Ngày 20-12, Diễn đàn cấp cao đầu tiên về quản lý biến đổi xã hội tại các nước Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Hà Nội, với sự tham gia của các đoàn đại biểu trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

Diễn đàn được tổ chức bởi Chính phủ Việt Nam, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chương trình Quản lý biến đổi xã hội UNESCO thuộc Ban Khoa học xã hội và nhân văn của UNESCO.

Với chủ đề “Tính dễ tổn thương xã hội: Các thách thức hòa nhập xã hội trong bối cảnh biến đổi môi trường”, diễn đàn tập trung vào các vấn đề có thể giúp giải quyết hai ưu tiên của Chương trình Quản lý biến đổi xã hội UNESCO gồm các biến đổi xã hội nổi lên từ sự biến đổi môi trường toàn cầu và hòa nhập xã hội.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, diễn đàn đề cập đến chủ đề mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức thiết hiện nay về việc đảm bảo những quyền cơ bản của con người.

Đó là quyền được sống trong an toàn, quyền được bảo vệ trước những hiểm họa do tác động của biến đổi khí hậu. Bởi tới thời đại ngày nay, nhịp độ của các biến đổi trở nên nhanh, mạnh và phức tạp đến khó lường ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trong đó, biến đổi xã hội cũng diễn ra theo chiều hướng ngày càng đa dạng cần được quản lý trên cơ sở các kiến thức khoa học. Biến đổi xã hội do biến đổi khí hậu gây ra lại rất bất thường, khó dự báo, dẫn đến những hậu quả xã hội khôn lường.

Các quốc gia ASEAN nằm trong khu vực rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, bởi tỷ lệ lớn dân số và các hoạt động kinh tế tập trung ven biển, sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, phụ thuộc chặt chẽ vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mức độ đói nghèo cao. Từ đó, ở mỗi quốc gia lại có thêm những khu vực và những nhóm xã hội mới có thể bị rơi vào tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Các đại biểu kêu gọi tăng cường vai trò của khoa học xã hội trong việc giải quyết các thách thức hòa nhập xã hội trong bối cảnh biến đổi môi trường. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần thành lập một môi trường thể chế trao quyền, cho phép con người, bao gồm các thanh niên trẻ tuổi, có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực cần thiết cho hạnh phúc, sự bền vững của các nguồn sinh kế.

Theo bà Angela Melo, Thư ký điều hành Chương trình Quản lý biến đổi xã hội UNESCO, các thách thức về phát triển bền vững mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay đòi hỏi khả năng cao trong các lĩnh vực khoa học xã hội.

Khi thông tin về hậu quả của các vấn đề như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, các rủi ro thiên tai hay thoái hóa đất đai đối với xã hội không được cung cấp đầy đủ, các vấn đề này sẽ không thể được giải quyết một cách thấu đáo.

Các đại biểu khuyến nghị rằng, hướng tới giải quyết tác động của biến đổi môi trường với sự hòa nhập xã hội của các cộng đồng, cần kịp thời đưa ra các chính sách và hành động, tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong tiểu khu vực, nhằm xây dựng một khung chính sách xã hội nhất quán và có sự phối hợp chặt chẽ cho khu vực này.

Chính phủ các nước ASEAN tăng cường chú ý và làm tốt hơn nữa việc tích hợp khía cạnh xã hội và đạo đức vào các chính sách môi trường cũng như các quy trình hoạch định chính sách và lập kế hoạch có liên quan.

Một khuyến nghị nữa là việc bổ nhiệm hoặc chỉ định các nhà khoa học xã hội từ mọi phân ngành, nhằm thiết lập các ban cố vấn khoa học, hội đồng chuyên gia, các nhóm hoạt động với mục đích tham gia ý kiến và tư vấn trên các khía cạnh xã hội của biến đổi môi trường và chính sách phản ứng trước biến đổi đó./.