Tiếp tục chuyến công tác tại Tây Bắc, sáng 10-01, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Lai Châu đã chủ động, sáng tạo trong cách làm nhằm phát triển kinh tế nông thôn miền núi, trong đó có việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, 100% số xã trong tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới. Tổng số vốn xây dựng nông thôn mới trong 3 năm qua đạt hơn 3.000 tỷ đồng, chủ yếu là vốn ngân sách (40%), vốn huy động từ nhân dân còn ít, chỉ khoảng 67 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Nguyễn Khắc Chử cho biết, vốn huy động từ nhân dân đang bắt đầu phát huy hiệu quả ở một số địa bàn trong tỉnh; nhiều hộ nông dân sẵn sàng hiến đất để làm đường; nhân dân đã góp 70.000 ngày công lao động để xây dựng 400 km đường giao thông và kiên cố hóa 386 km kênh mương… Đến nay, đã có 94/96 xã có đường ô tô tới trung tâm xã, hệ thống thủy lợi được nâng cấp phục vụ tưới tiêu cho 80% diện tích gieo cấy. Tỉnh cũng đã có 30/96 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, một tiêu chí quan trọng trong nâng cao đời sống nhân dân, đây chính là động lực của chương trình nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, Lê Trọng Quảng, ngay từ khi tách tỉnh (năm 2004), Lai Châu đã tập trung hỗ trợ sản xuất cho bà con bằng cách chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Trước đây, cây ngô chỉ trồng 1 vụ/năm thì nay đã trồng được 2 vụ/năm và hướng tới là 3 vụ/năm. Tỉnh đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Cao su hướng dẫn kỹ thuật trồng loại cây này cho bà con, đồng thời mở rộng diện tích cao su lên 11.000 ha. Hiện có 3 công ty cao su đang hoạt động với 2.400 công nhân (90% là đồng bào dân tộc) với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng/người.

Tỉnh Lai Châu cũng tổ chức củng cố vùng chè truyền thống với 100 ha chè chất lượng cao, giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập tốt từ cây chè. Đặc biệt, tỉnh đã khoanh vùng sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến chè và chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp xác định được vùng sản xuất và ký kết hợp tác, hỗ trợ sản xuất với nông dân. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã xác định con trâu, con lợn là lợi thế, từ đó tập trung chuyển đổi phương thức chăn nuôi; hỗ trợ các cơ sở, hộ chăn nuôi hình thành một số cơ sở cung cấp giống lợn và hỗ trợ che chắn chuồng trại...

Nhờ nỗ lực của chính quyền, đời sống đồng bào dân tộc Lai Châu từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 triệu so với 3 năm trước. Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hiệu quả, đã giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm mạnh còn 27,22% (trong 3 năm gần đây, bình quân giảm 6%/năm). Điều đó tác động rõ rệt đến chương trình xây dựng nông thôn mới của Lai Châu. Đến nay, trong tổng số 96 xã, có 1 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 14 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí và 21 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý, Lai Châu cần kiên trì thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời tăng cường vận động đồng bào hiểu để tham gia tích cực hơn. Trong quá trình này, tỉnh phải lựa chọn các tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống người dân để triển khai, nhất là tiêu chí về sản xuất, xây dựng chuỗi sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Các bộ, ngành tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cho ý kiến về một số đề nghị của tỉnh về việc bố trí vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển cây cao su... Nhân dịp Tết Nguyễn đán sắp tới, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm, chăm lo chu đáo để đồng bào đón Tết, vui Xuân đầm ấm./.