Sóc Trăng chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ xã người dân tộc Khmer
TCCS - Sóc Trăng có gần 1,3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 29% số dân; có 106 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 39 xã và 98 ấp đặc biệt khó khăn; 29 xã, phường có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm 50% số dân trở lên. Vì vậy, việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ xã người Khmer có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và chính quyền tỉnh.
Huấn luyện cán bộ là công việc gốc và thường xuyên
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về công tác dân tộc, năm 2004, Tỉnh ủy Sóc Trăng thành lập Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh gồm 8 thành viên, do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban.
Năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 07-KH/BTCTU, về “Quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2015”. Tỉnh ủy ban hành hai nghị quyết chuyên đề về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bào dân tộc Khmer.
Hằng năm, trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc Khmer; tập trung giúp các huyện, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; từng bước bảo đảm đồng bộ hơn về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Tỉnh thường xuyên chú trọng, chăm lo phát triển giáo dục phổ thông, chuẩn bị nguồn nhân lực của địa phương. Tiêu biểu là năm học 2008 – 2009, số lượng học sinh người dân tộc Khmer trong tỉnh có gần 68 em (chiếm 28,26% học sinh toàn tỉnh). Để tạo nguồn, tỉnh đầu tư xây dựng trường trung học phổ thông dân tộc nội trú và 5 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, với tổng số 34 lớp, 1.063 học sinh. Trong năm 2008, có 200 học sinh Khmer được cử tuyển vào các trường đại học, nâng tổng số học sinh Khmer được cử tuyển của tỉnh từ năm 2001 đến nay là 962 em.
Hiệu quả của việc chú trọng đào tạo nguồn cán bộ người đồng bào dân tộc đã phát huy tác dụng trong bố trí sử dụng cán bộ ở cơ sở. Hiện nay, số cán bộ và công chức cấp xã là người dân tộc Khmer của tỉnh có 183 người, tỷ lệ 8,6%(1), số cán bộ không chuyên trách có 197 người, chiếm tỷ lệ 10%. Đối với các xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer (từ 30% trở lên) tỷ lệ cán bộ Khmer được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ chiếm 20%, Ban Thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt có từ 3 - 5 đồng chí. Hiện nay, Sóc Trăng có 169 đảng viên là người Khmer được bầu vào cấp ủy xã đạt tỷ lệ 9,8%; 576 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, đạt tỷ lệ 19,5%.
Tổng số đảng viên người Khmer hiện nay là 3.616 người (chiếm gần 14% tổng số đảng viên), có 4.291 cán bộ, công chức, viên chức là người Khmer (chiếm 16,6%). Trong đó, cán bộ, công chức nhà nước cấp huyện 145 người (chiếm tỷ lệ 8,1%), cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã 183 người (chiếm tỷ lệ 8,7%), cán bộ không chuyên trách 197 người (chiếm tỷ lệ 10%), viên chức sự nghiệp giáo dục 3.259 người (chiếm tỷ lệ 20,7%), viên chức sự nghiệp y tế 355 người (chiếm tỷ lệ 14%), viên chức sự nghiệp văn hóa 59 người (chiếm tỷ lệ 17%) và sự nghiệp khác 26 người (chiếm tỷ lệ 6,3%).
Về trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ đảng viên người dân tộc Khmer trong tỉnh đã được nâng lên: có 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 127 người có trình độ đại học, cao đẳng; 1.791 người tốt nghiệp trung học phổ thông, 53 người tốt nghiệp trung học cơ sở. Công tác phát triển đoàn viên, hội viên trong đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được quan tâm, hiện có 88.895 đoàn viên, hội viên là người dân tộc Khmer.
Sau thời gian thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), công tác đào tạo đội ngũ cán bộ xã người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng hiện đang nổi lên một số khó khăn, vướng mắc trước hết về chế độ, chính sách. Cụ thể là:
- Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã còn bấp hợp lý, nhất là chế độ tiền lương giữa cán bộ chuyên trách do bầu cử với công chức chuyên môn.
- Với cùng một trình độ đào tạo, nhưng cán bộ chủ chốt chỉ có hai bậc lương, còn công chức chuyên môn được nâng lương thường xuyên theo niên hạn, nên sau một số năm, công chức chuyên môn sẽ có mức lương cao hơn mức lương của cán bộ chủ chốt; hoặc là cán bộ chuyên trách, nhưng khi được bầu vào cấp ủy thì không được hưởng chế độ chuyên trách, làm cho số cán bộ công chức chuyên môn này giảm sút ý chí phấn đấu, không muốn phấn đấu để được bầu giữ các chức vụ chủ chốt.
- Một số cán bộ kiêm chức danh chủ tịch hội đồng nhân dân nhưng chưa được hưởng phụ cấp theo quy định,...
Những kinh nghiệm và công việc tiếp theo
Từ những kết quả nêu trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm bước đầu trong việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ công chức xã người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng như sau:
Thứ nhất, quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc Khmer thực sự là nhân tố quyết định trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực thi công vụ ở vùng đồng bào dân tộc hiện nay. Nhờ vậy, hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong sạch, vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm từ 43% (năm 2001) xuống còn 25% (năm 2009); 100% số xã đặc biệt khó khăn có trường học cơ sở và trạm y tế; các xã có đông đồng bào Khmer có đường ô-tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ Khmer ở nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 65,5%, hộ Khmer có điện sử dụng là 72%; an ninh chính trị giữ được ổn định.
Thứ hai, các cấp ủy và chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở là người dân tộc Khmer. Có chính sách chọn cán bộ dự nguồn là cán bộ dân tộc Khmer để đào tạo, bồi dưỡng; đối với các trường hợp cán bộ là người dân tộc Khmer đang tham gia công tác tại địa phương, có chương trình và các lớp bồi dưỡng riêng phù hợp với trình độ...
Thứ ba, kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như tập trung, tại chức, đào tạo dài hạn, bồi dưỡng ngắn hạn.. hướng về cơ sở. Đây là tiền đề để cán bộ xã là người dân tộc lựa chọn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển học sinh người dân tộc Khmer và quản lý chặt chẽ, bố trí sử dụng đúng địa chỉ được xét tuyển đối với số học sinh, sinh viên được cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức cấp xã, người dân tộc Khmer, Sóc Trăng còn nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Một là, đối với cán bộ đang giữ các chức danh chủ chốt (cán bộ chuyên trách), tùy vào trình độ được đào tạo, được xếp hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ như đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang đảm nhiệm, được nâng lương như đối với cán bộ, công chức ngạch tương ứng ở cấp huyện trở lên.
Để bảo đảm công bằng, tiếp tục xếp các chức danh trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra và cán bộ Văn phòng đảng ủy xã vào nhóm cán bộ chuyên trách, vì phần lớn các đồng chí này thuộc cấp ủy; trong đó, có nhiều đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ đảng ủy xã.
Các chức danh cán bộ chuyên trách khác không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để chuyển thành công chức nhà nước thì giữ nguyên. Khi được bầu cử giữ chức vụ nào thì hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo chức vụ đó và thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc, khi thôi đảm nhiệm chức vụ bầu cử thì thôi hưởng phụ cấp và đóng bảo hiểm tự nguyện.
Đối với cán bộ không chuyên trách (cả cấp xã và ấp) cần thực hiện theo hướng tự quản, khoán kinh phí hoạt động và đóng bảo hiểm tự nguyện. Về điều này, Chính phủ tiếp tục có hướng dẫn khung về mức phụ cấp để thực hiện thống nhất.
Đối với cán bộ đang giữ các chức danh chủ chốt (cán bộ chuyên trách), tùy vào trình độ được đào tạo, được xếp hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ như đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang đảm nhiệm, được nâng lương như đối với cán bộ, công chức ngạch tương ứng ở cấp huyện trở lên.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã là người dân tộc Khmer theo chức danh đảm nhiệm, trong đó chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật những chủ trương, chính sách mới và kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết những tình huống cụ thể thường xảy ra ở vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện chủ trương: hằng năm, cán bộ chuyên trách, cấp ủy viên cơ sở xã vùng đồng bào dân tộc Khmer cần được bồi dưỡng tập trung để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm mới ít nhất 10 ngày tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc Trường Chính trị tỉnh.
Ba là, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer từng lúc, từng nơi còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp trong khi đồng bào Khmer có trình độ học vấn thấp, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng kích động, tranh chấp, khiếu kiện, gây rối, chia rẽ. Do vậy, cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ cơ sở cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng loại cán bộ. Kết hợp giữa đào tạo chính quy với bồi dưỡng tại chức; giữa nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ với xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong cho cán xã là người dân tộc, vùng dân tộc.
Bốn là, đề nghị Trung ương cần kịp thời nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về công tác ở xã, nhất là đối với địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đề nghị xem xét, ưu tiên cho tỉnh về số lượng biên chế dự phòng và chỉ tiêu cử tuyển hằng năm; đồng thời, điều chỉnh tiêu chuẩn và mở rộng địa bàn cử tuyển ngoài xã 135/TTg; ưu tiên phân bổ kinh phí, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và tăng cường cán bộ cho các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer./.
Ngày Dân số Thế giới 11-7-2010: Mọi người đều được quan tâm  (02/07/2010)
Những chuyển biến mới trong quan hệ Nga - Mỹ  (02/07/2010)
Xóa nghèo ở Trường Xuân  (02/07/2010)
Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh  (01/07/2010)
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh  (01/07/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên