Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-10 đến ngày 27-10-2013)
TCCSĐT - Trong bối cảnh vụ bê bối tình báo Mỹ do thám các đồng minh đang gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, các nước châu Âu bắt đầu xúc tiến các biện pháp nhằm giải quyết vụ việc qua kênh ngoại giao.
1. Kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Thư ký ASEAN
Ngày 17-10, tại Bắc Kinh, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải). Ảnh: TTXVN
Ngày 21-10-2013, Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ra thông báo chính thức về kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc. Thông báo nêu rõ trong chuyến thăm từ ngày 16-10 đến ngày 19-10-2013 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã có các cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành; trao đổi và thảo luận về một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó tập trung vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi. Trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng Thư ký Lê Lương Minh khẳng định Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN, đồng thời bày tỏ mong muốn của ASEAN tìm kiếm các cách thức, phương tiện mới và bền vững trên cơ sở những thành tựu trong quá khứ để xây dựng, tăng cường, làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc, bổ sung thêm những nội dung cần thiết cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa đôi bên. Tổng Thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh cả ASEAN và Trung Quốc cần tăng gấp đôi nỗ lực để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đã được các nhà lãnh đạo hai bên nhất trí tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 16 vào ngày 09-10 vừa qua tại Bru-nây. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bảo đảm với ASEAN rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò xây dựng, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; kêu gọi sự hợp tác ASEAN - Trung Quốc chặt chẽ để đưa thập kỷ quan hệ đối tác chiến lược thứ hai giữa đôi bên thành “Thập kỷ kim cương” vì lợi ích của người dân ASEAN và Trung Quốc.
2. Đối thoại Chiến lược Việt Nam - Anh
Triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Anh năm 2013, ngày 22-10, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hu-gô Xoai (Hugo Swire) đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược lần thứ ba tại Luân Đôn (Anh). Hai bên đã trao đổi về các vấn đề song phương và khu vực, các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, tội phạm có tổ chức và vấn đề di cư bất hợp pháp. Việt Nam khẳng định tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Anh kinh doanh hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam. Phía Anh cũng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và mở rộng thị trường đầu tư vào Anh, nơi có nhiều cơ hội đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực như kết cấu hạ tầng, năng lượng. Về giáo dục và đào tạo, hai bên hoan nghênh việc thành lập Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt Nam - Anh trong Đại học Đà Nẵng, bước đầu triển khai thực hiện dự án Đại học Việt Nam - Anh tại Đà Nẵng. Về quốc phòng, hai bên vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác quốc phòng, đặc biệt việc Anh cử tùy viên quốc phòng thường trú tại Việt Nam. Anh đánh giá cao và bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Về hợp tác an ninh, hai bên tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác đối phó với các mối đe dọa toàn cầu, trong đó có việc phòng, chống tội phạm có tổ chức và di cư bất hợp pháp, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống khủng bố. Hai bên đã chia sẻ quan điểm về tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, tình hình Xy-ri. Hai bên cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, tái khẳng định ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Sau phiên đối thoại, hai bên đã ra thông cáo báo chí chung về Đối thoại Chiến lược Việt Nam - Anh lần thứ ba.
3. ADB kêu gọi Đông Á hợp tác chống biến đổi khí hậu
Ngày 23-10-2013, Phó Chủ tịch ADB Xtê-phen Gróp (Stephen Groff) cho rằng việc khu vực Đông Á giải quyết tác động của biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến khu vực và toàn cầu. Đông Á chiếm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan, do vậy cần phải hành động ngay vì bất kỳ một sự chậm trễ nào cũng sẽ làm chi phí cao hơn trong tương lai. ADB đề nghị bốn nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ dành khoản đầu tư hằng năm khoảng 37 tỷ USD cho phát triển nông nghiệp và kết cấu hạ tầng để có thể đối phó với biến đổi khí hậu, làm cho các vùng ven biển ít bị nguy hiểm và giảm nhẹ thiệt hại kinh tế do thảm họa thiên tai. Theo báo cáo của ADB, đối phó với tác hại của các thảm họa thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu “tiêu tốn” của khu vực khoảng 340 tỷ USD trong bốn thập kỷ qua. Do vậy, hợp tác khu vực rất quan trọng trong vấn đề này. Hơn 60% đầu tư hàng năm kết hợp của bốn nước sẽ được sử dụng để tăng cường bảo vệ nhà ở, đường xá trước thảm họa thiên tai và phòng lũ lụt. ADB cũng đưa ra các biện pháp để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có việc xây dựng và củng cố các đê biển, cầu cảng, hệ thống thoát nước.
4. Kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (24-10-1945 - 24-10-2013)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã gửi Thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, trong đó cho rằng đây là dịp để mọi người nhận thức đầy đủ hơn những đóng góp to lớn, vô giá của tổ chức này vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình và thúc đẩy phát triển trên phạm vi toàn cầu. Ông Ban Ki-mun nêu rõ vấn đề nan giải nhất trong lĩnh vực an ninh quốc tế hiện nay là cuộc xung đột ở Xy-ri, nơi đã có hơn 100 nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người đang cần sự giúp đỡ nhân đạo. Theo ông, Liên hợp quốc đang làm tất cả để sớm tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học ở Xy-ri và thông qua các biện pháp ngoại giao để tìm cách sớm ngăn chặn cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này. Về mục tiêu phát triển, Tổng Thư ký đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống và giảm tỷ lệ người nghèo tại tất cả các quốc gia cũng như các khu vực. Các quốc gia cần hợp sức để xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và sớm đạt được thỏa thuận về chương trình hành động nhằm đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến sự sống trên Trái đất.
5. Hội nghị thượng đỉnh EU cam kết giải quyết vấn đề di cư
Trong hai ngày 24 và 25-10-2013, Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ). Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí ba nguyên tắc gồm ngăn ngừa, bảo vệ và đoàn kết trước làn sóng người di cư ồ ạt vào EU, đồng thời bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới những người thiệt mạng trong các vụ đắm tàu mới đây tại I-ta-lia. Trong khi đó, các nước thành viên cửa ngõ vào EU gồm Cộng hòa Síp, Hy Lạp, I-ta-li-a, Man-ta, Tây Ban Nha và Crô-a-ti-a cho rằng các nước này không thể tự đối phó được làn sóng người nhập cư vào châu Âu và kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước giàu có hơn ở miền Bắc. Trái lại, các quốc gia thành viên ở miền Bắc cho rằng họ đã chia sẻ gánh nặng người nhập cư ở Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Thụy Điển, nơi tiếp nhận tới 70% số người nhập cư tràn vào châu Âu. Cũng tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đưa ra một số biện pháp mới và tài trợ vốn cho Cơ quan An ninh biên giới EU có tên gọi Frontex, đồng thời nhanh chóng thực thi một chương trình mới, theo đó cho phép chia sẻ nguồn dữ liệu từ hệ thống kiểm soát biên giới mới (gọi tắt là Eurosur), nhằm phát hiện các tàu chở người bất hợp pháp. Hội nghị cũng cam kết có hành động cứng rắn hơn nhằm chống nạn buôn người, tăng cường viện trợ và phối hợp với các quốc gia là nơi xuất phát và là điểm trung chuyển người tị nạn vào châu Âu.
6. Châu Âu xúc tiến kênh ngoại giao giải quyết vụ bê bối do thám của Mỹ
Cáo buộc NSA nghe lén điện thoại bà A. Mác-ken đã gây sóng gió trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Đức. Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh vụ bê bối tình báo Mỹ do thám các đồng minh đang gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, các nước châu Âu bắt đầu xúc tiến các biện pháp nhằm giải quyết vụ việc qua kênh ngoại giao. Người phát ngôn Chính phủ Đức Ghê-oóc Strai-tơ (Georg Streiter) ngày 25-10 cho biết, các quan chức an ninh cấp cao của Đức sẽ đi Mỹ trong tuần tới để thảo luận với Nhà Trắng và Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) về những cáo buộc gián điệp, trong đó có cáo buộc NSA nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức A. Mác-ken (A. Merkel). Cùng ngày, Tổng thống Đức Gioa-khim Ga-úc (Joachim Gauck) đã gọi điện cho Tổng thống B. Ô-ba-ma (B. Obama) yêu cầu người đứng đầu nước Mỹ giải thích về các cáo buộc liên quan đến hoạt động do thám của Mỹ. Theo Tổng thống Đức, nếu cáo buộc trên là đúng sự thật, điều đó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin giữa những người bạn và đối tác chính trị. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng chính thức phản ứng sau khi có thông tin nói rằng Mỹ cũng đã do thám quốc gia này. Ngày 25-10, Thủ tướng Ma-ri-a-nô Ra-hoi (Mariano Rajoy) chỉ thị cho Ngoại trưởng Hô-xê Gác-xi-a Mác-ga-giô (Jose Garcia Margallo) triệu Đại sứ Mỹ tại Ma-đrít Giêm Cô-xtốt (James Costos) để làm rõ. Tại trụ sở Liên hợp quốc, Đức và Bra-xin đang phối hợp để đưa ra Đại Hội đồng Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết nêu rõ sự bất bình của cộng đồng quốc tế. Các nhà ngoại giao cho biết, dự thảo nghị quyết sẽ kêu gọi mở rộng Hiệp ước quốc tế về Quyền công dân và chính trị sang lĩnh vực hoạt động trên mạng in-tơ-nét. Đây là hiệp ước quốc tế có hiệu lực từ năm 1976, trước thời điểm mạng in-tơ-nét xuất hiện. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết sẽ không nêu đích danh Mỹ mà chỉ nhằm gửi một thông điệp cảnh báo đến những đối tượng lạm dụng in-tơ-nét để vi phạm các quyền riêng tư./.
Một số ý kiến về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam  (31/10/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (30/10/2013)
Quốc hội Việt Nam ưu tiên phát triển quan hệ với EP và Cộng hòa Séc  (30/10/2013)
Thủ tướng Chính phủ tiếp đại diện một số tập đoàn lớn và Đại sứ Nhật Bản  (30/10/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 21 đến ngày 27-10-2013  (30/10/2013)
Định hình tố chất của nhà quản lý trong nền kinh tế tri thức  (30/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay