Mâu thuẫn giữa Mỹ và I-xra-en về tiến trình hòa bình Trung Ðông
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu tại Nhà trắng ngày 18-5 vừa qua được coi là "đột phá khẩu" của Oa-sinh-tơn trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc gặp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Pa-lét-xtin(28-5).
Tuy nhiên, cuộc gặp này đã không đạt kết quả, giữa Mỹ và I-xra-en vẫn mâu thuẫn chung quanh tiến trình hòa bình Trung Ðông.
Vấn đề "giải pháp hai nhà nước"
Cuộc thảo luận kéo dài hơn hai giờ ngày 18-5 vừa qua tại Nhà trắng giữa Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu đã không đem lại kết quả đáng kể nào. Hai ông chỉ bày tỏ quan điểm, đưa ra vấn đề của mình và phớt lờ đòi hỏi của người đối thoại. Ðối với vấn đề "giải pháp hai nhà nước" (Nhà nước Pa-lét-xtin và Nhà nước I-xra-en cùng tồn tại) mà cựu Tổng thống Mỹ G. Bush, cựu Thủ tướng I-xra-en E.Olmert và Tổng thống Pa-lét-xtin Mahmoud Abbas đã khẳng định tại Hội nghị hòa bình ở An-na-pô-lít năm 2007 do Mỹ bảo trợ đã không tiến triển. Từ khi lên cầm quyền, Chính quyền Ô-ba-ma đã gây sức ép đối với I-xra-en, ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Pa-lét-xtin ở khu Bờ Tây và dải Gaza cùng tồn tại với Nhà nước I-xra-en và coi đây là cốt lõi của những nỗ lực của Mỹ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-lét-xtin. Tại cuộc gặp ở Nhà trắng lần này, Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định rằng, Mỹ tiếp tục ủng hộ "giải pháp hai nhà nước" để giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Ðông nhưng ông đã không nhận được một lời cam kết nào từ Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu. Ông Nê-ta-ni-a-hu đứng đầu liên minh cánh hữu trong đó có nhiều đảng phản đối "giải pháp hai nhà nước" chưa bao giờ công khai ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Pa-lét-xtin. Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cam kết tiếp tục các cuộc đàm phán với người Pa-lét-xtin về vấn đề kinh tế và an ninh nhưng chưa đưa ra lời cam kết nào nối lại các cuộc thương lượng với người Pa-lét-xtin, đã được bắt đầu dưới thời cựu Thủ tướng E.Olmert, về các vấn đề lãnh thổ. Trong khi người Pa-lét-xtin yêu cầu Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu đáp ứng đòi hỏi của họ, phải ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Pa-lét-xtin trước khi các cuộc thương lượng có thể được nối lại thì ông Nê-ta-ni-a-hu lại đòi bất cứ một thực thể Pa-lét-xtin nào cần phải hạn chế về quyền lực chủ quyền và không có quân đội. Tại cuộc gặp Tổng thống Ô-ba-ma, ông Nê-ta-ni-a-hu nhắc lại việc ông ủng hộ quyền tự quyết của người Pa-lét-xtin nhưng không đề cập việc thành lập một Nhà nước Pa-lét-xtin bên cạnh Nhà nước Do Thái, vì điều đó liên quan tới "lợi ích sống còn" của I-xra-en. Trong cuộc họp báo kéo dài 30 phút với Tổng thống Ô-ba-ma sau cuộc gặp, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu không hề nói đến cụm từ "giải pháp hai nhà nước" hoặc khả năng ra đời Nhà nước Pa-lét-xtin. Lập trường này tiếp tục làm rạn nứt mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Ten A-víp. Mặc dù vậy, để làm vừa lòng chủ nhà, ông Nê-ta-ni-a-hu cam kết sẵn sàng nối lại các cuộc thương lượng với Pa-lét-xtin nhưng không bảo đảm nó sẽ đi đến đâu. Ngày 24-5, trong phiên họp chính phủ hằng tuần sau chuyến công du Mỹ, ông Nê-ta-ni-a-hu đã đề cập khái niệm "Nhà nước Pa-lét-xtin" nhưng ông không ủng hộ đối với giải pháp này và cho rằng, "cần thận trọng về điều khoản Nhà nước Pa-lét-xtin trong bản thỏa thuận quy chế cuối cùng". Một quan chức I-xra-en dẫn lời Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cho biết, "nếu I-xra-en đàm phán về một Nhà nước Pa-lét-xtin, trước tiên cần phải kiểm chứng mức độ chủ quyền và đặc quyền của nhà nước này. Bởi, Ten A-víp cần phải bảo đảm rằng, Nhà nước Do Thái không bị đe dọa". Trước đó, ngày 21-5, phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm 42 năm ngày I-xra-en sáp nhập nửa phía Ðông Jerusalem, nơi phần lớn dân cư là người A-rập, vào lãnh thổ I-xra-en sau cuộc chiến tranh Trung Ðông kéo dài sáu ngày năm 1967, ông Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố rằng: "Một Jerusalem thống nhất là thủ đô của đất nước I-xra-en. Jerusalem đã và sẽ luôn luôn là của người Do Thái và nó sẽ không bao giờ bị chia cắt một lần nữa". Ngay lập tức, trợ lý của Tổng thống Pa-lét-xtin Mahmoud Abbas, ông N.A.Ru-đê-na, đã chỉ trích tuyên bố này và nhấn mạnh rằng, Ðông Jerusalem là phần lãnh thổ của Pa-lét-xtin bị chiếm đóng trái phép, cũng giống như các vùng lãnh thổ khác của Pa-lét-xtin bị I-xra-en chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967. Ông cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu đi ngược lại nguyên tắc "giải pháp hai nhà nước" và hủy hoại mọi nỗ lực nhằm mang lại một nền hòa bình công bằng và toàn diện cho khu vực Trung Ðông. Cùng ngày, nhà thương thuyết hàng đầu của Pa-lét-xtin X.Ê-rê-cát nêu rõ lập trường của ông Nê-ta-ni-a-hu về Jerusalem là một bước thụt lùi đối với mục tiêu "giải pháp hai nhà nước" mà cộng đồng quốc tế, trong đó có chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma ủng hộ mạnh mẽ.
Vấn đề các khu định cư Do Thái
Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) coi tất cả các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây là bất hợp pháp theo luật quốc tế và đây là những trở ngại đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông. Hiện nay có một nửa triệu người Do Thái sinh sống tại hơn 100 khu định cư được I-xra-en xây dựng từ cuộc chiến tranh Trung Ðông năm 1967, chiếm đóng khu Bờ Tây và Ðông Jerusalem, nơi có gần ba triệu người Pa-lét-xtin sinh sống. Vấn đề này đã được đề cập tại chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu I-xra-en ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây như là một bước tiến tới việc làm "sống lại" tiến trình hòa bình với người Pa-lét-xtin. Tại cuộc gặp ở Nhà trắng, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã yêu cầu Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái và nói rõ rằng đây là lập trường và chính sách của Mỹ. Yêu cầu này cũng được Thượng nghị sĩ J.Kerri, Chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại thượng viện, đề cập trực tiếp với Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu khi ông tới thăm QH Mỹ ngày 19-5. Tuy nhiên, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu đã phản đối lời kêu gọi này, điều mà I-xra-en đã cam kết trong lộ trình hòa bình năm 2003 được Mỹ ủng hộ. Vào lúc ông Nê-ta-ni-a-hu đang thăm Mỹ, các công ty xây dựng I-xra-en đã công bố thực hiện kế hoạch xây dựng một khu định cư Do Thái mới gồm khoảng 20 khu nhà tại căn cứ quân sự cũ Ma-xki-ốt của I-xra-en ở phía bắc khu Bờ Tây. Ðây là lần đầu kể từ năm 1992 nhà chức trách I-xra-en chính thức cho phép xây dựng một khu định cư mới ở Bờ Tây. Trước đó, việc xây dựng chủ yếu chỉ mở rộng các khu định cư sẵn có. Trong cuộc họp Chính phủ ngày 24-5 vừa qua, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu lại bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Ô-ba-ma về ngừng hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và không chấp nhận hạn chế việc xây dựng các khu định cư Do Thái chung quanh Jerusalem. Cho đến nay, ông Nê-ta-ni-a-hu đã phản đối việc tiến hành các cuộc thương lượng với người Pa-lét-xtin về các vấn đề lãnh thổ, kể cả các khu định cư. Trong khi đó ông N.A.Ru-đê-na cho rằng với viêc thực hiện dự án xây dựng 20 khu nhà ở Ma-xki-ốt, I-xra-en đã gửi một "thông điệp thách thức" tới chính quyền Ô-ba-ma và những nỗ lực của Oa-sinh-tơn làm sống lại các cuộc đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-lét-xtin. Ông Ru-đê-na nhấn mạnh, lập trường của Pa-lét-xtin là rõ ràng: sẽ không nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với I-xra-en khi việc xây dựng các khu định cư tiếp tục. Ngày 25-5 vừa qua, Tổng thống Mahmoud Abbas cho biết trong cuộc gặp Tổng thống Ô-ba-ma vào ngày 28-5, ông tập trung vào việc I-xra-en từ chối ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái. Tổng thống Abbas nêu rõ các cuộc đàm phán hòa bình sẽ chỉ được nối lại khi I-xra-en cam kết thành lập một Nhà nước Pa-lét-xtin và ngừng mở rộng các khu định cư.
Vấn đề chương trình hạt nhân của Iran
Mỹ và nhiều nước khác trong đó có I-xra-en, đã cáo buộc Iran phát triển vũ khí hạt nhân có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh ở vùng Vịnh và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực Trung Ðông. Iran đã bác bỏ cáo buộc này và nêu rõ chương trình hạt nhân của nước này là nhằm sản xuất điện. Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Ô-ba-ma đã từng bước thay đổi chính sách đối với Iran của người tiền nhiệm bằng việc để Tê-hê-ran can dự một loạt vấn đề từ cắt giảm chương trình hạt nhân đến ổn định tình hình Afghanistan. Tuy nhiên, Chính quyền Ô-ba-ma nêu rõ rằng, nếu Iran không ngừng chương trình hạt nhân, Oa-sinh-tơn sẽ tăng thêm các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Tê-hê-ran. Trong khi đó I-xra-en, được coi là nước duy nhất ở Trung Ðông có năng lượng hạt nhân, muốn có một giải pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, nhiều quan chức I-xra-en lo ngại rằng, Tê-hê-ran lợi dụng cuộc đối thoại với Oa-sinh-tơn về vấn đề này để kéo dài thời gian nhằm tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân của mình. Các nhà lãnh đạo I-xra-en cho rằng, một nước Iran được trang bị hạt nhân sẽ đe doạ sự tồn tại của I-xra-en và do đó không có sự lựa chọn nào khác là khả năng dùng vũ lực để ngăn chặn Tê-hê-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Vấn đề chương trình hạt nhân của Iran nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp tại Nhà trắng giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu. Ðiều duy nhất mà hai ông nhất trí là hiểm họa khi Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Ô-ba-ma nhấn mạnh, một Iran có vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí ở Trung Ðông. Tuyên bố này được ông Nê-ta-ni-a-hu ủng hộ. Nhưng ngay cả trong sự nhất trí hiếm hoi này cũng hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Ông Ô-ba-ma nêu rõ, chính sách của Mỹ đối với Iran sẽ không thay đổi cho đến sau ngày Iran tổ chức bầu cử (trong tháng 6 tới) và từ nay đến cuối năm, Tê-hê-ran phải chứng tỏ thiện chí qua các cuộc đàm phán kết thúc chương trình hạt nhân. Trong khi đó, ông Nê-ta-ni-a-hu coi Iran là mối đe dọa hàng đầu đối với I-xra-en và không thể ngồi chờ Tê-hê-ran tỏ thiện chí.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu kể từ khi hai ông nhậm chức được coi là "đột phá khẩu" cho những nỗ lực sắp tới của Mỹ nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông đã không đạt được kết quả mà Oa-sinh-tơn mong đợi. Sự "rạn nứt" mới nảy sinh giữa Mỹ và I-xra-en, đồng minh chiến lược chủ chốt của Oa-sinh-tơn ở Trung Ðông, cho thấy việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối với khu vực này là không dễ dàng.
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực  (03/06/2009)
Để gói kích cầu thực sự phát huy hiệu quả  (03/06/2009)
Để gói kích cầu thực sự phát huy hiệu quả  (03/06/2009)
Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2009  (03/06/2009)
Một số giải pháp góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở  (03/06/2009)
Kim ngạch xuất khẩu gạo năm tháng đạt hơn 1,5 tỉ USD  (03/06/2009)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên