếm vị trí quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước tiểu nông như nước ta, với dân cư đa phần là nông dân, thực chất là một cuộc cách mạng to lớn không chỉ đối với nông đân, mà còn đối với cả toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nông dân nước ta đã trung thành với Đảng, ra sức đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh. Trước lúc đi xa, Người vẫn chưa yên lòng, vì biết rằng sau ngày đất nước thống nhất, nông dân ta còn gặp những khó khăn do phải khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Vì thế, Người đề nghị Đảng và Chính phủ miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để “đồng bào hỉ hả, mát lòng, mát dạ, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.

Tình thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với con người không chỉ bó hẹp ở những thành phần xã hội nêu trên, mà đối với cả các nạn nhân của chế độ cũ, những người lầm đường lạc lối,... Là một nhà đạo đức học lớn và hơn thế, là nhà thực hành đạo đức sáng suốt, mẫn tiệp, Người thể hiện lòng khoan dung, độ lượng, mong họ hoàn lương, trở về sống trong tình thương yêu, đoàn kết, hòa hợp dân tộc, đế trở thành những con người có ích cho xã hội. Người viết: “Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v. thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Bàn về vấn đề này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh tin ở khả năng tự cải tạo của con người. Đối với những kẻ phạm lỗi lầm, kể cả những người có tội với Tổ quốc, với nhân dân, Bác vẫn rộng lòng khoan dung, độ lượng. Bác tin rằng trong lương tâm họ vẫn còn một phần cái bản tính tốt của con người, của nòi giống. Nếu biết nâng con người lên, khuyến khích cái thiện, cái tốt, đẩy lùi cái ác, cái xấu, thì những người nhất thời hư hỏng vẫn có thể sửa mình thành những con người có ích cho xã hội”(2).

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới; củng cố quốc phòng; chuẩn bị mọi việc để thống nhất đất nước. Công việc đối với con người và chính sách đối với con người là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Người chỉ rõ: “Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Với tình cảm rộng lớn, tình thương yêu bao la của trái tim nhân hậu đối với con người, với nhân dân ta, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thanh thản và không có điều gì phải hối hận, mà chỉ tiếc là không được phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh niên, nhi đồng và cũng không quên gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng mà Người nhắn gửi là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

*
* *

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Người về “công việc đối với con người” và chính sách xã hội đối với con người. Di chúc là sự chắt lọc, đánh giá, gợi ý, hướng dẫn khoa học mang tính nhân văn sâu sắc, chứa đựng giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định và thực thi chính sách xã hội, nhất là trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần nhận thức và thực hiện tốt hơn “công việc đối với con người” và chính sách xã hội đối với con người, bởi đó là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời là nhân tố lưu giữ sự trường tồn những truyền thống vẻ vang và những giá trị lich sử - văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo đó, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải hướng tới việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện tốt Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những lời căn dặn của Người về “công việc đối với con người”, thiết nghĩ, cần giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, có nhận thức đúng về vai trò của con người và chính sách xã hội đối với con người trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trong đó, việc thực hiện tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thực hiện chính sách xã hội đối với con người; qua đó, nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển con người và chính sách xã hội đối với con người ngày càng sát thực, khả thi. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với những vấn đề xã hội để con người Việt Nam phát triển toàn diện. Bảo đảm các điều kiện để con người được hưởng thụ chính sách xã hội trong cuộc sống một cách thực sự và công bằng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng việc “làm theo” và đặc biệt là cần soi rọi, đối chiếu xem đến nay chúng ta đã thực hiện và chưa thực hiện được những điều gì về chính sách xã hội đối với con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để, thực sự có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Theo đó, cần có quyết tâm chính trị rất cao trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhằm kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Đó là những điều kiện “cần” và “đủ” để không chỉ xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, có đủ trí tuệ, năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội, mà còn xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa “hồng”, vừa “chuyên”, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Bởi vì, nếu không làm được như vậy thì rất có thể nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển con người, cũng như chính sách xã hội đối với con người sẽ rơi vào chủ quan, phiến diện, thiếu tính khoa học và tính khả thi, và nhất là bị sai lệch, biến tướng, thiếu sót trong khâu tổ chức thực hiện.

Thứ ba, quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Theo đó, trước hết cần nhận thức và giải quyết một số vấn đề sau: 1- Trong mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trước mắt, cần quan tâm xây dựng tố chất tinh thần, đó là giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, đạo đức, lối sống, nhân cách; đặc biệt, giáo dục, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, kỷ cương xã hội, quy ước, quy định, quy chế của cộng đồng, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức; 2- Trước mắt cũng như lâu dài, cần xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng, phát triển con người Việt Nam, trong đó, văn hóa cần được hiểu theo nghĩa rộng, với tất cả những giá trị tinh thần - thực tiễn (văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn hóa nghệ thuật, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa giáo dục, văn hóa khoa học, văn hóa chính trị,…), và do đó, xây dựng, phát triển văn hóa cũng có nghĩa là, một cách trực tiếp và gián tiếp, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về tố chất tinh thần và trí lực; ngược lại, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về tố chất tinh thần và trí lực cũng có nghĩa là góp phần quan trọng và quyết định trong xây dựng, phát triển văn hóa; 3- Trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn cũng như dài hạn, luôn tính đến yếu tố văn hóa và yếu tố con người, đồng thời luôn tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển văn hóa và xây dựng con người phát triển toàn diện, nhất là trong xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa và xây dựng con người phát triển toàn diện về thể chất. Trên cơ sở đó, từng bước tiến tới hoạch định chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; hoặc có những chiến lược riêng về “xây dựng và phát triển văn hóa” và “xây dựng và phát triển con người Việt Nam”, dưới hình thức là nghị quyết của Đảng hay nghị quyết của Chính phủ./.

____________________________________

(1) Từ đây trở đi, những đoạn để trong ngoặc kép được dẫn từ “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012

(2) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2009, tr. 284