Những triển vọng cho kinh tế biển, đảo

GB tổng hợp
22:49, ngày 19-09-2014

TCCSĐT - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), xác định: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”.

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định kinh tế biển là một trong những định hướng quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Hình thành ít nhất 5 khu du lịch biển tầm cỡ, có sức cạnh tranh trong khu vực

Mục tiêu phát triển du lịch biển, đảo đến năm 2020 là du lịch biển sẽ đứng vào nhóm nước phát triển nhất khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ phải hình thành ít nhất 5 khu du lịch biển tầm cỡ, có sức cạnh tranh cao trong khu vực là khu du lịch Hạ Long - Cát Bà, khu du lịch Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, khu du lịch Nha Trang - Cam Ranh, khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các khu du lịch quốc gia khác đã được xác định để đến năm 2030 có thể trở thành những khu du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực.

Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển và hướng đột phá trong những năm tới.

Chương trình hành động này được thực hiện với các chương trình hoạt động cụ thể như nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển, điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, đầu tư có hệ thống và có trọng điểm hạ tầng du lịch biển, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển, triển khai các dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020; phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và dự án lồng ghép kế hoạch ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển du lịch biển đến năm 2020.

Ngoài ra, trên cơ sở đề án này, sản phẩm du lịch biển trong thời gian tới phải được đầu tư một cách xứng đáng, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.

Cụ thể là tiếp tục đầu tư khai thác, chú trọng nâng cao chất lượng, tính đặc thù của các sản phẩm du lịch hiện đang khai thác phục vụ khách du lịch tàu biển thăm quan các di sản thế giới ở vùng ven biển, cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng biển; cải tiến thủ tục hải quan, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; đồng thời tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch tàu biển.

Châu Á hiện là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển với nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại, lượng khách được dự báo là 3,7 triệu lượt vào năm 2017. Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận và kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới là Hồng Kông, Xin-ga-po (Singapore) trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực.

Vì vậy, để thu hút khách du lịch tàu biển, cần phát triển các cảng biển chuyên đón tàu khách. Các địa phương trong nước có cảng biển cần có sự liên kết tốt để tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao. Việt Nam cũng cần xây dựng cảng biển chuyên dụng, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.

Khai thác thủy, hải sản: khuyến khích ngư dân đánh, bắt xa bờ

Ngày 07-7-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản và có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2014, trong đó có những chính sách ưu đãi đối với ngư dân như ưu đãi về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới… Đây được coi là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển của ngành thuỷ sản mà trọng tâm là phát triển đội tàu đánh, bắt xa bờ nhằm khai thác tối đa tiềm năng biển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: “Sản lượng đánh, bắt thủy sản là 2,2 triệu tấn/năm, trong đó theo kế hoạch đánh, bắt gần bờ là 0,8 triệu tấn, còn đánh, bắt xa bờ là 1,4 triệu tấn. Nhưng hiện nay, sản lượng đánh, bắt gần bờ và xa bờ lại ngược nhau. Do đó, cần khuyến khích đánh, bắt xa bờ và quan trọng hơn nữa là phải tăng cường chất lượng hải sản bằng việc bảo quản và đưa về ngay đất liền nhờ tàu dịch vụ hậu cần”.

Việt Nam sẽ hình thành những trung tâm khai thác, chế biến thủy, hải sản hiện đại. Ở đó, khép kín từ khâu đánh, bắt, nuôi trồng đến bảo quản đúng chuẩn mực; hình thành những trung tâm chế biến và giao dịch hàng hóa nội địa và xuất khẩu như một ngành kinh doanh khép kín theo chuỗi, lợi nhuận cao./.