TCCSĐT - Để cung cấp thông tin cụ thể, chính xác nhất về vấn đề chuyển giá cũng như những biện pháp mà các cơ quan quản lý đang và sẽ áp dụng thực thi trong việc chống chuyển giá, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chống chuyển giá: Giải pháp linh hoạt - chính sách phù hợp”.

Đến dự có các khách mời: Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính; ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Thời gian gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm tới câu chuyện Công ty Metro Cash&Cary rời Việt Nam bằng việc bán lại chuỗi 19 đại siêu thị của mình cho một Tập đoàn của nước khác sau khi báo lỗ liên tục trong hơn chục năm hoạt động tại Việt Nam. Có thể thấy việc nợ đọng thuế, trốn thuế với hình thức tự giải thể để rồi thành lập doanh nghiệp mới đã từng xảy ra. Vậy liệu đây có phải là một dạng của hình thức này không thưa ông? Trên cương vị là đơn vị chủ quản trong lĩnh vực đầu tư, xin ông cho biết chúng ta đang và sẽ có những cơ chế gì để áp dụng cho những trường hợp tương tự nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Về vấn đề này, chúng tôi chưa có thông tin cụ thể nên xin phép không trả lời. Còn về những cơ chế để áp dụng cho những trường hợp tương tự nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, chúng tôi đã được Chính phủ giao lập đề án chuyển giá, theo đó cùng phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu và xây dựng đề án báo cáo Chính phủ. Chúng tôi xem xét vấn đề chuyển giá không phải từ khâu triển khai mà từ khi các doanh nghiệp mới bắt đầu đầu tư vào Việt Nam.

Theo báo chí phản ánh, cả nước hiện có hàng trăm doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI bị phát hiện chuyển giá. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2014, khi thanh tra, kiểm tra tại hơn 39 nghìn doanh nghiệp đã phát hiện gần 2.000 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu hơn 1 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ lên tới 4 nghìn tỷ. Thưa ông, tại sao lại có số tiền phạt và giảm lỗ lớn đến như vậy và còn các năm về trước nữa, nếu đem cộng dồn thì phải chăng chúng ta đã thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Trong vấn đề quản lý thuế của mình, chúng tôi luôn đặt ra là trong cộng đồng doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, né thuế, tránh thuế và số liệu như các bạn vừa nêu là số liệu của những doanh nghiệp mà chúng ta đã tiến hành kiểm tra khi thấy họ có dấu hiệu nghi vấn về chuyển giá. Việc của chúng tôi là phải chỉ ra rằng doanh nghiệp nào mắc lỗi trong chuyển giá, còn doanh nghiệp nào không có hành vi đó thì chúng ta phải có tiếng nói công bằng.

Trong thời gian qua, chúng tôi tích cực chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt chương trình thanh tra, kiểm tra để chúng ta có một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Thực hiện Đề án về kiểm tra chống chuyển giá của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có kế hoạch từ việc đào tạo cán bộ, đến triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương, trong nước và nước ngoài, để tìm ra những doanh nghiệp, đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20-12-2013 hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế. Trước đó, chúng ta đã có Thông tư số 66/2010/TT-BTC, Hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan nhà nước thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xã hội thực hiện việc giám sát đối với hành vi kinh doanh của doanh nghiệp xem họ có chuyển giá hay không.

Nhiều ý kiến phản ánh với nội dung là tại sao chúng ta không như các nước khác, khi mọi hoạt động của các doanh nghiệp lớn được công bố, báo cáo thường xuyên như vậy sẽ không có chuyện lúc đầu báo lỗ, sau lại báo giảm lỗ như ở Việt Nam hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Phụng: Các doanh nghiệp trong nước cũng đã thực hiện việc công khai thông tin kinh tế, vấn đề là công khai đến mức nào, công khai cho ai và vào thời điểm nào. Luật Tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng, Luật Quản lý thuế và các luật thuế đều có quy định về công khai thông tin thuế và bảo mật thông tin thuế. Hiện nay, chúng tôi đang sửa đổi và đưa vào vận hành quy trình những doanh nghiệp nào có gian lận về thuế, có rủi ro về thuế đều được công khai cho toàn xã hội giám sát. Thông tư số 119/2014/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Thông tư đã ban hành trước đó về cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế, của Bộ Tài Chính ban hành ngày 25-8-2014, Thông tư số 151 hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi 4 nghị định về thuế cũng nhấn mạnh quy định về doanh nghiệp công khai thông tin thuế, công bố những doanh nghiệp rủi ro cao về thuế để các doanh nghiệp là bạn hàng của họ giám sát và người nộp thuế như người dân giám sát. Chúng tôi cho rằng hoạt động đó bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch hơn.

Ông lý giải ra sao về hiện trạng nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ triền miên trong nhiều năm, nhưng lại liên tục tăng vốn, mở rộng phạm vi kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam?

Ông Đỗ Nhất Hoàng: Tôi nghĩ rằng việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất là việc bình thường, ngay cả khi thua lỗ. Các doanh nghiệp FDI phần lớn là nghiêm túc và có đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua. Chúng ta không chỉ rà soát khâu thuế mà cần rà soát từ khâu đầu đến khâu cuối và cần có bằng chứng mới kết luận được điều đó bởi nó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung.

Theo ông, hành vi chuyển giá có tác động như thế nào đến nền kinh tế mỗi quốc gia?

Ông Nguyễn Minh Phong: Hành vi chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư, méo mó thông tin về quản lý kinh tế, méo mó những quyết định dựa trên các thông tin đó, tạo ra tình trạng thâu tóm không lành mạnh, gây ra tình trạng chung là giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Cuộc chiến với hiện tượng chuyển giá đã được thực hiện cả chục năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, dù chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, ông nhận định như thế nào về vấn đề này, phải chăng Luật của chúng ta vẫn còn quá nhiều kẽ hở?

Ông Nguyễn Minh Phong: Quá trình chống chuyển giá là quá trình lâu dài, phức tạp. Hiệu quả của việc chống chuyển giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó về phía Nhà nước là nhận thức của các cấp, các ngành liên quan, cách thức xây dựng thể chế, cơ chế, luật thuế ra sao; năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm của ngành thuế; về phía doanh nghiệp là các hoạt động phối hợp giữa các doanh nghiệp,…

Ngoài ra, tại Tọa đàm các vị khách mời đã trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề có phải tình trạng chuyển giá của nhiều doanh nghiệp là do trong những năm qua chúng ta đã quá ưu đãi và thông thoáng về chính sách thuế hay không hay những thủ thuật, hành vi mà các doanh nghiệp trong nước thường dựa vào để thực hiện hành vi chuyển giá…/.