Điểm mới trong công tác bồi dưỡng cán bộ cấp xã ở Bắc Giang
TCCSĐT - Thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ cấp xã ở Bắc Giang được chú trọng với một số cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả. Qua đó, rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng cán bộ cấp xã.
Từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo...
Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 29-4-2011, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng giai đoạn 2011- 2015”, ngày 21-11-2011, Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU, về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã (gọi chung là cán bộ cấp xã) giai đoạn 2011 - 2015. Căn cứ Hướng dẫn số 08-HD/BTCTU, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang; Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai tới các phòng, ban, cơ quan cấp huyện, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn; trong đó giao ban tổ chức huyện ủy, thành ủy chủ trì phối hợp với phòng nội vụ hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện; đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đăng ký nhu cầu bồi dưỡng đối với từng chức danh cán bộ cấp xã. Các phòng, ban, cơ quan cấp huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã phối hợp với ban tổ chức cấp ủy và phòng nội vụ xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã bảo đảm yêu cầu của ban thường vụ huyện ủy, thành ủy và báo cáo thường trực cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nội dung bồi dưỡng của các cơ quan khối Đảng, đoàn thể cấp huyện do phó bí thư thường trực huyện ủy, thành ủy phê duyệt; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân do phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phụ trách khối phê duyệt trước khi bồi dưỡng.
Nội dung bồi dưỡng tập trung chủ yếu vào các chuyên đề: Nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác tuyên giáo, công tác kiểm tra, giám sát, công tác văn phòng đảng ủy, công tác đoàn thể; công tác tài chính - kế toán, tài nguyên - môi trường, địa chính - xây dựng, tư pháp, văn hóa - xã hội, lao động thương binh và xã hội…
Các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan sau mỗi đợt bồi dưỡng, rút kinh nghiệm và điều chỉnh, bổ sung nội dung bồi dưỡng cho phù hợp, chú trọng nội dung mới, những tình huống thường xảy ra ở cơ sở để bồi dưỡng các đợt tiếp theo.
Về hình thức bồi dưỡng
Các huyện, thành phố cử cán bộ cấp xã đến làm việc tại các phòng, ban, cơ quan cấp huyện theo giờ làm việc hành chính từ 2 đến 3 ngày mỗi tuần; các ngày còn lại, cán bộ về nơi công tác để thực hành, ứng dụng ngay kiến thức, kỹ năng được bồi dưỡng; thời gian mỗi đợt bồi dưỡng là 3 tháng. Các phòng, ban, cơ quan cấp huyện cử cán bộ có năng lực, trình độ trực tiếp hướng dẫn, truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn cho cán bộ cấp xã trong thời gian bồi dưỡng, đồng thời giao một số việc phù hợp nhằm rèn luyện kỹ năng và nâng cao kiến thức chuyên môn. Cán bộ đến bồi dưỡng được tham dự các buổi họp của cơ quan và tham gia các cuộc kiểm tra, giám sát ở cơ sở như cán bộ của các phòng, ban, cơ quan cấp huyện; giúp cán bộ cấp xã có tầm nhìn khái quát, học hỏi kinh nghiệm làm việc của cơ quan cấp huyện; một số cán bộ đã chủ động đăng ký nội dung bồi dưỡng. Hằng tháng đánh giá kết quả học tập của cán bộ; đồng thời xem xét, điều chỉnh nội dung hướng dẫn cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Một số đồng chí thường trực Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ động trao đổi với lãnh đạo các đơn vị có cán bộ đến bồi dưỡng để nắm tình hình học tập, ý thức tham gia và thông tin những mặt còn hạn chế của cán bộ để các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có kế hoạch bồi dưỡng những mặt hạn chế đó, giúp cán bộ đến bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất.
Một số đơn vị có cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả
Thành phố Bắc Giang: Sau đợt bồi dưỡng thứ nhất kết thúc, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để triển khai các đợt bồi dưỡng tiếp theo. Việc bồi dưỡng cho cán bộ cấp xã được thực hiện theo 2 chiều: Xã, phường cử cán bộ lên học việc tại các phòng, ban, cơ quan trực thuộc thành phố; đồng thời thành phố cử lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan của thành phố xuống phường, xã để trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ cấp xã giải quyết những vướng mắc, tồn tại, chậm được khắc phục.
Huyện Lục Nam: Thực hiện bồi dưỡng điểm trước ở Ban Tổ chức Huyện ủy cho 27 đồng chí là phó bí thư thường trực, thường trực Đảng ủy các xã, thị trấn để rút kinh nghiệm. Sau bồi dưỡng, cán bộ nắm vững hơn những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ và xử lý các tình huống về công tác tổ chức xây dựng Đảng, được đảng ủy các xã, thị trấn đồng tình và đề nghị bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ, công chức khác ở xã.
Huyện Yên Thế: Chỉ đạo trong thời gian bồi dưỡng, thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan có cán bộ đến bồi dưỡng phải giữ mối liên hệ thường xuyên với thường trực Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi cán bộ công tác để trao đổi, thống nhất biện pháp bồi dưỡng và phân công nhiệm vụ phù hợp cho cán bộ trong quá trình bồi dưỡng. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phải chủ động trao đổi, đề xuất những nội dung, lĩnh vực còn hạn chế, vướng mắc của cán bộ cấp xã để các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có kế hoạch, biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
... đến hiệu quả công tác bồi dưỡng
Đối với cán bộ các phòng, ban, cơ quan cấp huyện: Cán bộ được phân công bồi dưỡng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng từng lĩnh vực chuyên môn và trực tiếp hướng dẫn cho cán bộ cấp xã. Qua đó trình độ chuyên môn của cán bộ cấp huyện được nâng lên, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, góp phần từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có kiến thức, năng lực công tác, khắc phục hạn chế trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị.
Đối với cán bộ cấp xã được tham gia bồi dưỡng: Đến nay, có 1.070 cán bộ cấp xã được bồi dưỡng; trong đó có 829 cán bộ, công chức và 241 cán bộ không chuyên trách. Sau bồi dưỡng, cán bộ đã hiểu sâu và rõ hơn về vị trí, chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với công việc được giao; được cập nhật những kiến thức và phương pháp làm việc mới, rèn luyện kỹ năng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực công tác; đã vận dụng kiến thức bồi dưỡng, do đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt. Một số cán bộ tham mưu biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ của địa phương đạt hiệu quả, nhất là cách xử lý những tình huống phức tạp xảy ra ở cơ sở.
Đối với công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức cấp xã: Thông qua bồi dưỡng, một mặt giúp các phòng, ban, cơ quan cấp huyện đánh giá được thực chất năng lực, trình độ thực tế của cán bộ cấp xã; nắm bắt được những khó khăn, hạn chế, vướng mắc đang xảy ra ở cơ sở, từ đó tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và lãnh đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; mặt khác giúp cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã nhận xét, đánh giá đúng thực chất cán bộ, công chức ở đơn vị. Đồng thời, qua bồi dưỡng đã thúc đẩy mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn với các phòng, ban, cơ quan cấp huyện.
Một số kinh nghiệm rút ra
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, cơ quan cấp huyện với Đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong việc bồi dưỡng cán bộ, coi đây là sự đổi mới hình thức bồi dưỡng có hiệu quả.
Hai là, nội dung bồi dưỡng phải gắn với nhiệm vụ cụ thể của cán bộ cấp xã và bảo đảm đầy đủ các nghiệp vụ chuyên môn theo chức trách, nhiệm vụ của mỗi chức danh cán bộ cấp xã; chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để nâng cao trình độ, năng lực công tác cho cán bộ cấp xã.
Ba là, gắn bồi dưỡng cán bộ cấp xã với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện; nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, đáp ứng yêu cầu trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức ở các cấp.
Bốn là, hằng năm, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, bổ sung nội dung bồi dưỡng sát thực hơn với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ cấp xã; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, phòng, ban cấp huyện; đồng thời nhân rộng những cách làm mới, sáng tạo; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, các đảng ủy xã, phường, thị trấn quan tâm bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.
Năm là, việc cử cán bộ của huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn để trực tiếp hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là hình thức bồi dưỡng có hiệu quả, nên nhân rộng trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ cấp xã, thiết nghĩ các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện một số nội dung sau:
Đối với huyện ủy, thành ủy: Tiếp tục tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã tại các phòng, ban, cơ quan cấp huyện bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo các đồng chí lãnh đạo phòng, ban, cơ quan cấp huyện có năng lực, trình độ trực tiếp xây dựng nội dung bồi dưỡng và trực tiếp tham gia hướng dẫn cán bộ cấp xã; ủy quyền cho thường trực cấp ủy duyệt nội dung bồi dưỡng của các cơ quan khối đảng, đoàn thể, thường trực Ủy ban nhân dân cấp huyện duyệt nội dung bồi dưỡng của các cơ quan khối nhà nước.
Đối với phòng, ban, cơ quan cấp huyện: Chuẩn bị nội dung bồi dưỡng phải bảo đảm cụ thể, thiết thực, bao gồm đầy đủ các nghiệp vụ chuyên môn cụ thể theo chức trách, nhiệm vụ của mỗi chức danh cán bộ, công chức cấp xã. Thường xuyên phối hợp, trao đổi với thường trực đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có cán bộ đi bồi dưỡng để nắm thông tin về những hạn chế của cán bộ để có biện pháp bồi dưỡng hiệu quả.
Đối với đảng ủy xã, phường, thị trấn: Bố trí công việc hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ đi bồi dưỡng yên tâm tập trung cho bồi dưỡng; chủ động đề xuất nội dung bồi dưỡng để các phòng, ban, cơ quan cấp huyện có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cụ thể, trọng tâm và bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Đối với cán bộ cấp xã được cử đi bồi dưỡng: Chủ động sắp xếp công việc, thời gian để tham gia đầy đủ chương trình bồi dưỡng; mạnh dạn trao đổi đề xuất những nội dung về chuyên môn còn hạn chế; tự giác, cầu thị, tích cực tham gia vào công việc của cơ quan chuyên môn cấp huyện; chú trọng phương pháp, kỹ năng vận dụng vào thực tế; sau bồi dưỡng, trình độ, năng lực phải được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở./.
Hội thảo khoa học: “Tinh thần Lý Tự Trọng và con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới”  (16/10/2014)
Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại tỉnh Trà Vinh  (16/10/2014)
Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật về tổ chức bộ máy nhà nước  (16/10/2014)
Hà Nội dành 118 tỷ đồng cho phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm  (16/10/2014)
Việt Nam tham gia giám sát bầu cử tại Mozambique  (16/10/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển