Ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ
TCCS - Mọi sự kiện lịch sử, người ta chỉ có thể nhận thức được đầy đủ tầm vóc và ý nghĩa của nó khi đặt trong dòng chảy liên tục của thời gian và phân tích nó trong sự vận động và phát triển của lịch sử. Theo nghĩa như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là một sự kiện lịch sử trọng đại.
Sáu mươi năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng điển hình trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đánh thắng quân viễn chinh Pháp có tiềm lực quân sự mạnh, vũ khí trang bị hiện đại. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX. Ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này cũng như những bài học lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay trên con đường hội nhập.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là sự kết thúc thắng lợi một cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam trường kỳ, gian khổ, trong vòng vây, mà còn là sự kiện khởi đầu cho một cao trào của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh thoát khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân trong lịch sử thế giới cận - hiện đại. Với Điện Biên Phủ, Việt Nam nêu cao tấm gương, bài học: Một dân tộc nhỏ, yếu có thể đánh bại một cường quốc hùng mạnh, khi nhân tố con người đã trở thành quyết định, vượt lên trên các yếu tố tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đấu tranh của các nước thuộc địa và phụ thuộc chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, có thể nói đang đứng trước không ít câu hỏi lớn, thậm chí không ít vấn đề nan giải. Giữa bối cảnh đó, trận quyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ ở Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng vào chiều ngày 7-5-1954, cách đây tròn 60 năm. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một đất nước Việt Nam mới non trẻ, vừa thoát khỏi ách thuộc địa nửa phong kiến, đất không rộng, người không đông, kinh tế lạc hậu, trang bị vũ khí, tiềm lực quân sự đều yếu hơn, nhưng đã đánh thắng quân đội xâm lược hùng hậu của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn gấp nhiều lần, trang bị vũ khí hiện đại… vào hàng bậc nhất lúc bấy giờ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên một nước thuộc địa ở châu Á tiêu diệt và bắt sống trên 1,6 vạn lính lê dương của một nước đế quốc phương Tây trong một trận quyết chiến chiến lược. Chiến thắng đó khiến thế giới sửng sốt và khâm phục.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ thành lũy thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của cả hệ thống thuộc địa kiểu cũ trên toàn thế giới, báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu của chủ nghĩa thực dân mới do Mỹ đứng đầu. Nó góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, mà còn là khát vọng của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, là một giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ. Cố Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi đã gián tiếp thừa nhận: “Qua nghiên cứu, chúng ta thấy rằng cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khát khao vươn lên độc lập dân tộc... Ai-xen-hao đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954”. Điều thú nhận đó góp phần lý giải về một chiến thắng, mà tự chiến thắng đó đã góp phần giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn mà thời đại đặt ra lúc bấy giờ.
Không còn gì phải nghi ngờ rằng, Điện Biên Phủ là thắng lợi đầu tiên của các dân tộc thuộc địa trước đội quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc lớn. Vì trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc các nước cai trị thuộc địa trao trả độc lập thực sự. Về điều này, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, tác giả Guyn Roa (Jules Roy), ký giả kiêm sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp, nhận xét rằng: “Trên toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”(1).
“Tiếng sấm” Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, vang tới những vùng xa xôi còn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ, thức tỉnh và truyền niềm tin cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh. “Tiếng sấm” đó báo hiệu cơn giông bão sắp đến với chủ nghĩa thực dân. Trong khoảng thời gian gần hai thập niên sau Điện Biên Phủ, hàng loạt nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh lần lượt giành được độc lập, với hình thức và mức độ khác nhau. Có thể nói ngắn gọn như ông Ô-man U-xê-đíc, Trưởng Đoàn đại biểu Quân đội An-giê-ri trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1960: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu”.
Không chỉ vậy, Điện Biên Phủ góp phần làm thay đổi cục diện thế giới trong nửa sau của thế kỷ XX. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang ý nghĩa là chiến thắng chung của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Nó chứng minh một chân lý giản dị của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do, thì nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Năm 1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(2). “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”(3). Điện Biên Phủ còn như một “điểm hẹn tất yếu” mà lịch sử dành cho số phận của những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Rằng, bất cứ dân tộc nào áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác, cuối cùng nhất định sẽ thất bại.
Chính vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên các chính trị gia, các tướng lĩnh, các nhà sử học, các ký giả quốc tế đều đánh giá rất cao về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong bài viết nhân Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên tờ Thời báo Niu Oóc, số ra ngày 7-5-1984, Đrin Mét-đen-tơn (Dreen Meddenton), ký giả người Mỹ viết: “Đây là một trong 16 trận tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại thế kỷ XX, có tác dụng làm thay đổi chiều hướng lịch sử chiến tranh”. Giáo sư Can Thây-ơ (Carl Thayer), người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử - chính trị Việt Nam, đánh giá: “Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải mau chóng chấm dứt sự cai trị ở Đông Dương cũng như sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á”. Ông cũng cho rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp: Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại bất kỳ đạo quân xâm lăng nào và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó”.
Điện Biên Phủ là một mốc dấu lịch sử khẳng định ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này là sự phát huy thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này. Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi dấu trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - một quân đội phát triển “từ con số 0”, đến thời điểm đó mới tiêu diệt được từng tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc và thường chỉ đánh trong đêm, nhưng ở Điện Biên Phủ, cũng những chiến sĩ đó đã tiêu diệt 21 tiểu đoàn (đại bộ phận là lực lượng tinh nhuệ nhất của Pháp) phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương khi đó, với 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm được xây dựng kiên cố, được tiếp viện bằng máy bay. Cuộc chiến đấu kéo dài liên tục 56 ngày đêm với những đỉnh cao của mức độ ác liệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo chỗ dựa vững chắc, tạo nên lực lượng và ý chí, niềm tin và kinh nghiệm để quân và dân Việt Nam trên cả hai miền Nam, Bắc tiến lên đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất hoàn toàn, tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Sau này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho biết: “Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó hàng vạn “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã lập công xuất sắc. Hàng ngàn “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có 3 trong số 4 Tư lệnh Quân đoàn từng là Trung đoàn trưởng chiến đấu ở Điện Biên Phủ”.
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó có nguồn gốc sâu xa là truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết nhân ái. Đó là những nhân tố chủ yếu tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử.
Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bất khuất không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết chiến, quyết thắng; là sự kết hợp tinh thần dũng cảm kiên cường với trí thông minh sáng tạo và những nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không thể làm nổi, tạo nên bước tiến vượt bậc về khả năng và sức mạnh chiến đấu để đánh bại mọi kẻ thù.
Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của toàn quân, toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương được động viên vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng ta tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh, động viên các chiến trường trong cả nước và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia chiến đấu phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Chúng ta đã huy động sức người, sức của từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, Tây Bắc, Việt Bắc và cả nhiều tỉnh vùng địch tạm chiếm ở Bắc Bộ để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hơn 26 vạn đồng bào đã hăng hái đi dân công, đi thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho một mặt trận xa hậu phương hơn 500km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ, thiếu thốn, thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt. Theo tác giả Guyn Roa (Jules Roy): “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200kg - 300kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông. Cái đã đánh bại Tướng Na-va không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, đó là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, với một bộ chỉ huy thao lược, tài ba gồm những cá nhân xuất sắc. Sự lãnh đạo đó không những thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược và chiến thuật tài tình trên chiến trường mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong hy sinh, gương mẫu của những người đảng viên. Trước những thử thách ác liệt của trận Điện Biên Phủ, biết bao đảng viên ưu tú đã một lòng vì nước, vì dân, nêu cao tinh thần gương mẫu trong chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng xả thân để giành chiến thắng. Ngày nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới càng đòi hỏi vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để bảo đảm thành công.
Sức mạnh Điện Biên Phủ được tôn lên từ những chỉ đạo, quyết định mang tính chiến lược, trên cơ sở tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi tình hình đã thay đổi. Nghĩa là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây là bài học sâu sắc nhất về lãnh đạo và chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài học đó vẫn đang có ý nghĩa lớn khi chúng ta đang phát huy tinh thần “Điện Biên Phủ”, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm để làm nên nhiều “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng đất nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội...
Bài học thực tiễn và sức sáng tạo của Điện Biên Phủ sống mãi. Đó là bài học gắn lý luận với thực tiễn; coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; xuất phát từ thực tiễn, phân tích, phát hiện, nắm bắt đúng đắn những xu hướng phát triển mới, ứng phó với những biến động nhanh và phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; là bài học không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ, giáo điều hay do dự, ngập ngừng. Chỉ như thế, mới có thể đưa công cuộc đổi mới đến thành công./.
-------------------------------
(1) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 315, 271
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng  (06/05/2014)
Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với Kazakhstan  (05/05/2014)
Phê duyệt đề án hướng tới tăng thị phần hàng Việt lên 80%  (05/05/2014)
Nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác Nhật-Việt đi vào chiều sâu  (05/05/2014)
Số tướng Quân đội sẽ giảm bớt 3,1% so với luật hiện hành  (05/05/2014)
Tổng Bí thư: Chỉ dựa vào dân mới chống được tham nhũng  (05/05/2014)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên