Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ với công tác bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long
TCCSĐT - Trong những năm gần đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan, đơn vị trong cả nước thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới biển đảo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,… trong vùng đã được hỗ trợ về vật chất và tinh thần để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, công tác, học tập tốt.
Từ những chương trình nghĩa tình…
Thực hiện Chương trình “Vòng tay đồng đội”, ngày 08-10-2011, Thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp với thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ và một số cơ quan, đơn vị tổ chức trao 400 suất học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) cho sinh viên là con, em các cựu chiến binh vùng Tây Nam Bộ đang theo học đại học. Đây là chương trình có số lượng sinh viên được trao học bổng lớn nhất của vùng lần đầu tiên do Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thực hiện.
Ngày 16-9-2012, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp tổ chức Chương trình “Chung tay vun đắp nhân tài”, trao 7 tỷ đồng học bổng cho 3.500 sinh viên nghèo, khó khăn ở các tỉnh, thành trong vùng đang theo học tại các trường đại học tại thành phố Cần Thơ (mỗi suất 2 triệu đồng). Ngày 16-3-2013, tại Đại học Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), thêm 3 tỷ đồng từ chương trình này được trao cho 1.500 sinh viên nghèo khó (mỗi suất 2 triệu đồng). Tính chung, trong 3 năm gần đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã vận động, phối hợp, tổ chức trao học bổng cho 5.400 sinh viên nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long,với số tiền hơn 10,8 tỷ đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vui Xuân, đón Tết Quý Tỵ năm 2013, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã vận động các địa phương, đơn vị quyên góp, ủng hộ để trao quà Tết cho hơn 16.000 hộ nghèo, công nhân lao động nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long, với số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tết Giáp Ngọ 2014, thực hiện Chương trình “Tết nghĩa tình” theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức thăm, chúc Tết, tặng quà cho hơn 2.000 hộ nghèo, gia đình chính sách vùng sâu, vùng xa, cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo với kinh phí hơn 2 tỷ đồng…
Ngày 01-3-2013, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải Quân, Vùng Cảnh sát biển 4 và các đơn vị có liên quan tổ chức Chương trình “Hướng về biên giới, biển đảo quê hương”. Trong chương trình này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã vận động được hơn 1,8 tỷ đồng để xây dựng 36 căn nhà nghĩa tình đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ và hộ nghèo ở vùng biên giới, biển đảo...
Nối tiếp Chương trình “Hướng về biên giới, biển đảo quê hương” năm 2013, ngày 29-7-2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Bộ Tư lệnh Hải Quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Quân khu 9, Cảnh sát Biển, Cục Kiểm ngư Việt Nam, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức Chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương” tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chương trình này đã nhận được sự tài trợ, hỗ trợ an sinh xã hội của hơn 28 tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước, với cam kết đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội gần 56 tỷ đồng (đến thời điểm diễn ra chương trình, các đơn vị đã đóng góp được gần 23 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành trong vùng đã vận động an sinh xã hội gần 50 tỷ đồng để hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, biển đảo gặp khó khăn; các hộ nghèo sống nơi biên giới, biển đảo theo đúng đối tượng, mục đích và yêu cầu của Chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”. Từ nguồn kinh phí vận động được, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức chương trình đã thống nhất phân bổ kinh phí đợt một là 21 tỷ 240 triệu đồng để xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình thương cho 531 hộ cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ trực tiếp nơi biên giới, biển đảo và hộ dân nghèo sống nơi biên giới, biển đảo (mỗi căn nhà trị giá 40 triệu đồng).
Ngoài ra, tại Triển lãm - Hội chợ “Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long”, diễn ra từ ngày 28-4 đến ngày 01-5-2012 tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh, thành trong vùng đã vận động được 876 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, trợ giúp hộ nghèo,...
Đến nay, toàn bộ số tiền tài trợ do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vận động đã được chuyển đến các địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang trao tận tay hộ nghèo, cán bộ, chiến sĩ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo đúng đối tượng, mục đích và yêu cầu của các chương trình an sinh xã hội đã đề ra.
… đến hiệu quả của Diễn đàn hợp tác kinh tế gắn với an sinh xã hội
Từ những kết quả đạt được trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo trong vùng những năm gần đây, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) - Vĩnh Long năm 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (Thường trực Ban Chỉ MDEC) đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng mà MDEC hướng đến là thực hiện công tác an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như: trường học, bệnh viện, cầu đường ở nông thôn, nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên tại 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân 13 tỉnh, thành trong vùng, năm 2013, nhu cầu vốn an sinh xã hội để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, trường học, cầu đường nông thôn,… lên đến trên 8.200 tỷ đồng. Cụ thể: thành phố Cần Thơ cần xây dựng 16 trường học với kinh phí 240 tỷ đồng; 3.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, kinh phí 90 tỷ đồng. Tỉnh Hậu Giang cần xây dựng 20 trường học, kinh phí 95 tỷ đồng; 2.000 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long có nhu cầu xây dựng 55 trường học, kinh phí hơn 96 tỷ đồng; hơn 2.600 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, kinh phí hơn 68 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng cần xây dựng 137 trường, kinh phí khoảng hơn 2.000 tỷ đồng; hơn 21.800 căn nhà, kinh phí hơn 655 tỷ đồng. Tỉnh Long An cần xây dựng 129 trường, kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Tỉnh Bạc Liêu xây dựng 111 trường, kinh phí hơn 600 tỷ đồng…
Theo chỉ đạo của đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong khuôn khổ các hoạt động chính của MDEC - Vĩnh Long năm 2013 đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Hội nghị này, các ngân hàng thương mại cổ phần, các doanh nghiệp, cá nhân đã cam kết hỗ trợ cho Chương trình An sinh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 trên 718 tỷ đồng. Riêng Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 khoảng 10 tỷ đồng. Từ các nguồn tài trợ này, đến nay các tỉnh, thành trong vùng đã khởi công xây dựng nhiều trường mẫu giáo, tiểu học, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, trong buổi làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào tháng 3-2014, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: “Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã vận động các ngân hàng thương mại hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long với kết quả rất tốt; công tác giải ngân nguồn vốn này được các địa phương và các ngân hàng thương mại thực hiện đạt yêu cầu, đúng đối tượng. Năm 2014, trong khuôn khổ MDEC - Sóc Trăng 2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vận động các ngân hàng thương mại hỗ trợ an sinh xã hội cho đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương năm 2013”.
Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: “Công tác an sinh xã hội do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện trong những năm qua thật sự mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn đang làm nhiệm vụ ở nơi biên giới, biển đảo; học sinh, sinh viên và các đối tượng khó khăn khác theo tinh thần xã hội hóa. Công tác này còn góp phần thiết thực trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Lễ phát động quốc gia Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn 2014  (25/09/2014)
Những vấn đề đặt ra đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long  (25/09/2014)
Những vấn đề đặt ra đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long  (25/09/2014)
Củng cố hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore  (25/09/2014)
Chính sách đối với người dân di cư, tái định cư do biến đổi khí hậu  (25/09/2014)
Việt Nam - Belarus cần mở rộng hợp tác kinh tế và viễn thông  (25/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay