Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các bộ trưởng
* Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về văn bản pháp luật "có vấn đề"
Sáng 20-8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành; việc ban hành (và chậm ban hành) văn bản hướng dẫn thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời chất vấn. Ảnh: vov.vn |
Trong công tác kiểm tra văn bản, nhiều ý kiến cho rằng một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được phát hiện kịp thời, chỉ được phát hiện khi có phản ánh báo chí hoặc khi dư luận lên tiếng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết những thông tin phản ánh liên quan xây dựng pháp luật nói chung, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý của Bộ. Từ 2010, Bộ ban hành kế hoạch để hằng năm thực hiện công tác kiểm tra từ Bộ cho đến sở, phòng, và tập trung kiểm tra sâu vào một số lĩnh vực mà người dân quan tâm, gây bức xúc.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, điều đó cho thấy không phải hoàn toàn sau khi báo chí nêu thì những văn bản có vấn đề mới được phát hiện xử lý. Tuy nhiên, một số trường hợp văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để; chưa có giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết công tác kiểm tra văn bản với công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng thừa nhận việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến của cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Vậy có hay không tình trạng này trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và việc một số văn bản của các bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi liệu có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật phục vụ lợi ích nhóm?
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp, trừ việc xây dựng thông tư và thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tốt.
Bộ trưởng cho rằng, một số nghị định thời gian qua người dân quan tâm như về kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... Chủ trương rất rõ và lộ trình, bước đi rất chặt chẽ nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát
"Với quy trình chặt chẽ như vậy thì có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, tất nhiên không loại trừ khả năng sơ hở", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) thì cho rằng hiện nay còn nhiều khoảng trống về pháp luật trong quản lý kinh tế dẫn tới có đối tượng lợi dụng làm giàu bất chính. Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, Bộ rất quan tâm vấn đề này. Trước đây, Bộ Tư pháp chỉ có 3 Vụ xây dựng pháp luật, nhưng hiện nay có thêm một Vụ về vấn đề chung xây dựng pháp luật để có cái nhìn chung xuyên suốt nhằm phát hiện ra khoảng trống pháp luật.
Về câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và lộ trình giải pháp của Bộ nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật, dẫn đến tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã được nhắc nhiều lần. Do đó, cần đặt trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội vì thực trạng này dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quyền lợi của người dân…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tổng kết công tác năm 2012 đánh giá việc khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng này lại tăng đột biến, với tổng số văn bản nợ đọng là 107.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng về chủ quan, sự chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt; việc kiện toàn củng cố vụ pháp chế của một số bộ ngành chưa được nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ; quy trình xem xét còn kéo dài.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong nguyên nhân chủ quan, ngoài yếu tố đội ngũ cán bộ còn có vai trò trực tiếp của người đứng đầu.
"Ở Bộ nào, ngành nào, thời nào mà người đứng đầu quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thì việc ban hành văn bản nhanh. Ngoài ra, chúng ta chưa quen, chưa nghiêm túc là lường trước được khi luật ra cần hướng dẫn điều nào và có phương án hướng dẫn ngay dù chưa cần chi tiết", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều dự án xin đưa vào chương trình rồi lại xin rút, thay đi đổi lại.
Báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, có 7 dự án đã được lùi thời hạn trình, rút khỏi Chương trình hằng năm, có 5 dự án do Chính phủ xin lùi, xin rút khỏi Chương trình vì chưa được chuẩn bị kỹ hoặc khó xác định phạm vi điều chỉnh (Luật Hải quan (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; Luật Đô thị; Luật Quy hoạch).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến tình hình là gần đến lúc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà Chính phủ vẫn phải thảo luận về vấn đề này, ảnh hưởng đến tiến độ trình. Chất lượng một số dự thảo luật, pháp lệnh do Chính phủ trình vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu hoặc chưa được giải trình kỹ lưỡng nên sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị chưa trình Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện (như Luật Thư viện, Luật Hộ tịch).
Về công tác thẩm định Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý; một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các quy định trong dự thảo văn bản; một số quy định về thủ tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Có thể lấy ví dụ cụ thể như Bộ Tư pháp đã không phát hiện ra những điểm bất hợp lý của quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về việc không lắp kính trên nắp áo quan, không rải vàng mã trên đường đi, không mang theo vòng hoa đi viếng trong việc tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức. Trong một số trường hợp, tuy đã phát hiện ra “vấn đề” nhưng Bộ Tư pháp chưa thuyết phục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý; chẳng hạn như các quy định của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về việc tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải đăng ký sản xuất rượu với chính quyền địa phương và đề nghị chính quyền địa phương xác nhận việc sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi liệu có tình trạng nể nang khi phát hiện văn bản vi phạm nhưng không kiến nghị những hình thức xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh; thẩm định nhưng để lọt những văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết rất nhiều văn bản chỉ vi phạm về kỹ thuật văn bản nên chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm; đồng thời khẳng định không có tình trạng nể nang. Thực tế còn có những văn bản gây bức xúc, tuy nhiên, số lượng này chiếm rất ít trong tổng số văn bản được thẩm định. Riêng về Thông tư và Thông tư liên tịch hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ nên sắp tới Bộ sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
* Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - thẳng thắn với chất vấn về đất đai, khoáng sản
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20-8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trả lời thẳng thắn các vấn đề đang diễn ra bức xúc trong lĩnh vực đất đai và khai thác khoáng sản.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn. Ảnh: vov.vn |
Chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào những vấn đề lớn như: Kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; xử lý tồn đọng khiếu nại tố cáo của người dân về đất đai, sử dụng lãng phí đất đai; trách nhiệm quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.
Với nhiều câu hỏi mở đầu liên quan đất đai, các đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), Danh Út (Kiên Giang), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang làm rõ trách nhiệm về sự chậm trễ trong cấp sổ đỏ.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp giải quyết vấn đề tốc độ đô thị hóa ồ ạt hiện nay khiến nhiều nông dân sẽ không còn đất; công tác định giá đất còn bất cập và là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện?
Thừa nhận công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cho các hộ gia đình gian nan, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phấn đấu với tinh thần sẽ đạt tỷ lệ 85% cấp sổ đỏ lần đầu vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ: “Thời gian qua, Bộ đã có nhiều biện pháp phối hợp cùng các địa phương, nhưng chúng tôi sẽ không có cách nào nếu địa phương không cùng quyết liệt”.
Đối với 18 tỉnh triển khai chậm tiến độ, chủ yếu rơi vào các tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương này 1.000 tỷ đồng để đấy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ.
Chưa đồng tình với quan điểm định giá đất theo giá thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng cần phải xác định thế nào là giá thị trường trong điều kiện bình thường.
“Hiện nay chúng ta đang chạy theo giá đất bất động sản, một số doanh nghiệp bất động sản "tay không bắt giặc", dựa vào vốn vay Nhà nước, mua đất, ghim đất đó, xây nhà, đó là giá đầu cơ không hề bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẳng thắn nói. “Song trong dự thảo luật mới về đất đai cũng cố gắng làm sao đảm bảo người dân không bị thiệt thòi”.
Chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang về việc xử lý khiếu kiện tồn đọng liên quan đến xử lý đất đai, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 28 tổ công tác triển khai từ tháng 6-2012 đến tháng 9-2012. Cuối tháng 6-2013 đã giải quyết được 415/528 vụ, đạt 88%, còn 63 vụ, trong đó 33 vụ rất phức tạp thuộc thẩm quyền địa phương.
Đánh giá tình hình khiếu nại kéo dài có dịu đi, tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, tới đây, ngoài việc sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến các cơ chế chính sách, cần nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị tham gia tiếp dân, giải quyết các vấn đề tố cáo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phổ biến pháp luật.
Ngay sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 1-1-2011, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn bao gồm Nghị định 155 và Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, một số văn bản khác cũng đã trình Chính phủ và sẽ ban hành thời gian tới. Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trong năm 2013 sẽ hoàn thành xong các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Luật Khoáng sản có hiệu lực 2 năm, song việc khai thác khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp. Thừa nhận có tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết năm 2013, Bộ thành lập 8 đoàn kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm. Cụ thể, 103 giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, 37 giấy phép được cấp khi mỏ chưa có quy hoạch phê duyệt, 52 dự án cấp phép cho các đối tượng không đăng ký kinh doanh ngành nghề, 128 dự án cấp phép không qua đấu thầu, 395 dự án được cấp khi chưa cấp giấy phép kinh doanh, 29 dự án cấp phép khi chưa có đánh giá tác động môi trường...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ thu hồi giấy phép đã cấp không đúng quy định với 9 tỉnh, đình chỉ khai thác 11 tỉnh chưa có đánh giá trữ lượng thăm dò.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng để xảy ra tình trạng cấp phép sai nói trên trước hết là trách nhiệm của địa phương, có địa phương cố tình làm sai, vì vậy, lãnh đạo các tỉnh cần tăng cường hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Liên quan đến việc công bố khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là hết sức hạn chế những khu vực này.
“Ở các khu vực này càng đào càng thiệt, Nhà nước không thu được ngân sách, dân không được hưởng lợi, môi trường bị phá. Do vậy, quan điểm của Bộ là hạn chế công bố khu vực khoáng sản nhỏ lẻ”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần tăng cường chỉ đạo giám sát trong việc cấp giấy phép, chú ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường, phục hồi đất sau khai thác, cần xử lý nghiêm các hành động vi phạm pháp luật cũng như ngăn chặn tiêu cực tham nhũng trong hoạt động này./.
Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị  (20/08/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Hoa Kỳ  (20/08/2013)
Công điện về bảo đảm trật tự an toàn giao thông  (20/08/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên