Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-10 đến ngày 03-11-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
17:13, ngày 04-11-2013
TCCSĐT - Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu đồng tình cho rằng việc thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế, bước đầu đã mang lại kết quả, tuy nhiên, vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng việc chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm đã tác động và làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần phân tích rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục; có cơ chế đánh giá trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành và đề nghị trong Báo cáo của Chính phủ cần ghi rõ những "địa chỉ" nào yếu kém, hạn chế để đại biểu giám sát, đánh giá.

Quyết tâm không để “chùng” cải cách hành chính

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn khẳng định như vậy khi phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến Tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2013 vào sáng 30-10. Thực hiện quyết tâm ấy cũng là thực hiện lời hứa với lãnh đạo Chính phủ của ngành Tư pháp nói chung và các cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng.

Kiểm soát thủ tục hành chính là việc khó, đòi hỏi cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính phải có quyết tâm, tâm huyết, ngoài giỏi nghiệp vụ phải có kinh nghiệm thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực. Khó khăn còn ở chỗ hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính “không dễ tạo được sự đồng thuận ngay của các ngành có liên quan”.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan nêu rõ, qua kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính, phần lớn trong số đó được ban hành hợp pháp về trình tự, thủ tục và thể thức. Tuy nhiên, nhiều văn bản hợp pháp ấy lại chứa đựng nội dung không hợp lý, trở thành yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc sửa đổi, thay thế rất khó khăn vì cơ quan nào cũng muốn “bảo vệ” văn bản, thủ tục mà mình xây dựng.

Ngoài ra, có tình trạng một số cơ quan chậm cập nhật những thay đổi trong thủ tục hành chính, dẫn tới việc người dân vẫn phải thực hiện những thủ tục hành chính đã được cải tiến, sửa đổi.

Cải cách hành chính công - gỡ nút thắt với phát triển

Báo cáo đánh giá của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 xác định nguồn nhân lực là một trong những “nút thắt cổ chai” dẫn đến làm chậm tiến trình cải cách hành chính, cản trở sự phát triển. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã trao đổi với phóng viên về các nội dung cải cách hành chính, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức.

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn 2011-2020, cải cách hành chính sẽ tập trung vào những khâu đột phá như về công vụ, công chức, đặc biệt là việc xây dựng vị trí việc làm, xác định cơ cấu công chức theo vị trí việc làm; đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả.

Ủng hộ việc thí điểm hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho rằng để đánh giá, điều đầu tiên là chọn tiêu chí đánh giá cho đúng, thứ hai là lượng hóa các tiêu chí đó và thứ ba là đối tượng tham gia đánh giá. Ví dụ, Quyết định 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC là quy định đánh giá trong nội bộ, thủ trưởng, nhân viên, tập thể đánh giá, nhưng sắp tới có thể mở rộng đối tượng tham gia đánh giá và điều quan trọng nữa là phương pháp đánh giá. Đây đang là điều kỳ vọng, nếu làm tốt việc này sẽ phải có sơ kết, tổng kết và nhân rộng, chia sẻ kết quả này với các địa phương, mở rộng dần thí điểm, tiến tới giúp các cơ quan quản lý ở Trung ương có thể thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chỉ đạo Đà Nẵng sớm tổng kết việc đánh giá cán bộ, công chức, nếu có kết quả tốt sẽ mở rộng.

Đà Nẵng: 10 năm thực hiện cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực

Ngày 01-11, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20-10-2003 về “Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp” và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14-4-2004 về “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực” của Ban Thường vụ Thành ủy.

Đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Hội nghị cho biết, qua 10 năm triển khai Thành phố đã đạt được các mục tiêu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, những nỗ lực chung về phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách hành chính đã góp phần nâng cao tính minh bạch và chất lượng dịch vụ hành chính công. Từ năm 2006 - 2012, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiều mô hình, cách làm mới của Đà Nẵng được Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đánh giá cao.

Tuy nhiên, bộ máy các cơ quan Đảng, đoàn thể và chính quyền còn cồng kềnh, trùng lặp và vận hành chưa thật sự thông suốt; trách nhiệm cá nhân chưa được cụ thể hóa; cơ chế phối hợp trên nhiều lĩnh vực chưa tốt; hệ thống thủ tục hành chính nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, gây nhiều khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất với dự thảo Chỉ thị mới của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về vấn đề này với giải pháp tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần “5 xây”: “Trách nhiệm”, “Chuyên nghiệp”, “Trung thực”, “Kỷ cương”, “Gương mẫu”; đồng thời kiên quyết thực hiện “3 chống”: “Quan liêu”, “Tiêu cực”, “Bệnh hình thức”.

Chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ” ở Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội

Những năm gần đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tiến hành cải cách hành chính ở nhiều lĩnh vực công tác, qua đó, từng bước thay đổi nhận thức cán bộ, nhân viên, rút gọn quy trình thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc theo tư duy phục vụ nhân dân.

Sở đã đi đầu trong sáng kiến thành lập Tổ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính; tiến hành rà soát lập danh mục hồ sơ thủ tục hành chính đến hạn và quá hạn, kiểm tra đôn đốc quá trình thụ lý và giải quyết các thủ tục hành chính của Sở (từ khi tiếp nhận đến lúc trả kết quả).

Trang web http://qhkthn.gov.vn của Sở đăng tải mọi thông tin liên quan như: Quy hoạch chung Hà Nội; văn bản pháp quy, các biểu mẫu, hướng dẫn thủ tục... Qau đó, cá nhân, doanh nghiệp có thể tự chuẩn bị cho hồ sơ của mình. Sở cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức lấy "phiếu đánh giá" sự hài lòng của tổ chức, công dân một cách khách quan minh bạch; lập hòm thư góp ý, lấy phiếu đánh giá về chất lượng công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.

Sở thực hiện phương thức phối hợp làm việc trực tiếp và thường xuyên với toàn bộ 29 quận, huyện, thị xã bằng cách giao ban theo các khu vực, góp phần giải quyết kịp thời những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các quy hoạch. Quy trình làm việc này không gây tốn kém, sát thực tế, xóa bỏ kiểu làm việc quan liêu, đem lại hiệu quả thiết thực và được UBND các địa phương đánh giá cao.

Nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật kỷ cương hành chính, Sở đã thành lập tổ kiểm tra và giám sát nội bộ; triển khai việc kiểm tra giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức bằng máy chấm công điện tử. Mọi nỗ lực của Sở không nằm ngoài mục tiêu tạo chuyển biến nhận thức và công việc hằng ngày của cán bộ, công chức từ "quản lý" sang "phục vụ".

Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đoạt giải nhất Hội thi “Cải cách hành chính - năm 2013”

Hội thi do Công đoàn Viên chức phối hợp với Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhằm bồi dưỡng, trang bị kiến thức và pháp luật cho đội ngũ công chức, viên chức ở các công đoàn cơ sở, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Hội thi năm nay tập trung vào các mảng - lĩnh vực như: Cải cách hành chính để giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; cải cách hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống và lương tâm nghề nghiệp trong sáng hơn… Tại Hội thi, 8 đội thi đến từ các sở, liên minh hợp tác xã, ban quản lý đã tham gia sôi nổi các phần thi: tự giới thiệu, kiến thức, thuyết trình và tiểu phẩm. Kết quả, giải nhất thuộc về đội Kho bạc Nhà nước Thành phố, đội Liên minh Hợp tác xã giải nhì và đội Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ba.

Tuần lễ Lắng nghe ý kiến người nộp thuế

Đây là hoạt động nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 11 đến ngày 17-11-2013.

Theo đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đối thoại để lắng nghe và trả lời ý kiến phản ánh của người nộp thuế trên địa bàn và ghi nhận những phản ánh về khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế để hỗ trợ kịp thời hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.

Ngoài ra, Cục sẽ nghe và đáp ứng ý kiến người nộp thuế qua các mạng thông tin điện tử, trang web của Cục, qua Hệ thống đối thoại doanh nghiệp với Chính quyền Thành phố của UBND Thành phố; sẽ giải đáp ý kiến thắc mắc của người nộp thuế trong thời gian 2 ngày làm việc.

Đặc biệt, trong tuần lễ diễn ra sự kiện, Cục và các chi cục trực thuộc sẽ bố trí tại trụ sở các đơn vị một bàn hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế để trả lời ngay những câu hỏi của người nộp thuế đến liên hệ trực tiếp.

Nhờ những buổi đối thoại, Cục Thuế sẽ nắm bắt được những vướng mắc của người nộp thuế để từ đó có những cải cách hành chính thuế phù hợp và thuận lợi./.