Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác giảm nghèo
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Định hướng của công tác giảm nghèo sắp tới phải thực hiện một cách toàn diện…
Sáng 23-4, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.
Các ý kiến đánh giá thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng là quyết tâm chính trị và ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo.
Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hằng năm, giai đoạn 2005 - 2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2,5%. Kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, thách thức như chuẩn nghèo thấp, chưa phù hợp cuộc sống thực tế. Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng gia tăng ở một số khu vực. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao...
Qua phân tích, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong chính sách giảm nghèo do công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn phân tán, thiếu liên kết, không lồng ghép được chính sách đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo.
Một số ý kiến cho rằng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp và đang trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa và thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc huy động nguồn lực khó khăn cũng là những nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế trong công tác giảm nghèo.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá công tác giảm nghèo ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức từ cấp ủy đảng, chính quyền là nguyên nhân hạn chế trong công tác giảm nghèo. Kết cấu hạ tầng, đời sống ở các thôn, bản nơi xa trung tâm xã, cụm xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; phong tục, tập quán, lối sống của một số đồng bào còn lạc hậu, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại chính sách của Nhà nước...
Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, phải xác định được nguyên nhân đói nghèo ở từng địa phương từ đó mới đưa ra các giải pháp, cách làm phù hợp.
Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2020” tập trung vào việc định hướng, điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015, ưu tiên bảo đảm nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm, đổi mới cơ chế điều hành và hoàn thiện khung tiêu chí đánh giá hiệu quả giảm nghèo...
Chính phủ khẩn trương rà soát các văn bản liên quan đến chính sách, pháp luật giảm nghèo, tập trung, sắp xếp hợp lý theo hướng giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, trách nhiệm rõ ràng; bảo đảm cân đối nguồn lực cho các chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính sách và tiếp cận chính sách. Nghiên cứu xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau năm 2015 để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo bền vững…
Các địa phương cần cụ thể hóa những mục tiêu giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy và hội đồng nhân dân; đổi mới cách thức tổ chức, thực hiện giảm nghèo, quan tâm “giảm nghèo theo địa chỉ”; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả...
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII họp vào tháng Năm tới.
Buổi chiều, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, chủ trì Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014 - 2015.
Các ý kiến của đại biểu đều đồng tình với việc thay đổi các chính sách giảm nghèo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả.
Ông Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, từ 2005 đến nay, tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản về chính sách nghèo. Năm 2013, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm trên 7.000 hộ nghèo và vẫn còn hơn 33.000 hộ nghèo, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do tập quán sản xuất của người dân còn mang tính tự cấp tự túc, lúng túng trong vươn lên thoát nghèo, nguồn vốn bố trí thấp, hạn hẹp…
Ông Đặng Xuân Thanh đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho những hộ nghèo, cận nghèo đặc biệt là hộ thoát nghèo, dân tộc thiểu số tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ như hộ nghèo từ 1-3 năm, cho phép thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số có giá trị sử dụng từ 2-3 năm, đề nghị nâng mức tiền khoán chăm sóc bảo vệ rừng từ 200.000/ha/năm lên 500.000/ha/năm; kéo dài thời gian hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo tham gia nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng và trồng rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực từ không quá 7 năm lên dưới 10 năm.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng, mang tính chiến lược. Hệ thống cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện, đồng thời các địa phương cũng đã vận dụng, ban hành mức cụ thể phù hợp với địa bàn, phát huy được tính hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều chính sách, văn bản đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo dẫn đến sự trùng lắp, chồng chéo. Các chính sách còn mang tính cào bằng, chưa khuyến khích việc vươn lên thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tái nghèo vẫn còn cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, định hướng của công tác giảm nghèo sắp tới phải thực hiện một cách toàn diện. Ở tất cả các địa bàn cần tập trung hơn cho những vùng có tỷ lệ nghèo cao, tập trung cả chính sách, nguồn lực. Trên định hướng này, chúng ta gom cơ chế chính sách lại cho dễ thực hiện, không gián đoạn các chính sách hiện hành…/.
Công an thống nhất nhận thức bảo vệ an ninh quốc gia  (24/04/2014)
ASEAN và Trung Quốc tham vấn về vấn đề Biển Đông  (24/04/2014)
Thủ tướng: Giám sát, cấp cứu, điều trị kịp thời bệnh nhân sởi  (24/04/2014)
Ưu tiên xây dựng dự án luật thể chế hóa quy định Hiến pháp  (23/04/2014)
Phó Thủ tướng: Hà Giang cần phát triển kinh tế biên mậu  (23/04/2014)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay