TCCSĐT - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14-10, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nhiễm vi rút Ebola ở khu vực Tây Phi đã lên đến 70%.

Phát biểu trước báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Bruce Aylward cho biết tỷ lệ tử vong đang không ngừng tăng lên ở 3 quốc gia “ổ dịch” khu vực Tây Phi là Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Theo ông, với đà này, đến tuần đầu tiên của tháng 12 tới, số bệnh nhân thiệt mạng do virus Ebola có thể lên tới 5.000 đến 10.000 người/tuần. Mặc dù nhấn mạnh đây chỉ là con số dự báo dựa trên diễn biến thực tế của dịch bệnh hiện nay, song ông Bruce Aylward cho rằng việc dự báo này là cần thiết nhằm định hướng cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của loại vi rút nguy hiểm này.

Theo thống kê mới nhất của WHO, kể từ khi bùng phát đến nay, trên thế giới đã có hơn 8.910 trường hợp nhiễm vi rút Ebola và gần 4.450 ca trong đó đã tử vong. Hiện tổ chức y tế lớn nhất thế giới đang tập trung nỗ lực vào việc cách ly và chữa trị cho những người mắc bệnh.

Trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh, ngày 14-10, Anh đã bắt đầu soi chiếu những hành khách đến từ khu vực Tây Phi nhập cảnh vào nước này qua sân bay Heathrow ở London nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh sớm nhất có thể.

Cùng ngày, tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết hiện nay chưa có thông báo, tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ về việc vi rút Ebola lây qua đường không khí. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên mức cảnh báo nhưng nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu - đây là khâu rất quan trọng. Cụ thể là quản lý tốt đối với những người đến từ vùng có dịch chưa qua 21 ngày, đặc biệt chú ý tình trạng lây truyền trong nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường truyền thông, kiện toàn các phòng xét nghiệm, đồng thời sẽ có công văn gửi các tỉnh, thành phố tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch.

Trước đó, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC), Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn với sự tham dự của các chuyên gia đại diện từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, Tổ chức Nông lương thế giới và các chuyên gia, đại điện của các đơn vị trong ngành y tế.

Cuộc họp đã thống nhất ý kiến cần rà soát tất cả các quy trình, hướng dẫn liên quan đến dịch bệnh Ebola hiện có để bổ sung cập nhật theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, đồng thời Việt Nam tiếp tục triển khai giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu và cộng đồng đối với hành khách đi từ 6 quốc gia (Congo, Guinea, Leberia, Sierra Leone, Nigeria và Senegal), chưa thực hiện khai báo y tế đối với hành khách đi từ Mỹ và Tây Ban Nha; tăng cường đào tạo, tập huấn và thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân trong các cơ sở điều trị, dự phòng.

Ngành y tế tiến hành thẩm định các phòng xét nghiệm hiện có, xây dựng quy trình, củng cố công tác lấy mẫu, xét nghiệm tiến tới thực hiện xét nghiệm xác định vi rút Ebola tại Việt Nam; tiếp tục thực hiện công tác truyền thông bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời nhưng không làm nhân dân hoang mang trước tình hình dịch bệnh.

Thế giới cũng đã ghi nhận hai nhân viên y tế nhiễm vi rút Ebola tại Tây Ban Nha (ngày 06-10-2014) và tại Mỹ (ngày 12-10-2014). Đây là những trường hợp nhiễm bệnh do vi rút Ebola đầu tiên ngoài khu vực đang lưu hành dịch bệnh.

Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ cho rằng chưa có bằng chứng khoa học để xác định việc thay đổi phương thức lây truyền từ người sang người cũng như từ người sang động vật theo đường không khí.

Việc nhân viên y tế tại Mỹ nhiễm vi rút Ebola khi chăm sóc bệnh nhân có thể là những sơ suất hoặc chưa tuân thủ đúng các biện pháp phòng hộ và đang tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ nguyên nhân đối với trường hợp này.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia nhận định nguy cơ dịch Ebola xâm nhập vào nước ta là có thể do người lao động, hành khách nhập cảnh Việt Nam từ các nước vùng dịch.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ đánh giá cao Việt Nam đã có những ứng phó đúng lúc, kịp thời với tình hình dịch bệnh trên nhiều phương diện như truyền thông chính xác, chuẩn bị kế hoạch ứng phó, công tác xét nghiệm, giám sát, hậu cần…

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho rằng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Nhật Bản, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện xét nghiệm xác định Ebola trong nước./.