Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9-2013
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng.
Kinh tế dần phục hồi nhưng khó khăn còn nhiều
Nền kinh tế dần phục hồi với tốc độ tăng trưởng từng bước được cải thiện; mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được nhiều kết quả; lãi suất giảm dần, tăng trưởng tín dụng tiếp tục có những bước chuyển biến khả quan; sản xuất công nghiệp tuy còn khó khăn song đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp đang dần phục hồi; lĩnh vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng khá; xuất khẩu tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra, tỷ lệ nhập siêu thấp; các chính sách về giải quyết việc làm, an sinh và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, nền kinh tế phục hồi còn chậm, chưa thực sự vững chắc; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt thấp hơn so với kế hoạch; thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm và thấp hơn cùng kỳ; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao...
Cho biết một số kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phân bổ, cân đối, thu - chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách; bảo đảm cân đối thu - chi theo kế hoạch, giữ mức bội chi của năm như đã được thông qua; tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây nợ đọng, thất thoát, lãng phí...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất cần phải quyết liệt hơn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đi đôi với chính sách miễn, giảm, giãn thuế để kích thích đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cũng cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế; rà soát lại quy mô vốn đầu tư các dự án để kiểm soát tốt vốn đầu tư của Nhà nước.
Liên quan đến hoạt động của ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho hay sản xuất nông nghiệp đang phục hồi tương đối nhanh; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát; giá tôm đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây; xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 9 tháng đầu năm tăng 0,5%... Kế hoạch năm 2014, ngành sẽ tập trung chỉ đạo phát triển các lĩnh vực thế mạnh, có đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp như thủy sản, chăn nuôi...
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ tiếp tục dành ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên vốn cho các công trình thủy lợi trọng điểm; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ; chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kịp thời phát hiện, khống chế, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng cũng như chuẩn bị tốt nguồn cung ứng thực phẩm cho các tháng cuối năm; chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, có sức cạnh tranh lớn...
Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện quyết liệt hơn việc chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, xử lý hiệu quả nợ đọng trong xây dựng cơ bản; đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng theo đúng đối tượng, qua đó góp phần kích thích sự tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Bên cạnh khẳng định những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm, nhấn mạnh kết quả này là điều đáng mừng, là thành công lớn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của nền kinh tế cần tập trung khắc phục là: Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng gian lận, trốn thuế, gây thất thu ngân sách còn tiếp diễn; dư nợ tín dụng tăng chậm; công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều công trình lớn chưa được thực hiện tốt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần hết sức lưu ý đến công tác giải ngân, nhất là giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; rà soát lại việc đóng thuế ở các khu vực kinh tế nhằm đề ra các giải pháp hiệu quả trong chống trốn thuế, gian lận thuế.
Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô của năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh các bộ, ngành địa phương cần đặc biệt quan tâm kiểm soát giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh cũng nhắc nhở cần tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư vào nông nghiệp cũng như liên kết với nông dân trong sản xuất, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.
Ngoài ra, ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cho vay hỗ trợ nhà ở; quyết liệt hơn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, dạy nghề, tạo việc việc cho người lao động; thúc đẩy sự phát triển y tế, văn hóa, giáo dục ở tuyến cơ sở.
Kiên định bám sát mục tiêu đã đề ra
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2013, các nhiệm vụ đặt ra cho 3 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy tinh thần chung là tiếp tục bám sát, kiên định mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, không chủ quan lơ là với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đi liền với đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,4%); phấn đấu nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra cho năm 2013, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của năm 2014 và các năm tiếp theo.
Theo đó, cần tăng cường tính vững chắc cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong đó có việc điều hành mức lãi suất phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu, không để phát sinh nợ xấu; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là giá cả một số mặt hàng thiết; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt trong dịp Tết.
Thủ tướng cho biết dứt khoát thực hiện theo giá thị trường đối với điện, xăng dầu, song phải cân nhắc, có lộ trình phù hợp, tránh tác động tiêu cực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đặc biệt phải công khai, minh bạch giá xăng dầu, giá điện... Tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách; bảo đảm cân đối thu-chi theo kế hoạch. Quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; quan tâm xử lý hiệu quả hàng tồn kho.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần tập trung đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt. Thực hiện tốt các hoạt động hội nhập quốc tế, thúc đẩy ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do... góp phần làm tăng cơ hội, tăng nguồn lực, bảo đảm lợi ích quốc gia trong thời kỳ hội nhập.
Đề cập đến các giải pháp đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Cần hết sức quan tâm đến việc hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội, thực hiện tốt công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động; chú trọng đến công tác phát triển y tế; tính toán, cân đối, thu hút các nguồn lực đầu tư để triển khai xây mới, nâng cấp các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải ở tuyến cuối của các thành phố lớn, các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc các chuyên khoa: Chấn thương chỉnh hình, tim mạch, ung bướu, sản và nhi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận một cách chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2013 và các năm tiếp theo; tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng./.
Công điện chỉ đạo đối phó với bão số 10  (29/09/2013)
Kết quả chuyến thăm Pháp và dự Đại Hội đồng Liên hợp quốc 68  (29/09/2013)
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2013  (29/09/2013)
Dư luận quốc tế hưởng ứng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (29/09/2013)
Khởi công nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế  (29/09/2013)
Thanh sát viên Liên hợp quốc thực hiện đợt thanh sát mới Syria  (29/09/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay