Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TCCS - Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là "Thế kỷ của đại dương". Hiện nay, khi tài nguyên trong lòng đất ngày càng cạn kiệt, nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả những nước không có biển, đã và đang tìm mọi cách để tiến ra biển, khai thác nguồn lợi biển phục vụ lợi ích của quốc gia, bởi biển đang còn chứa trong nó một nguồn lợi vô cùng phong phú, từ mặt nước, đến lòng biển và đáy biển.
Tiềm năng, lợi thế của biển, đảo nước ta
Việt Nam là một quốc gia nằm bên bờ Biển Đông - vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và trên thế giới, là tuyến hàng hải quan trọng thông thương giữa ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, con đường huyết mạch chiến lược để giao thông thương mại và vận chuyển quân sự quốc tế. Trong lịch sử hằng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển luôn gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Thắng giặc trên sông biển bảo vệ đất nước; khai thác nguồn lợi biển phục vụ đời sống đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bờ biển nước ta dài khoảng trên 3.260 km, diện tích biển rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm 30% diện tích Biển Đông, có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, có trên 125 bãi biển đẹp, trong đó nhiều bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Với khí hậu của vùng biển nhiệt đới, có tính chất riêng về nhiều mặt như khí tượng, thủy văn, chế độ thủy triều... tạo nên một vùng sinh thái đặc biệt phong phú, đa dạng.
Vùng biển và thềm lục địa nước ta được xác định là có nhiều bể trầm tích với triển vọng dầu khí rất lớn, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được coi là có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác thuận lợi, tiềm năng trữ lượng được đánh giá khoảng 3 tỉ - 4 tỉ m3 dầu quy đổi. Đồng thời nguồn khí đồng hành cũng được sử dụng để sản xuất điện, phân đạm, khí hóa lỏng... Trữ lượng khai thác tại các vùng biển Việt Nam theo số liệu thống kê chưa đầy đủ có khoảng 4 tỉ - 5 tỉ tấn dầu quy đổi và dự báo đến năm 2010 sản lượng khai thác sẽ đạt từ 40 triệu đến 50 triệu tấn dầu thô/năm. Ngoài dầu khí, các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, ti-tan, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác.
Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính, biển nước ta còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển... Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó có trên 100 loài có giá trị kinh tế. Dọc ven biển có trên 37 vạn héc-ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại hải sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu..., có tới 30 vạn héc-ta diện tích nuôi tôm nước lợ, hơn 50 vạn héc-ta các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, vịnh Văn Phong... rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. ở các vùng đảo và quần đảo, tiềm năng nuôi hải sản cũng rất lớn. Ước tính trữ lượng hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta khoảng 3 triệu - 3,5 triệu tấn, số lượng tàu cá của các địa phương khoảng trên 96.000 chiếc có khả năng đánh bắt gần bờ và xa bờ.
Về an ninh - quốc phòng, biển nước ta là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng, với một vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, địa hình bờ biển quanh co, khúc khuỷu, có nhiều dãy núi chạy lan ra biển. Chiều ngang đất liền hẹp, có nơi chỉ rộng khoảng 50 km, nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược. Thế trận quốc phòng toàn dân trên biển là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Với khoảng 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa tạo nên các tuyến phòng thủ vòng trong và vòng ngoài vững chắc để bảo vệ Tổ quốc. Sự liên kết giữa các đảo, các cụm đảo, tuyến đảo với nhau dọc ven biển từ Bắc vào Nam tạo thành một hệ thống các cứ điểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Các đảo quan trọng như đảo Trần, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Thổ Chu, Phú Quốc, ... đã trở thành những căn cứ tiền đồn vững chắc trên biển. Bởi vậy, vươn ra biển, khai thác và bảo vệ biển xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã xác định mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”.
Hải quân nhân dân Việt Nam - lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là ý chí, nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, của cả hệ thống chính trị, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Xác định rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang này, hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, nhất là trong những năm gần đây, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Điều đó được thể hiện rõ nét trên những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, thường xuyên duy trì lực lượng thường trực tại các khu vực biển trọng điểm, nêu cao ý thức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử lý các tình huống, nhất là đối với tàu thuyền vi phạm chủ quyền; tổ chức nhiều đợt tuần tiễu, trinh sát và diễn tập, chủ động nắm chắc tình hình, tổ chức lực lượng, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, khôn khéo, đúng đối sách, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Quân chủng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hoạt động trên biển như Bộ đội Biên phòng, cảnh sát biển, lực lượng vũ trang các quân khu ven biển... đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển, ngăn chặn kịp thời và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển và trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho các lực lượng hoạt động kinh tế trên biển.
Thứ hai, chủ động khắc phục khó khăn về phương tiện, trực tiếp tổ chức các điểm, các lực lượng thường trực và các đài canh 24/24 giờ phủ sóng toàn bộ vùng biển Việt Nam, thường xuyên thông báo kịp thời về tình hình thời tiết, về các khu vực tránh bão và cảnh báo về giông, bão bất thường; trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ công tác phòng tránh bão lũ; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển, đảo xa mà các lực lượng khác không vươn tới được.
Thứ ba, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại quân sự hải quân trên nhiều hướng, ưu tiên phát triển quan hệ với hải quân các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với hải quân các nước trên thế giới; ký kết thỏa thuận và triển khai tuần tra chung trên biển với Hải quân Trung Quốc, Thái Lan và Cam-pu-chia; thiết lập đường dây thông tin nóng với hải quân 3 nước trên và với Hải quân Phi-lip-pin, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Thứ tư, tham gia toàn diện có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo, như nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ cảng, vận tải biển; dịch vụ bảo vệ thăm dò, khai thác dầu khí; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện thủy; dịch vụ du lịch biển, tham gia biên vẽ hải đồ...; phát huy mọi nguồn lực, thế mạnh sẵn có, từng bước đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quốc phòng trong Quân chủng đúng pháp luật, thực sự có hiệu quả.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành, các cấp bàn biện pháp và thống nhất triển khai kế hoạch bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các công trình kinh tế trọng điểm, các hoạt động kinh tế biển, đảo như hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí, đánh bắt thủy, hải sản, vận tải biển... và tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn trên các đảo và hoạt động dài ngày trên các vùng biển, góp phần phát triển kinh tế biển, ven biển và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất kinh doanh, nhất là trên các vùng biển xa.
Thứ sáu, chủ động nghiên cứu đề xuất quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng biển âu tầu các đảo, các nhà máy, xí nghiệp hải quân; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ, chuyên gia đầu ngành, đội ngũ thợ tay nghề cao và quân nhân chuyên nghiệp giỏi làm chủ vũ khí trang bị và công nghệ tiên tiến hiện đại, đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ bảy, chủ động triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo trong Quân chủng và các tầng lớp nhân dân. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền biển đảo với 37 tỉnh, thành phố và Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh..., trong đó có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển; đồng thời đề cao trách nhiệm, tích cực phối hợp với các ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, sát đối tượng; góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên các tầng lớp nhân dân, tạo cơ sở quan trọng cho việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020".
Thứ tám, trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và duy trì hoạt động các lực lượng tự vệ biển; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành ven biển xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển, giáo dục quốc phòng trên hướng biển, xây dựng cơ sở trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Xây dựng Quân chủng Hải quân ngày càng vững mạnh
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển, Quân chủng tập trung thực hiện những giải
pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 Khóa IX về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020". Phát huy truyền thống hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, nhất là truyền thống đánh thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964, tập trung lãnh đạo xây dựng Quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng, để trong bất kỳ tình huống nào, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam luôn thống nhất ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề cơ bản về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; nhất là về xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển, cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... tương xứng với tầm quan trọng của biển; về xây dựng lực lượng chuyên trách đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó tập trung xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam có cơ cấu tổ chức hợp lý, có đủ thành phần lực lượng, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân trên biển.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của Trung ương, các tỉnh, thành tiếp tục triển khai toàn diện, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả chương trình tuyên truyền biển, đảo gắn với tạo nguồn lực trực tiếp đẩy mạnh phong trào "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước" nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc hướng về biển, đảo quê hương.
Bốn là, tiếp tục củng cố, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế song phương, đa phương trên biển trong khuôn khổ của luật pháp và phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 mà nước ta đã ký kết; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự của Quân chủng theo hướng đa dạng, tích cực và chủ động, từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả; duy trì nghiêm túc hoạt động tuần tra chung với hải quân các nước trong khu vực, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Hải quân nhân dân Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển.
Năm là, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên" gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", theo đúng phương châm sâu, rộng, hiệu quả, thiết thực, sát chức trách nhiệm vụ, sát thực tiễn, tạo được phong trào "Làm theo" tự giác ở từng cơ quan, đơn vị với yêu cầu cấp trên phải gương mẫu trước cấp dưới, đảng viên gương mẫu trước quần chúng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, đảng viên. Xây dựng mỗi chi bộ đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên trong Quân chủng thực sự tiền phong gương mẫu, là những tấm gương tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Quảng Nam phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn  (26/05/2009)
Quảng Nam phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn  (26/05/2009)
Thu hút FDI của cả nước đạt 6,68 tỉ USD  (26/05/2009)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 29 (5-2009)  (26/05/2009)
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9  (25/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên