Giảm nghèo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
TCCSĐT - Dưới những tác động của hội nhập kinh tế cùng biến đổi khí hậu, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay phải đối mặt với tỷ lệ nghèo còn cao, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đồng bằng sông Cửu Long phải tìm nguyên nhân và giải pháp giảm nghèo bền vững trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực trạng đói nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghèo và những hệ lụy của vấn đề nghèo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đã và đang là vấn đề nổi cộm trong nhiều năm qua ở các nước. Tại các nước đang phát triển, khi sinh kế của người nghèo còn gặp nhiều khó khăn vì vòng luẩn quẩn thu nhập - tích lũy - đói nghèo thì việc nghiên cứu, tìm kiếm những giải pháp nhằm giúp người nghèo định hướng được kế sinh nhai, nâng cao thu nhập, giảm đói nghèo, gia tăng sự tham gia vào quá trình phát triển chung là hết sức cần thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đóng góp của nông nghiệp trong GDP của vùng ở mức cao với tỷ trọng 39,6% cơ cấu GDP của vùng (năm 2010). Với diện tích trên 40.000 km2, chiếm 12% diện tích cả nước; dân số chiếm khoảng 20% và đóng góp khoảng 18,5% GDP cả nước; trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng khoảng trên 50% sản lượng trái cây, 70% diện tích nuôi trồng thủy - hải sản và chiếm vị trí trọng yếu trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo của vùng, tỷ lệ nghèo của vùng giảm từ 20,1% năm 2004 xuống còn 8,9%(1) vào năm 2010, nhiều tỉnh có tỷ lệ nghèo thấp như Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long. Hiện vùng có tỷ lệ nghèo thấp thứ ba sau vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “túi gạo” của cả nước và đóng góp nhiều đối với sự phát triển của nông nghiệp song hiện nay vẫn còn hơn 2 triệu người nghèo trong 17 triệu dân sống ở khu vực này và thu nhập bình quân đầu người của vùng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Năm 2013 thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 34,6 triệu đồng/năm (giá hiện hành).
Mặc dù vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ nghèo đứng thứ ba cả nước nhưng tỷ lệ nghèo của vùng vẫn còn cao, đến năm 2010 nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ nghèo của vùng là 12,6%, cả nước là 14,2%. Nhiều tỉnh trong vùng có tỷ lệ nghèo khá cao như Trà Vinh 23,2%, Sóc Trăng 22,1%, Hậu Giang 17,3%(2)... Với trên 2 triệu người nghèo sống trong vùng, quá trình giảm nghèo bền vững còn đặt ra cho vùng rất nhiều thách thức.
Do đặc thù của vùng với mùa nước nổi kéo dài và hiện tượng ngập lũ nên nhà ở của các hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất nhiều nhà tạm. Nhà kiên cố chỉ chiếm 11% tổng số hộ, nhà bán kiên cố chiếm 51,4%, nhà thiếu kiên cố 20,8%, nhà tạm chiếm 16,8%. Đây cũng là vùng có tỷ lệ nhà kiên cố thấp nhất cả nước và tỷ lệ nhà tạm cao nhất cả nước. Qua đó cho thấy, người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu những điều kiện sống căn bản và còn lạc hậu so với nhiều địa phương trong cả nước.
Bên cạnh đó tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là của người Khmer còn khá cao. Tại Trà Vinh, Sóc Trăng nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất vùng cũng là nơi tập trung người Khmer sinh sống. Những khác biệt về ngôn ngữ cộng thêm truyền thống sản xuất nông nghiệp, trình độ tay nghề thấp làm cho người Khmer rất khó chuyển đổi ngành nghề. Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, đặc biệt là chương trình 135 để trợ giúp người nghèo đối với các xã khó khăn thông qua giao đất, cấp đất, dạy nghề,… Qua đó, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long được trợ giúp để nâng cao đời sống nhưng vẫn cần duy trì trong thời gian tới để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiến tới tự tạo việc làm cho chính mình và thoát khỏi đói nghèo bền vững.
Nguyên nhân của tình trạng nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long
Thứ nhất, do trình độ lao động còn thấp. Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long có lực lượng lao động khá dồi dào với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của vùng năm 2012 khoảng 10.408 nghìn người, chiếm 59,8% dân số; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chiếm 58,7% dân số. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo rất thấp, chỉ đạt 9,1%, cả nước 16,6% và thấp nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước. Những hạn chế từ chất lượng lao động đã thu hẹp cơ hội việc làm trong các ngành, nghề phi nông nghiệp. Chính vì thế, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang rơi vào “bẫy” của phát triển, chủ yếu là khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động giá rẻ để phát triển nông nghiệp. Hoạt động chế biến nông sản chậm phát triển nên thu nhập của người dân không cao mặc dù đây là vùng xuất khẩu nhiều nông sản nhất cả nước.
Đồng thời cũng vì tay nghề còn thấp nên việc thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn. Trong thu hút FDI thì đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đứng thứ ba từ dưới lên, chỉ trên các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Cũng vì lẽ đó, khi thiếu vắng nhà đầu tư, số lao động dư thừa trong nông nghiệp không thể tìm kiếm việc làm, buộc phải bám trụ trong nông nghiệp với năng suất và thu nhập thấp.
Số liệu cho thấy, tỷ lệ nhập học đối với các vùng nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có đặc điểm càng lên cấp học cao hơn, số trẻ em bỏ học càng nhiều. Đối với bậc phổ thông trung học, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ đi học đúng tuổi rất thấp, xếp vị trí thứ hai từ dưới lên, chỉ sau miền núi Tây Bắc. Như vậy, một bộ phận trẻ em, đặc biệt ở các hộ nghèo đã bỏ học sớm để đi làm việc. Cơ hội giáo dục của hôm nay sẽ chứa đựng những tiềm ẩn về bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của thế hệ tương lai.
Thứ hai, do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra chậm. Mặc dù có sự chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề qua các năm nhưng nông nghiệp hiện vẫn còn chiếm gần 50% việc làm của lao động từ 15 tuổi trở lên trong vùng, các hoạt động công nghiệp chế biến chỉ chiếm 11,9%, lĩnh vực dịch vụ chủ yếu tập trung trong các hoạt động thương nghiệp, chiếm 14,9% việc làm. Có thể thấy, tính chất thuần nông vẫn là đặc thù của vùng, lẽ dĩ nhiên đi kèm là năng suất lao động thấp, thu nhập thấp. Đồng thời, con số trên cũng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi đối với việc dịch chuyển lao động khi việc làm phi nông nghiệp dưới hình thức thuê mướn lao động chậm phát triển ở khu vực này. Khi quy mô tích lũy của người dân không nhiều thì khả năng thuê mướn thêm lao động từ hình thức tự tạo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của các hộ là rất thấp, do đó càng hạn chế đối với việc nâng cao thu nhập và nhất là quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đối với người nghèo còn rất chậm.
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa gia tăng và sự hình thành hàng loạt các khu công nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long càng làm gia tăng tình trạng mất đất nông nghiệp. Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 51 khu công nghiệp và 200 cụm tiểu thủ công nghiệp được quy hoạch với diện tích hơn 26.500 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy khá thấp nên việc thu hút lao động dịch chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp còn hạn chế.
Do vậy, trong cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp đóng góp khoảng 39% nhưng phải sử dụng đến 50% lực lượng lao động của vùng. Rõ ràng, cần phải giảm bớt số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với quá trình đào tạo nghề, dịch chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp mới góp phần giải quyết được vấn đề thu nhập và mức sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng.
Thứ ba, những rủi ro về giá trong sản xuất nông nghiệp. Như đã đề cập, đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đóng góp rất nhiều đối với cả nước, đặc biệt là trong sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái nhưng thu nhập đầu người còn thấp và còn nhiều hộ nghèo. Có thể nói, chính những rủi ro về giá trong nông nghiệp đã làm cuộc chiến chống đói nghèo trở nên khó khăn. Điệp khúc “được mùa - mất giá” làm đầu ra của nông dân không ổn định, thu nhập thấp, bấp bênh cho nên dù là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng đồng bằng sông Cửu Long vẫn đối mặt với bài toán nghèo. Chừng nào các hình thức bảo hiểm nông nghiệp được áp dụng phổ biến và thị trường đầu ra ổn định thì khi đó mới giải quyết được căn cơ vấn đề giảm nghèo, chống tái nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân.
Thứ tư, tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài những nguyên nhân của nghèo thường thấy ở các vùng kinh tế tại Việt Nam thì biến đổi khí hậu là yếu tố ảnh hưởng khá rõ nét đối với vùng. Biến đổi khí hậu đe dọa hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn là sinh kế chủ yếu của người dân nơi đây và hệ quả là gia tăng tình trạng nghèo và tái nghèo tại khu vực này. Nguyên nhân là do đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Mùa khô, vùng đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, mùa lũ gần một nửa diện tích của vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Hiện tượng nước biển dâng kéo theo sự xói mòn, sạt lở, làm mất đi nhà ở kèm theo mất đất sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, những diễn biến thất thường của thời tiết làm ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Một số giải pháp giảm nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long
Để bảo đảm xóa nghèo bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Song song quá trình đó, cần phát huy vai trò của công tác dân vận để giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học của vùng. Gắn quá trình đào tạo nghề cho người nghèo với tìm kiếm việc làm để tạo động lực thu hút người nghèo học nghề.
Hai là, tăng cường mối liên kết vùng giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như mối liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long - Đông Nam Bộ trong tiêu thụ nông sản và phát triển các hoạt động công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm và tạo việc làm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các hình thức bảo hiểm trong nông nghiệp để người nông dân nói chung, người nghèo nói riêng yên tâm trong sản xuất.
Ba là, gia tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giải quyết được vấn đề này mới có cơ hội thu hút đầu tư, tạo việc làm, đặc biệt là trong phát triển các ngành phi nông nghiệp gắn với lợi thế của vùng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bốn là, huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề nghèo đối với đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù Chính phủ triển khai chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo trong nhiều năm qua nhưng với xuất phát điểm thấp nên vùng đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết triệt để vấn đề nghèo đói. Hiện có khoảng 20,6% tổng số hộ vùng đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi từ các dự án, chính sách hỗ trợ, trong đó tập trung chủ yếu là hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm chi phí khám, chữa bệnh và miễn giảm học phí cho con em các hộ nghèo. Các hình thức hỗ trợ như dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ xuất khẩu lao động, hỗ trợ máy móc, vật tư cho sản xuất còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn. Do vậy, cần phải huy động các nguồn lực trên tinh thần xã hội hóa để giải quyết được vấn đề nghèo của vùng nói riêng và cả nước nói chung./.
-----------------------------------------------
(1) Được tính theo chuẩn nghèo của Chính phủ áp dụng 140 nghìn đồng/người/tháng khu vực nông thôn, 220 nghìn đồng/người/tháng khu vực thành thị năm 2004
(2) Chuẩn nghèo năm 2010 tính theo chuẩn nghèo mới theo của Chính phủ cho giai đoạn 2011 - 2015, áp dụng 400 nghìn đồng/người/tháng khu vực nông và 500 nghìn đồng/người/tháng khu vực thành thị
Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Na Uy  (18/09/2014)
“Cần đánh giá kỹ trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”  (18/09/2014)
Việt Nam muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của ADB về mọi mặt  (18/09/2014)
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam làm việc tại Slovakia  (18/09/2014)
Đại hội lần thứ nhất Hội Hữu nghị Việt Nam - Singapore  (18/09/2014)
Bão số 3 gây thiệt hại lớn về người và tài sản  (18/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên