Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII
Buổi sáng, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để các “tư lệnh” ngành giải trình thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn. Trong buổi làm việc, đã có 19 đại biểu Quốc hội của 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu.
Những vấn đề về an sinh xã hội, việc điều hành các gói tín dụng, nợ xấu và mua bán nợ, hệ lụy của việc quy hoạch thủy điện tràn lan... được nhiều đại biểu quan tâm.
Các đại biểu đã đánh giá cao các chính sách giảm nghèo của Chính phủ, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% vào năm 2012, trong kết quả chung đó có kết quả giảm nghèo ở đồng bào dân tộc miền núi, ở nhóm dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là với nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Tây Nguyên.
Đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên), Y Mửi (Kon Tum) cho rằng tỷ lệ đói nghèo lớn, tái nghèo lớn đã, đang và sẽ làm cho quá trình giảm nghèo nhóm dân cư dân tộc thiểu số ngày càng dai dẳng, khó khăn. Đây là thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nước ta và với các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát tổng thể các chính sách xóa đói giảm nghèo đã ban hành, đánh giá xem các chính sách đó đã đủ để giải tỏa, khắc phục nguyên nhân, thúc đẩy giảm nghèo, đặc biệt đối với nhóm dân tộc thiểu số chưa.
Chung quan điểm này, đại biểu Y Mửi cho rằng để thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tập trung nguồn lực và đầu mối trong quá trình triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương quản lý, thực hiện. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực hiện việc đo đạc các mốc rừng, qua đó rà soát diện tích những nông, lâm trường làm ăn không hiệu quả để giao lại cho người dân quản lý, đó cũng là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Để các dân tộc thiểu số phát triển cùng cả nước, các thế lực thù địch, các phần tử xấu không thể lợi dụng tình hình đói nghèo và sự chênh lệch mức sống, thu nhập để mua chuộc lôi kéo đồng bào tham gia các hoạt động sai trái vi phạm pháp luật như xảy ra ở một số nơi vừa qua, các ý kiến cho rằng việc đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách thu nhập, mức sống giữa các vùng miền, nhóm dân cư là đòi hỏi bức thiết hiện nay.
Trên cơ sở tổng thể các chính sách đó, tính toán chi phí cần thiết hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch hàng năm, trung hạn, từ đó Chính phủ cấp cho các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số một khoản tiền tổng thể để thực hiện chính sách chứ không giao theo từng chính sách một, địa phương sẽ chủ động quyết định lựa chọn nhóm chính sách và thời gian thực hiện theo yêu cầu thực tế. Đại biểu đề nghị cần kiên trì và đẩy mạnh hơn nữa phát triển giáo dục vùng dân tộc miền núi, vì đây là một giải pháp giảm nghèo bền vững.
Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội về số liệu thống kê và cách tính GDP có phần “tô hồng”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định đó là những con số hoàn toàn có căn cứ, cơ bản chính xác và có thể chứng minh được.
Phân tích tình hình tăng trưởng GDP qua các quý và tình hình kinh tế - xã hội những tháng qua, Bộ trưởng cho biết quý I, GDP tăng 4,76%; quý II, tăng 5%; quý III tăng 5,54%, quý IV dự báo tăng 5,6%-5,7%. Như vậy, cả năm tăng trưởng GDP đạt mức 5,3%-5,4%, so với mức tăng của năm 2012 là 5,25% thì không có vấn đề gì đặc biệt.
Kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến, ngành công nghiệp chế biến thủy sản 9 tháng năm 2013 đã tăng thêm 6,8% so với năm trước, các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại đều có mức tăng, đây là những con số đo đếm được. Xuất nhập khẩu năm 2012 khu vực FDI tăng nhưng khu vực sản xuất trong nước giảm, năm nay song song với tăng khu vực nước ngoài, xuất khẩu trong nước đã tăng 4,4%. Những con số đó chứng minh được rằng sản xuất đang phục hồi, trong các lĩnh vực đều có chuyển biến tốt, mặc dù chưa nhiều, chưa căn bản, chưa thật sự bền vững.
Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện hiện nay niềm tin là quan trọng, cần xây dựng niềm tin để vươn tới, chúng ta không bôi hồng nhưng cũng đừng tô đen.
Đây là thời điểm quan trọng của đất nước, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất muốn lắng nghe để hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ, mong muốn các đại biểu Quốc hội phân tích kỹ tình hình 2013, những đề xuất cho các năm 2014, 2015 và đặc biệt chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2016 - 2020, bàn bạc các giải pháp trong hai năm tới, chuẩn bị những gì cho trung hạn, dài hạn cho đất nước, nếu không đổi mới, chắc chắn đất nước sẽ khó khăn.
Giải đáp những lo ngại của đại biểu về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, 10 tháng năm 2012 tăng trưởng tín dụng cả hệ thống ngân hàng ở mức gần 3%, cả năm 2012 mức tăng trưởng là 8,9%. 10 tháng của năm 2013, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,8%, nếu tính cả dư nợ tín dụng đã được xử lý, thực tế tăng trưởng tín dụng mới của nền kinh tế 10 tháng đã tăng lên mức 7,89%.
Hàng tuần, Ngân hàng Nhà nước đều giao ban với các ngân hàng thương mại và giám đốc ngân hàng nhà nước ở các tỉnh để nắm bắt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, trên cơ sở các kết quả đạt được năm qua và đặc biệt là năm 2013, cũng như tăng trưởng 2 tháng còn lại, hoàn toàn có cơ sở khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của năm nay là 11,2%. Hiện nay, đã có một số vốn tương ứng dự trữ để sẵn sàng cho tăng trưởng tín dụng nên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch cung tiền của Ngân hàng nhà nước.
Thống đốc cho biết, năm 2013 tăng trưởng tín dụng toàn ngành còn ở mức khiêm tốn nhưng tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp đã tăng thêm 15% và theo kế hoạch có thể đạt từ 15%-18%. Điều đặc biệt là nợ xấu trong nông nghiệp, nông thôn ở mức thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung hệ thống.
Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy, hiện nay, nợ xấu của toàn hệ thống là 4,64% nhưng nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ là 3%. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành sơ kết lại Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhằm đánh giá tồn tại của Nghị định này cũng như hướng sửa đổi trong thời gian tới để phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phù hợp với thực tế hiện nay trong hoạt động nông nghiệp cũng như phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về vấn đề nợ xấu của ngân hàng và nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay tổng số nợ các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khoản vay lên tới trên 300 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số nợ. Trong số này, có tới 60% các khoản nợ nếu không được cơ cấu lại đã thành nợ xấu. Năm 2012, hệ thống ngân hàng đã trích lập, xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng 2013 đã trích lập và xử lý nợ xấu thêm 32 nghìn tỷ đồng, theo kế hoạch năm sẽ trích lập xử lý nợ xấu thêm 70 nghìn tỷ đồng. Từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu, VAMC đã mua được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Cộng với các con số đã thực hiện, có thể thấy nếu không triển khai ngay các giải pháp này, nợ xấu trong các tổ chức tín dụng đã tăng thêm trên 10%.
Thống đốc cho rằng, để xử lý được nợ xấu phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, vấn đề lớn nhất là phải có các giải pháp tổng thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế để nền kinh tế có triển vọng tốt hơn, góp phần giải quyết một cách căn bản nợ xấu. Thời gian tới, ngoài các giải pháp đã triển khai, Ngân hàng Nhà nước tích cực phối hợp với các bộ, ngành, có giải pháp tháo gỡ, liên kết “4 nhà” để đảm bảo việc mua bán hàng hóa được thông thoáng hơn, giảm tồn kho.
Về dự án "Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu", các đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ sớm triển khai.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết Dự án được đưa vào danh mục các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải và được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2007, đưa vào triển khai từ năm 2008, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án là tuyến thủy giao thông huyết mạch phục vụ ổn định và phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, Bộ đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam kết hợp dự án này với dự án trung tâm điện lực duyên hải. Hiện phía Bắc đã được triển khai, nếu không triển khai phía Nam và tuyến luồng vào cảng, cảng của trung tâm điện lực duyên hải không hoạt động được. Do vậy, việc tiếp tục triển khai dự án Luồng sông Hậu là cấp bách và cần thiết.
Về cơ sở khoa học và tính ổn định của dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Dự án có tính khả thi cao, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Vấn đề ổn định cửa ra, cửa vào của dự án được các nhà tư vấn đặt ra và tiến hành nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ.
Theo kết quả nghiên cứu tư vấn, vị trí lựa chọn cửa ra là nơi có tính ổn định, cùng với mô hình đê chắn sóng sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo yêu cầu ổn định tổng thể khu vực. Dự án cũng đã được đánh giá đầy đủ về tác động môi trường, tác động xâm nhập mặn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu theo quy định hiện hành, đảm bảo sự phát triển bền vững của dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Dự án "Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu" hoàn thành và đi vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tạo động lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ Đồng bằng sông Cửu Long lên các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh; tăng sức cạnh tranh hàng hóa; nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng đường biển trong khu vực.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch thủy điện.
Thảo luận về kết quả quy hoạch tổng thể về thủy điện, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển thủy điện là hết sức cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, điện khí hóa nông thôn, phát triển đất nước. Việc phát triển thủy điện thời gian qua là nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước trong giải quyết điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, phát triển thủy điện còn thiếu chặt chẽ, tình trạng quy hoạch tràn lan xảy ra ở nhiều địa phương, vùng miền, gây nguy cơ thiệt hại nhiều diện tích rừng, tác động xấu tới môi trường sinh thái, sản xuất của người dân.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét vấn đề thực hiện cam kết trồng lại rừng sau khi phát triển thủy điện thời gian qua như thế nào. Đại biểu Lê Thị Tám, đoàn Nghệ An cho rằng: Vấn đề trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách môi trường đã nêu cơ bản nhưng cần thống kê rà soát đầy đủ diện tích đất rừng bị mất, cần nêu cụ thể rõ diện tích đất rừng bị mất do làm thủy điện trên cả nước, diện tích trồng rừng thay thế và bao nhiêu diện tích chưa trồng được, nguyên nhân vì sao.
Nhiều đại biểu đánh giá cao việc rà soát, loại bỏ trên 400 dự án thủy điện của Chính phủ. Tuy nhiên đối với những dự án thủy điện triển khai trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Tấn, đoàn Nghệ An, đại biểu Nie Thuật, đoàn Đắk Lắk cho rằng, các dự án cần đảm bảo yếu tố kỹ thuật, đảm bảo công tác di dân và đảm bảo ít tác động xấu môi trường.
Các đại biểu cũng đặt vấn đề quản lý thủy điện phải gắn liền với quản lý thủy lợi, tạo sự hài hòa. Đề nghị Chính phủ giải thích rõ việc dừng, tạm hoãn triển khai các dự án thủy điện sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản lượng điện của cả nước và có xảy ra tình trạng thiếu điện hay không; thiệt hại của việc dừng, tạm hoãn các công trình, dự án thủy điện như thế nào.
Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xem xét hiệu quả kinh tế và độ an toàn của các dự án đang vận hành, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ và vừa. Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) nêu quan điểm cần cắt giảm nữa các công trình thủy điện chứ không phải dừng lại ở con số 40%. Chính phủ cần tổng rà soát lại các thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc xem hiệu quả kinh tế đến đâu, mức độ an toàn thế nào. Nếu nhà máy nào kém hiệu quả, không an toàn thì nhất quyết phải đóng cửa.
Thảo luận dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, đại biểu tập trung góp ý về tiêu chuẩn công chứng viên, đào tạo và tập sự hành nghề công chứng. Các đại biểu đề nghị cần xem lại Điều 14 dự thảo Luật quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ bởi nó mâu thuẫn với Luật công chức và Luật lao động.
Góp ý vào Điều 2 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Quang - đoàn Thanh Hóa đồng tình sự cần thiết phải mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, trong đó giao cho công chứng viên chứng nhận chữ ký người dịch thay vì để các Phòng tư pháp cấp huyện chứng thực như hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về giá trị pháp lý ngang nhau khi chứng thực ở phòng tư pháp cấp huyện và văn phòng công chứng.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn nhưng cần có những quy định bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Dự án Luật cần quy định rõ nội dung, phương thức, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.
Dự kiến, Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sẽ được đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường vào ngày 12-11 tới./.
Thông cáo số 9 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII  (02/11/2013)
ASEAN thúc đẩy kết nối tiểu vùng sông Mê kông mở rộng  (01/11/2013)
Công bố Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm  (01/11/2013)
Phó Chủ tịch nước tặng quà cho công dân thứ 90 triệu  (01/11/2013)
Tổng thống Nga Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (01/11/2013)
Đoàn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thăm Lào  (01/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay