Tăng trưởng GDP quý I-2014 ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, sáng nay, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3-2014 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính phủ nhận định, trong 3 tháng đầu năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực.
Tăng trưởng GDP quý I-2014 ước đạt 4,96%, cao hơn cùng kỳ hai năm trước (quý I-2013 đạt 4,76%; quý I-2012 đạt 4,75%); trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,44%, 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,8%, thấp nhất trong 13 năm qua.
Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 1%; trong đó lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9% xuống 8%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,6%; vốn ODA giải ngân tăng 5% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm ước đạt 24,9% dự toán; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 23,1% dự toán.
Kim ngạch xuất khẩu quý I-2014 đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%; xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Một tín hiệu đáng mừng là trong quý I, cả nước có 18,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; hơn 4.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tai nạn giao thông đã giảm mạnh cả về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ (giảm tương ứng 13,7%; 5,9% và 17,5%).
Sau khi khái quát một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội được đề cập đến trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đã giải đáp, làm rõ thêm nhiều câu hỏi đang được dư luận xã hội và báo chí quan tâm.
Đăng cai ASIAD 18 là chủ đề được nhiều nhà báo quan tâm nhất. Về vấn đề quy trình đăng cai sự kiện thể thao như ASIAD và chủ trương của Chính phủ đối với việc Việt Nam đăng cai ASIAD 18 năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu rõ ASIAD 18 là sự kiện thể thao lớn của châu Á, không chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa khác. Các nước đăng cai có thể do được phân công hoặc bản thân quốc gia đó thấy có nhu cầu cần tạo một sự kiện để nâng cao hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, đầu tư,…
Theo quy trình đăng cai ASIAD thông thường, từ năm 2010 Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã nắm thông tin, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn bạc thống nhất chủ trương bắt đầu chuẩn bị việc đăng cai tổ chức ASIAD 18. Sau khi được sự đồng ý về chủ trương, Bộ phối hợp các ngành, địa phương tiến hành rà soát lại các công việc cần và đủ để tổ chức ASIAD 18. Sau đó Hội đồng Olympic châu Á đồng ý để Việt Nam đăng cai.
Trong những ngày qua, nhất là sau khi Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch báo cáo hoạt động thường xuyên, trong đó có việc chuẩn bị ASIAD trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, những người tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước… băn khoăn và đưa ra những hình ảnh minh họa về việc nên hay không nên đăng cai ASIAD. Có những bài báo sắc sảo, công phu để góp ý Chính phủ trước khi quyết định.
Tại phiên họp này, Thủ tướng có giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tuần sau báo cáo để Thủ tướng nghe và quyết định. Chúng ta tin tưởng rằng, từ những thông tin, luận cứ, góp ý… chắc chắn Thủ tướng sẽ có kết luận, quyết định có tình, có lý trên cơ sở lắng nghe từ nhiều phía.
Đối với câu hỏi về những khó khăn trong tiêu thụ nông sản, rằng chúng ta vẫn sa vào tình trạng giải quyết tình huống trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay, Chính phủ đang tính toán tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là một chủ đề lớn, rộng, cần thời gian để bàn bạc thấu đáo. Trong hội nghị về phát triển nông nghiệp tổ chức tại Cần Thơ vừa qua, những kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chuẩn bị cho các bước tái cơ cấu nông nghiệp để nông nghiệp phát triển một cách căn cơ, bền vững.
Về nghi án nhận hối lộ liên quan đến công trình sử dụng vốn ODA, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương, nhanh chóng phối hợp với bạn nắm thông tin, điều tra làm rõ, sớm có kết luận để xử lý nghiêm minh. Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Thủ tướng Nhật Bản và lời đầu tiên hai Thủ tướng gặp nhau là: Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng chỉ đạo làm thận trọng, quyết liệt, đầy đủ trách nhiệm, đảm bảo theo quy định của pháp luật, theo quy trình điều tra. Hiện nay các cơ quan đang điều tra, làm rõ.
Trả lời câu hỏi về chủ trương của Chính phủ đối với đề án tái cơ cấu VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, Chính phủ đồng ý theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách phần viễn thông di động ra để chuẩn bị cho cổ phần hóa đúng theo lộ trình, kế hoạch (tách MobiFone ra khỏi VNPT). Phần còn lại tiếp tục củng cố làm sao cho cả 2 cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu và phát triển ngày càng tốt hơn, giao trách nhiệm này lại cho bộ chủ quản thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, cổ phần hóa theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ, thường trực Chính phủ đã quyết định, cho ý kiến.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan còn trả lời câu hỏi về các chủ đề khác như nhà ở công vụ, tỷ lệ nợ xấu, kiểm tra giá sữa,…/.
Triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội  (01/04/2014)
Đẩy nhanh liên kết ASEAN thông qua tăng cường liên kết về mặt pháp lý  (01/04/2014)
Hai bộ trưởng trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (01/04/2014)
"Quân đội phải dựa vào dân để giữ vững biên cương Tổ quốc"  (01/04/2014)
Hai quận mới của Hà Nội chính thức hoạt động  (01/04/2014)
Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam  (01/04/2014)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên