Thị xã Tây Ninh - Một chặng đường đổi mới
Tây Ninh là một tỉnh biên giới nghèo, lại phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng những năm gần đây, thị xã Tây Ninh đã được phát triển, một vùng đô thị mới đang hồi sinh, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể và chuyển biến rõ nét, trở thành điểm sáng ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Tây Ninh là tỉnh phía Tây của miền Đông - Nam Bộ, nối liền giữa Thành phố Hồ Chí Minh với nước bạn Cam-pu-chia. Thị xã Tây Ninh, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của tỉnh Tây Ninh, đang ngày càng được mở rộng và khẳng định vị trí của mình.
Thị xã Tây Ninh xưa chỉ có 3 dân tộc chính sinh sống là Kinh, Khơ-me và Chăm, về sau mới thêm người Hoa, người Ấn. Sau Cách mạng Tháng Tám, Tây Ninh chưa có gì đáng kể về kinh tế - xã hội. Cả thị xã chỉ có một nhà máy đèn, một nhà máy nước, một nhà thương do một y sĩ phụ trách. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, chính quyền cách mạng của thị xã Tây Ninh mới chính thức được thành lập vào ngày 1-1-1950, do đồng chí Võ Văn Truyện làm Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính. Trước năm 1975, Tây Ninh là vùng căn cứ của cách mạng, do vậy, thị xã Tây Ninh vừa bị tàn phá bởi chiến tranh, vừa không được chế độ cũ đầu tư xây dựng, nên sau giải phóng quy mô thị xã rất nhỏ bé, không gian đô thị chật hẹp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì đáng kể. Thị xã chỉ vỏn vẹn có 3 phường, đến năm 1977 mới có thêm xã kinh tế mới Bình Minh. Lúc này, thị xã có diện tích là 3.470 ha và dân số 37.724 người.
Trước thời kỳ đổi mới, do nhiều nguyên nhân khách quan và hoàn cảnh lịch sử, thị xã Tây Ninh còn là một thị xã chật hẹp, các cơ sở kinh tế - văn hóa - xã hội quan trọng để tạo ra dáng vóc của một đô thị vẫn chưa có gì. Các nhà máy, cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cơ sở kinh tế - văn hóa khác như Tòa thánh Tây Ninh, Núi Bà Đen, các công trình có thể khai thác về du lịch đều nằm ngoài địa giới của thị xã. Dân số, chỉ chiếm 4,37% của tỉnh. Đường giao thông nội thị và công trình công cộng khác còn kém hơn một huyện. Quy mô nhỏ bé như vậy làm cho thị xã Tây Ninh mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, càng không thể có tiềm năng phát triển về kinh tế - xã hội.
Nhận rõ những bất cập trên, các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh và Đại hội Đảng bộ thị xã Tây Ninh đã có nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của thị xã trong tương lai. Song, do "lực bất tòng tâm", giai đoạn 1986 - 1996 là thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý, khủng hoảng kinh tế nên tích lũy chưa nhiều. Tây Ninh vốn là tỉnh biên giới nghèo, lại phải khắc phục hậu quả nặng nề của 2 cuộc kháng chiến, cộng thêm ảnh hưởng của chiến tranh biên giới Tây Nam vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nên giai đoạn này chưa tạo được chuyển biến gì đáng kể.
Chấp hành Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và sự trực tiếp chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Đề án "Quy hoạch và điều chỉnh thị xã Tây Ninh đến năm 2010" đã được trình lên Chính phủ. Ngày 10-8-2001, Chính phủ chấp nhận và ban hành Nghị định số 46/2001/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã. Trong đó, sáp nhập 5 xã của huyện Hòa Thành (Thạch Tân, Tân Bình, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Hiệp Ninh) và một phần của xã Hiệp Tân để thành lập 6 đơn vị hành chính mới. Các xã sáp nhập vào thị xã đều là xã có dân cư đông, kinh tế khá phát triển, đặc biệt là về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làm cho quy mô dân cư và cơ cấu kinh tế của thị xã thay đổi về cơ bản; nâng tổng số từ 4 đơn vị hành chính (3 phường và 1 xã) lên 10 đơn vị (5 phường và 5 xã). Quy mô dân số của thị xã hiện nay là 130.008 người, diện tích tự nhiên là 14.000 ha, tăng 4 lần so với trước đây. Mật độ dân số toàn thị xã là 930 người/km2, riêng trong nội thị xã là 3.400 người/km2. Cùng với mở rộng quy mô, trong khoảng hơn 5 năm (2001 - 2005) tình hình kinh tế - xã hội của thị xã Tây Ninh có nhiều chuyển biến đáng kể.
Kinh tế thị xã Tây Ninh liên tục tăng trưởng trong nhiều năm, giai đoạn từ 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm tăng 15,3%, năm 2006 tăng 16,43%. Cơ cấu ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trong GDP năm 2001 lần lượt là 68,56% - 21,82% và 9,62%; đến năm 2006 là 66,94% - 26,02% và 7,04%. Như vậy, xét về cơ cấu kinh tế, thị xã Tây Ninh đã hội đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại 4. Tốc độ đô thị hóa đang tăng nhanh dần. Riêng về xây dựng cơ bản, tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, trong đó, vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trong 5 năm (từ 2001 - 2005), thị xã làm chủ đầu tư là 171 tỉ đồng (bình quân hằng năm 34 tỉ đồng). Trong 5 năm, trên địa bàn thị xã đã triển khai 453 danh mục công trình, gồm 69 công trình giao thông, 22 công trình xây dựng trụ sở làm việc cơ quan tỉnh, 26 công trình trụ sở của thị xã, 29 công trình trụ sở làm việc của phường, xã, 7 công trình trường học, 217 công trình hẻm nội thị và nhiều công trình giao thông - công chính quan trọng khác. Hiện nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc đầu tư xây dựng thị xã trong hơn 5 năm qua đã đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và làm thay đổi diện mạo của thị xã, tạo nên một bộ mặt đô thị mới có tầm vóc hơn.
Đời sống văn hóa - xã hội - dân cư, sự nghiệp giáo dục được Thị ủy quan tâm hàng đầu cả về số lượng và quy mô trường lớp. Trên địa bàn thị xã hiện đã có 56 trường, đã xây dựng mới hơn 217 phòng học, với tổng kinh phí gần 73 tỉ đồng theo hướng "lầu hóa" và "ngói hóa" có đủ thiết bị đồ dùng dạy học. Trình độ giáo viên và cán bộ quản lý được nâng cao, có 97,9 % đạt chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ; 96,2% được trang bị lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên. Có 35 chi bộ trường học với 271 đảng viên. Tỷ lệ học sinh tiểu học tốt nghiệp đạt 100%, trung học cơ sở là 95%. Thị xã có 10/10 xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và có 8/49 trường đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Mạng lưới y tế xã đến cơ sở đã được xây dựng và hoàn thiện. Hiện đã có 10/10 trạm y tế phường, xã đều có bác sĩ phụ trách; trong đó có 5 phường, xã đạt chuẩn quốc gia, đang tiếp tục củng cố hoàn thiện để nâng thêm 2 phường, xã (Nghị quyết Đại hội đặt ra đến năm 2010 đạt 100% xã, phường). Hiện nay, bình quân trên địa bàn thị xã có 16,23 bác sĩ và 50,53 giường bệnh/10.000 dân, gấp 3 lần bình quân chung của cả tỉnh. Về dân số, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 10,8% (năm 2001) xuống 1,01% (năm 2005), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 26,72% xuống còn 18,89%. Bằng nhiều biện pháp, thị xã làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, nên đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,68% (năm 2001) xuống còn 3,74% (năm 2005). Tạo việc làm mới cho 33.932 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 6,46% xuống còn 4,45%. Về chăm lo chính sách xã hội, trong 5 năm qua, thị xã đã xây tặng 56 căn nhà và sửa chữa 13 căn nhà tình nghĩa, xây tặng 294 căn và sửa chữa 84 căn nhà tình thương và nhà đại đoàn kết. Cho nhân dân vay vốn thực hiện "tôn hóa" là 576,5 triệu đồng. Thị xã đã cơ bản hoàn thành việc xây tặng nhà tình nghĩa vào năm 2003 và xóa nhà dột nát vào giữa năm 2005.
Về thể thao và phát triển văn hóa cộng đồng: tranh thủ nhiều nguồn vốn, thị xã đã xây dựng được 2 trung tâm văn hóa - thể thao, 2 nhà văn hóa dân tộc... Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được chú trọng. Hằng năm, có 99% cơ quan, đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hóa; có 92,96% gia đình văn hóa, toàn thị xã có 39/44 khu phố, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa.
An ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn: Thực hiện tốt chương trình mục tiêu 4 giảm tội phạm hình sự, trộm, cướp, hiếp dâm, ma túy, mại dâm, tai nạn giao thông. Trong đó, tai nạn giao thông đã giảm rõ rệt. Xây dựng lực lượng công an cấp xã có nhiều tiến bộ, hiện có 4/5 xã có công an chính quy làm trưởng công an. Xây dựng được 49 đội tuần tra nhân dân hoạt động có hiệu quả.
Tóm lại, nét nổi bật nhất của thị xã Tây Ninh trong những năm qua là đã tạo được đà phát triển mới trên tất cả lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Có sự hoạch định đúng đắn ở tầm chiến lược vĩ mô; sự phối kết hợp tốt giữa thị xã và các sở, ban, ngành của tỉnh. Trong nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thị xã Tây Ninh lần thứ IX vừa qua đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển thị xã đến năm 2010 phải đạt đô thị loại 3; đến năm 2020 trở thành thành phố hiện đại, văn minh, xanh, sạch đẹp, cùng với nhiều chỉ tiêu quan trọng khác, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Từ những mục tiêu đó, các giải pháp lớn của thị xã Tây Ninh trong 5 năm tới là:
- Chú trọng phát triển kinh tế, để có vốn đầu tư cho phát triển, thị xã sẽ huy động tổng hợp từ nhiều nguồn để có 6.000 tỉ đồng bằng cách tập trung các nguồn thu từ nội bộ như thuế, huy động vốn từ nhân dân qua các tổ chức tín dụng, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài bằng các hình thức hợp lý, nhất là vốn viện trợ ODA, NGO...
- Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư có trọng điểm và quản lý tốt nguồn vốn đầu tư. Tăng tỷ lệ ngân sách dành cho phát triển khoa học - công nghệ, tạo mô hình và phát triển đời sống văn hóa đô thị văn minh, lành mạnh. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, quy hoạch gắn với xây dựng, xóa quy hoạch treo; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm để tạo "điểm nhấn" cho đô thị.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triệt để chống tham nhũng, lãng phí kết hợp với kiện toàn bộ máy; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để chuẩn hóa đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa X  (06/10/2007)
Kinh tế, chính trị thế giới năm 2006 và triển vọng năm 2007  (05/10/2007)
Vai trò của Việt Nam trong ASEAN  (05/10/2007)
Những xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á  (05/10/2007)
Chiến lược phát triển bàn về tư duy và hành động có tính chiến lược  (05/10/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng  (05/10/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên