Xây dựng nghiên cứu chiến lược ngành Dầu khí Việt Nam

Đặng Việt Dũng
16:58, ngày 04-11-2013
TCCSĐT - Ngày 02-11-2013, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức “Hội thảo xin ý kiến chuyên gia về một số vấn đề liên quan đến sơ kết 7 năm thực hiện Kết luận số 41-KL/TW ngày 19-01-2006 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”. GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và TS. Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ nhấn mạnh những ý kiến góp ý cần tập trung vào các vấn đề: Đánh giá Kết luận 41-KL/TW của Bộ Chính trị với những thành tựu và hạn chế, rút kinh nghiệm và làm rõ một số câu hỏi quan trọng, như: Đánh giá về trữ lượng tài nguyên dầu mỏ hiện nay như thế nào? Dự báo về sản lượng dầu mỏ của Việt Nam hiện nay trong chiến lược 2015 - 2025 ra sao? Vấn đề tìm kiếm, thăm dò, trách nhiệm điều tra trữ lượng dầu và khí trong nước như thế nào? Các vấn đề cơ chế, chính sách quản lý vấn đề này?...

Theo PSG, TS. Nguyễn Văn Đặng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, chúng ta cần so sánh mục tiêu chiến lược để đánh giá đúng mức mục tiêu thăm dò khai thác dầu khí hiện nay cũng như xu thế khai thác tăng trưởng dầu khí; phân tích cụ thể và cẩn trọng vấn đề giá dầu, sản lượng cũng như vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, ngoại giao và quốc phòng khi ưu tiên khai thác xa bờ.

Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Văn Đặng, Kết luận 41-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần bổ sung các cơ chế cần thiết nhằm tái cơ cấu PVN, đánh giá đúng thực chất phát triển ngành Dầu khí, các chủ trương, giải pháp đối với khu vực khai thác có tranh chấp, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. 

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam đưa ra ý kiến: vấn đề quan trọng là hóa dầu vì giá trị của lọc hóa dầu cực kỳ quan trọng. Lọc hóa dầu phải đi đôi với chuỗi giá trị dầu khí. Ngoài ra, cần phải nghiên cứu lập quy hoạch phát triển ngành năng lượng một cách thật cụ thể để thấy được bức tranh tổng thể năng lượng Việt Nam và an ninh năng lượng quốc gia.

Ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đề nghị các bộ, ngành cần chuẩn bị bản Chiến lược cơ bản cho ngành Dầu khí, đồng thời có sự quy hoạch và rà soát lại ngành công nghiệp dầu và chuỗi giá trị của nó. Theo ông Lê Đình Ân, vấn đề quản lý nhà nước về thị trường dầu khí và quản lý khí của Tập đoàn Dầu khí đang rất lúng túng. Hiện nay, chưa quy hoạch được giá bán khí ở ngoài biển. Khâu quản lý thị trường khí và hình thành thị trường khí đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu ngành dầu khí phải được thực hiện rõ ràng, triệt để. 

Theo PGS, TS. Trần Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thời gian tới, Chính phủ cần ưu tiên cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bổ sung sự thiếu hụt các chuyên gia về lĩnh vực dầu khí.

Trong kết luận Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ cho biết, trước mắt, Bộ Chính trị sẽ ban hành thông báo kết luận về những kết quả đã đạt được và những vấn đề cần rút kinh nghiệm, từ đó có những điều chỉnh cần thiết cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW để có nghị quyết mới về vấn đề này. GS, TS. Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đến hết năm 2015 chúng ta sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 41-KL/TW của Bộ Chính trị. Cũng tại thời điểm này, sẽ xây dựng nghiên cứu chiến lược để Việt Nam trở thành nước phát triển dầu khí và trình nghị quyết Chiến lược mới cho ngành Dầu khí./.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đơn vị chủ chốt của ngành Dầu khí là doanh nghiệp nhà nước đầu tàu trong xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN có hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Giai đoạn 2006 - 2012, doanh thu của PVN ước đạt 1.901 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng doanh thu trên 30%/năm; nộp ngân sách nhà nước đạt 876 nghìn tỷ đồng, tăng 15% - 20%/năm, đóng góp trung bình 25% - 30% tổng thu ngân sách nhà nước.