Hội thảo khoa học về công tác đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được tổ chức ngày 5-5.

Tại hội thảo, ngoài việc đưa ra các giải pháp đặt tên đường phố theo các vùng miền, địa danh nổi tiếng, hay đánh số cho các con đường, ngõ phố của khu đô thị mới, vấn đề được bàn thảo nhiều nhất là việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về quỹ đường phố và ngân hàng tên theo loại hình: địa danh, nhân vật, sự kiện...

Các nhà khoa học tham dự hội thảo cũng cho rằng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội cần tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các ngành chức năng xây dựng, bổ sung tiêu chí về đặt tên danh nhân cho các đường, phố, công trình công cộng ở Thủ đô cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu không có định hướng rõ ràng, nhiều địa danh lịch sử, tên nhiều làng quê cũ sẽ không còn khi Hà Nội ngày càng nhiều khu đô thị mới mọc lên.

Ngoài mục đích phục vụ công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, giao thông, đi lại, việc đặt tên đường phố và công trình công cộng còn thể hiện bản sắc văn hóa, bề dày lịch sử của Thủ đô.

Do đó, những bất cập trong công tác này cần được ngành văn hóa tham mưu, trình thành phố sửa đổi, bổ sung vào Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn, nhằm phù hợp với tình hình phát triển của Thủ đô.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội đánh giá, việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng luôn là vấn đề bức thiết trong công tác quản lý đô thị, đặc biệt là với một thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội.

Từ sau năm 1954 đến nay, thành phố Hà Nội đã mở rộng 3,5 lần, công tác quy hoạch thay đổi 7 lần.

Cũng từ khoảng thời gian đó đến nay, Hà Nội đã có khoảng 30 lần tổ chức đặt tên đường phố mới theo các nhóm: tên theo địa danh cũ, tên danh nhân, tên theo những sự kiện lịch sử lớn, tên theo di tích lịch sử văn hóa.

Thực tế những năm qua, công tác này đã bộc lộ nhiều bất cập, cần triển khai phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội./.