TCCSĐT - Những ngày qua, thế giới liên tiếp phải chứng kiến những vụ bãi công, biểu tình thậm chí cả bạo loạn sắc tộc gay gắt ở một số khu vực. Nguyên nhân của những vụ việc này đa phần đều bắt nguồn từ sự phẫn nộ của dân chúng đối với các chính sách của chính phủ.

Phản đối chương trình kinh tế khắc khổ tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha

Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Hy Lạp An-tô-nít Xa-ma-rát (Antonis Samaras) tiến hành cải tổ nội các, ngày 26-6, công đoàn các ngành lao động Hy Lạp đã phát động làn sóng bãi công mới nhằm chống các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Theo các nhà tổ chức, tại các cảng biển trên cả nước, những thủy thủ và công nhân bến cảng đã tiến hành bãi công trong 7 giờ, mang theo nhiều cờ và biểu ngữ phản đối việc Chính phủ cổ phần hóa các cảng biển vì cho rằng kế hoạch này sẽ không có lợi cho người đi biển. Họ yêu cầu Nhà nước tiếp tục kiểm soát các khu vực đánh bắt lớn. Các lái xe điện cũng ngừng làm việc trong 5 giờ để thảo luận kế hoạch phản đối tiếp theo. Trong khi đó, công đoàn ngành thuế kêu gọi cuộc bãi công 48 giờ để phản đối kế hoạch sáp nhập các cơ quan thuế nhằm cắt giảm chi tiêu cho khu vực hành chính công.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp đầu tiên của nội các mới sau cải tổ, ông A. Xa-ma-rát tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ tiến hành các chính sách cần thiết, trong đó đặc biệt tập trung vào kế hoạch cải cách cơ cấu và cổ phần hóa nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Các quan chức Hy Lạp và nhóm “bộ ba” chủ nợ quốc tế nhấn mạnh rằng chương trình “thắt lưng buộc bụng” là giải pháp duy nhất để đưa nước này vượt qua giai đoạn khủng hoảng và có thể đạt tăng trưởng vào năm sau. Đây cũng được xem là một trong những điều kiện mà A-ten phải đáp ứng để nhận được các khoản giải ngân tiếp theo trong hai gói cứu trợ trị giá lên tới 210 tỷ ơ-rô từ các định chế tài chính quốc tế.

Trước đó, để ngăn chặn nguy cơ phá sản, từ năm 2010, Hy Lạp phải cam kết thực hiện những biện pháp khắc khổ để đổi lấy các gói cứu trợ, tuy nhiên theo các nhà phân tích, chính sách “thắt lưng buộc bụng” ngày càng khắc nghiệt đã khiến người dân ngày một khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục trong khi tình trạng suy thoái vẫn chưa được đẩy lùi. Việc Thủ tướng Hy Lạp A. Xa-ma-rát phải tiến hành cải tổ nội các cũng là do Đảng Dân chủ cánh tả, thành viên nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền, rút khỏi Chính phủ để phản đối việc đóng cửa đài truyền hình quốc gia ERT và những chính sách cải cách kinh tế không được lòng dân.

Không chỉ Hy lạp, người dân Bồ Đào Nha cũng thể hiện sự bất bình với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do Chính phủ đưa ra như điều kiện để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 80 tỷ ơ-rô từ các định chế tài chính quốc tế bằng cuộc tổng bãi công 24 giờ của nhân viên các ngành đường sắt ngày 27-6. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới đưa ra hồi tháng 5-2013 gồm tăng giờ làm việc trong tuần từ 35 - 40 giờ/tuần, giảm 30.000 trong tổng số 700.000 việc làm trong khu vực hành chính công trong khi vẫn cắt giảm tiền lương và tăng thuế để tiết kiệm 4,7 tỷ ơ-rô (tương đương 6,1 tỷ USD) vào năm 2015.

 
 Cuộc tổng bãi công của công nhân giao thông đường bộ Bồ Đào Nha
Vì cuộc tổng bãi công này mà gần như toàn bộ giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không tại Bồ Đào Nha đã bị ngừng trệ. Riêng dịch vụ đường sắt, xe buýt và xe điện ngầm gần như tê liệt hoàn toàn khiến hàng trăm nghìn người thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng này rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Công nhân Bồ Đào Nha - công đoàn lớn nhất ở quốc gia thành viên Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) này, ông A-mê-ni-ô Các-lốt (Armenio Carlos) cho biết đây là cuộc bãi công lớn nhất từ trước tới nay về số công nhân tham gia. Đặc biệt tại Thủ đô Li-xbon, hàng nghìn người phản đối mang theo cờ và biểu ngữ tuần hành trên các đường phố nối từ Quảng trường Rô-xi-ô tới tòa nhà Quốc hội.

Ngoài Li-xbon, tại một số thành phố lớn khác như Ô-poóc-tô (Oporto) và Pha-rô (Faro) ở miền Nam, nhân viên ngành giao thông cũng xuống đường hưởng ứng lời kêu gọi của các công đoàn ngành. Các bệnh viện trong cả nước cũng ngừng các hoạt động y tế, trừ bộ phận cấp cứu, trong khi hàng chục trường học và nhà trẻ đều đóng cửa. Cuộc tổng bãi công diễn ra trong bối cảnh kinh tế Bồ Đào Nha đang lún sâu vào khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 17,8% và năm 2013 vẫn được dự báo là năm thứ ba liên tiếp suy thoái.

Bức xúc vì thuế cao, nạn tham nhũng tại Bra-xin

Ngày 26-6, Thượng viện Bra-xin đã thông qua một dự luật cho phép xếp hành vi tham nhũng vào nhóm trọng tội, đồng thời “siết chặt” hơn án phạt đối với các đối tượng vi phạm. Đây là động thái mới nhất thể hiện nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc xoa dịu làn sóng biểu tình toàn quốc kéo dài 2 tuần qua. Theo dự luật mới, mức án tù tối thiểu đối với tội danh tham nhũng sẽ nâng từ mức 2 năm lên 4 năm tù, bên cạnh đó những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ không được phép hưởng quy chế tạm tha hoặc ân xá. Tuy nhiên, mức án tù tối đa vẫn giữ nguyên 12 năm. Hình phạt trên áp dụng đối với những viên chức Chính phủ có hành vi tham nhũng và cả những tổ chức và cá nhân có hành động tiếp tay cũng như ưu đãi không cần thiết đối với quan chức Chính phủ. Bên cạnh đó, tham ô các khoản tiền nhà nước và lợi dụng chức quyền để đòi hỏi đối xử đặc biệt cũng được liệt vào nhóm trọng tội.

Dự luật trên hiện đang được chuyển tới Hạ viện chờ bỏ phiếu. Nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục được chuyển tới Tổng thống để ký ban hành thành luật. Đây là bước đi nhượng bộ thứ hai của Chính phủ Bra-xin trước làn sóng biểu tình rầm rộ trên toàn quốc. Trước đó, tối 25-6, Hạ viện nước này đã thông qua một dự luật cho phép đầu tư toàn bộ lợi nhuận từ việc cho thuê mỏ dầu cho các ngành an sinh xã hội, trong đó 75% dành cho giáo dục và 25% cho chăm sóc y tế. Dự luật này hiện đang chờ phê chuẩn của Thượng viện.

Hiện làn sóng biểu tình tại Bra-xin vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau hơn 2 tuần bùng phát. Theo các hãng tin nước ngoài, ước tính có khoảng 5.000 người dân thành phố Ri-ô đề Gia-nê-rô (Rio de Janeiro) đã xuống đường biểu tình trong ngày diễn ra trận chung kết 30-6 tại sân vận động Ma-ra-ca-na của thành phố này. Chính quyền đã buộc huy động lực lượng cảnh sát và quân đội lên tới 11.000 người để bảo đảm an ninh cho trận đấu. Đã xảy ra một số vụ xô xát giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích, khiến lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.

Với hơn 1,5 triệu người xuống đường, làn sóng phản đối Chính phủ kéo dài suốt hơn 2 tuần qua ở khoảng 100 thành phố là đợt biểu tình lớn nhất tại Bra-xin trong 20 năm trở lại đây. Ban đầu, biểu tình xuất phát từ việc Chính phủ tăng giá xe buýt và tàu điện ngầm, nhưng sau đó, người biểu tình chú trọng đến việc Chính phủ thiếu đầu tư cho các dịch vụ công cộng, thuế cao và nạn tham nhũng tràn lan. Họ đã xuống đường đòi cải thiện điều kiện sống, phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi Chính phủ tiêu tốn hàng tỷ USD vào việc chuẩn bị cho Vòng Chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2014 và Đại hội thể thao Ô-lim-píc mùa hè 2016 mà nước này đăng cai.

Xung đột, bạo lực, đánh bom lan tràn khắp Li-bi

Ngày 26-6, các cuộc xung đột giữa hai nhóm vũ trang đã bùng phát tại Thủ đô Tri-pô-li của Li-bi trong khi các vụ bạo lực diễn ra tại thành phố Ben-ga-di ở miền Đông nước này. Giao tranh nổ ra sau khi một nhóm các tay súng từ thành phố Din-tan, miền Tây Li-bi, cố giải cứu 5 thành viên bị các cựu phiến quân ở quận Au Xa-lim ở Tri-pô-li bắt giữ ngày 25-6. Trước đó, một số tay súng Din-tan đã tấn công vào các trụ sở của Cơ quan bảo vệ cơ sở dầu mỏ Li-bi tại Tri-pô-li làm 5 người chết và 22 người bị thương. Nhóm vũ trang Din-tan được cho là gồm các thành viên trong hội đồng quân sự địa phương từng chiến đấu chống lại những người trung thành với cố lãnh đạo Mu-am-mơ Ga-đa-phi (Muammar Gaddafi) trong cuộc nội chiến năm 2011. Trong khi đó, tại Ben-ga-di, ngày 26-6, một quan chức tình báo quân đội Li-bi đã bị thiệt mạng sau khi một quả bom gài trên xe của ông phát nổ. Vụ sát hại này cho thấy tình hình Li-bi ngày càng bất ổn trong bối cảnh Quốc hội Li-bi ngày 25-6 đã bầu ông Nua -ri A-bu-xa-man (Nouri Abusahmain) làm chủ tịch mới của cơ quan quyền lực này.

Cũng trong ngày 26-6, các quan chức tại thị trấn Xê-ha, miền Nam Li-bi, cho biết đã xảy ra 3 vụ đánh bom xe trong vòng nửa giờ tại 3 địa điểm khác nhau trong thị trấn làm ít nhất 1 người thiệt mạng. Ủy viên Hội đồng thị trấn Ay-ô-u An Da-râu (Ayoub al-Zarrouk) cho biết vụ đánh bom xe đầu tiên được tiến hành ở gần một đồn cảnh sát, vụ thứ hai ở một khu thương mại và vụ thứ ba ở trước cửa một khách sạn. Trong khi đó, hãng thông tấn La-na của Li-bi đưa tin 2 người thiệt mạng và 17 người bị thương trong các vụ đánh bom xe này. Gần 2 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Ga-đa-phi bị lật đổ, các nhóm vũ trang tại Li-bi gồm các cựu tay súng đến từ nhiều vùng tại Li-bi trở nên ngày càng lớn mạnh và có nhiều tham vọng. Chính phủ Li-bi hiện nay đang phải chật vật áp đặt sự cai trị của mình đối với các nhóm này.

Biểu tình ủng hộ và phản đối Chính phủ Bun-ga-ri

Ngày 26-6, tại Thủ đô Xô-phi-a của Bun-ga-ri, gần 4.000 người biểu tình phản đối Chính phủ đã phong tỏa cửa trụ sở Quốc hội, ngăn cản các nghị sĩ vào tòa nhà, buộc Quốc hội Bun-ga-ri phải hủy bỏ phiên họp để bỏ phiếu phê chuẩn một phó thủ tướng mới. Những người biểu tình tiếp tục hô khẩu hiệu yêu cầu Thủ tướng P. Ô-rê-sa-xki và Chính phủ từ chức. Trong khi đó, những người ủng hộ Chính phủ của ông P. Ô-rê-sa-xki tuyên bố họ cũng sẵn sàng tổ chức mít tinh hằng ngày để phản đối một “sự thay đổi chính quyền khó hiểu và không có trình tự”. Đám đông ủng hộ Chính phủ được lực lượng cảnh sát tăng cường bảo vệ, nhằm tránh đụng độ với phe biểu tình phản đối.

Kể từ ngày 16-6, Thủ đô Xô-phi-a và một số thành phố khác của Bun-ga-ri đã chìm trong các cuộc biểu tình liên tiếp sau khi Thủ tướng P. Ô-rê-sa-xki bổ nhiệm luật sư Đê-li-an Pép-xki (Delyan Peevski), 32 tuổi, một người được cho là không có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh, làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia. Số lượng người xuống đường phản đối có lúc lên đến 15 nghìn người. Thủ tướng P. Ô-rê-sa-xki ngay lập tức đã phải đưa ra những động thái xoa dịu tình hình như công khai xin lỗi và rút lại quyết định bổ nhiệm nhân sự. Tuy nhiên yêu sách đòi ông từ chức không được đáp ứng đã khiến biểu tình leo thang và báo chí đã nhắc đến khả năng khủng hoảng chính trị tại quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu (EU) này. Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện Đảng Xã hội chủ nghĩa Bun-ga-ri, Ma-i-a Ma-nô-lô-va (Maya Manolova) đã nỗ lực đối thoại trực tiếp với người biểu tình, song không thành công, buộc Chủ tịch Quốc hội Mi-kha-in Mi-cốp (Makhail Mikov) phải kêu gọi tìm kiếm một “thỏa thuận chính trị” giữa các đảng để đưa Bun-ga-ri thoát khỏi tình huống rối ren hiện nay.

Phản đối xây dựng căn cứ của lực lượng hiến binh tại Thổ Nhĩ Kỳ

Tối 29-6, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về Quảng trường Tác-xim ở thành phố I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) với các khẩu hiệu phản đối Chính phủ và cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi một người Cuốc trúng đạn của cảnh sát trong cuộc biểu tình hôm 28-6 và tử vong sau đó. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cảnh sát sẽ điều tra vụ việc này. Gần 10.000 người đã tụ tập tại Quảng trưởng Tác-xim, địa điểm được ví như “trái tim” của phong trào biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ trong một tháng qua, buộc lực lượng cảnh sát chống bạo động phải sử dụng hàng rào khiên và xe vòi rồng áp lực thấp để giải tán các đám đông, đồng thời yêu cầu những người biểu tình trở về nhà. Sau vài giờ, hầu hết số người biểu tình đã giải tán, nhưng vẫn còn khoảng 1.000 người nán lại gần Quảng trường.

 
 Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ hô vang khẩu hiệu phản đối Chính phủ


Cuộc biểu tình này ban đầu nhằm đòi công lý cho những người biểu tình được cho là đã bị cảnh sát bắn chết trước đó, nhưng đã biến thành cuộc tuần hành thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng người Cuốc. Chỉ một ngày trước đó, một người Cuốc đã thiệt mạng và 10 người bị thương khi đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, những người phản đối việc xây dựng căn cứ của lực lượng hiến binh tại huyện Lít-xê, tỉnh Đi-gia-ba-ki - khu vực đa số người Cuốc sinh sống; yêu cầu thả các tù nhân chính trị, tăng cường giáo dục cho người Cuốc, giảm tỷ lệ các đảng phải có 10% số phiếu ủng hộ mới được tham gia Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, thả thủ lĩnh người Cuốc Áp-đu-la Ô-ca-lan.

Dư luận đang lo ngại bạo lực có thể bùng phát trở lại sau khi đảng Dân chủ và Hòa bình (BDP) - ủng hộ người Cuốc - kêu gọi biểu tình trên toàn quốc. Trong khi đó, đảng Công nhân người Cuốc (PKK) ở miền Bắc I-rắc cũng yêu cầu Thủ tướng Rê-xép Tay-yíp Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) phải giữ cam kết. Diễn biến mới này đang có nguy cơ làm chệch hướng tiến trình hòa bình mới đạt được giữa cộng đồng người Cuốc và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tình hình trên, Thủ tướng T. Éc-đô-gan đã phải lên tiếng bảo đảm với những người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, rằng các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình.

Bế tắc chính trị tại Ai Cập

Tổng thống Ai Cập Mô-ha-mét Mơ-xi đã kỷ niệm một năm cầm quyền. Bầu không khí ở quốc gia Bắc Phi này đang ngột ngạt với sự chia rẽ sâu sắc và căng thẳng tột độ khi cả phe Hồi giáo và phe đối lập cùng lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước. Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30-6 năm ngoái, vị tổng thống dân sự được bầu đầu tiên trong lịch sử đất nước Kim Tự Tháp này luôn là tâm điểm chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế với hàng loạt quyết định, chính sách gây tranh cãi. “Di sản” một năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Hồi giáo này bao gồm một nền chính trị bế tắc, một bản Hiến pháp gây chia rẽ sâu sắc, các thể chế nhà nước vẫn dang dở, một nền kinh tế trên đà lao dốc, bất ổn an ninh ngày càng đáng lo ngại, một xã hội bị phân hóa hơn bao giờ hết cùng làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng.

Về mặt chính trị, sau “thời kỳ trăng mật” ngắn ngủi kéo dài 4 tháng với cuộc “đảo chính mềm” nhằm thâu tóm tất cả các quyền hành pháp và lập pháp từ tay Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) cầm quyền, tham vọng độc chiếm quyền lực cùng quan điểm không nhượng bộ đã nhanh chóng đẩy ông M. Mơ-xi và tổ chức Anh em Hồi giáo của ông vào thế đối đầu căng thẳng với giới tư pháp, phe đối lập chính trị, các lực lượng cách mạng, thậm chí cả những đồng minh Hồi giáo từng chung hàng ngũ trước đây như Đảng Xa-la-phít Nua (Salafist Nour).

Những ngày tháng sóng gió của ông M. Mơ-xi bắt đầu từ tháng 11-2012. Chỉ một ngày sau khi làm trung gian thành công cho thỏa thuận ngừng bắn giữa I-xra-en và phong trào Ha-mát của Pa-le-xtin ở Dải Ga-da, ông M. Mơ-xi bất ngờ ban hành tuyên bố hiến pháp sửa đổi nhằm thâu tóm nốt quyền tư pháp, theo đó các điều luật, sắc lệnh do ông ban hành được “miễn dịch” trước mọi phán quyết của tòa án. Ngoài ra, ông cũng tự trao cho mình quyền sa thải và bổ nhiệm tổng công tố, đồng thời ngăn chặn mọi quyết định bất lợi của các cơ quan tư pháp đối với Hội đồng lập hiến và Hội đồng Shu-ra (Thượng viện) do phe Hồi giáo kiểm soát. Đây được xem là quyết định gây tranh cãi nhất và bị phản đối nhiều nhất trong một năm điều hành đất nước của nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

 
 Ai Cập vẫn chưa tìm được “lối thoát” chính trị
Bên cạnh làn sóng đình công rộng rãi và các hành động chống đối ra mặt của giới thẩm phán, suốt 2 tuần lễ, các cuộc biểu tình đã đồng loạt nổ ra trên khắp cả nước phản đối tuyên bố hiến pháp, dự thảo hiến pháp và cuộc trưng cầu dân ý về văn bản này. Tại Thủ đô Cai-rô, hàng trăm nghìn người biểu tình vây kín Phủ Tổng thống và tràn ngập Quảng trường Ta-hơ-ria - trung tâm của làn sóng chính biến đầu năm 2011 lật đổ chính quyền của Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc. Trước sức ép mạnh mẽ từ đường phố và làn sóng chỉ trích của công chúng, ông M. Mơ-xi đã rút lại bản tuyên bố hiến pháp, song vẫn tiếp tục thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi theo kế hoạch đã định, bất chấp sự tẩy chay của phe đối lập và việc nhiều thẩm phán từ chối tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu. Tuy Hiến pháp cuối cùng cũng được thông qua với sự ủng hộ của phe Hồi giáo và tâm trạng lo lắng của cử tri về nguy cơ bất ổn kéo dài, kế hoạch tổ chức bầu cử quốc hội của ông M. Mơ-xi nhằm nhanh chóng hoàn thiện các thể chế nhà nước vẫn bị trì hoãn vô thời hạn. Sau nhiều lần sửa đổi, dự luật bầu cử tiếp tục bị các cấp tòa án hủy bỏ với lý do có nhiều điều khoản “vi hiến”.

Trên lĩnh vực an ninh, bên cạnh các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc và các cuộc đụng độ bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống và lực lượng chống Chính phủ, nguy cơ bất ổn đang ngày càng hiện rõ tại bán đảo Xi-nai với sự nổi lên của các nhóm Hồi giáo cực đoan, các mạng lưới khủng bố và các băng đảng buôn lậu vũ khí. Sau cuộc tấn công của các tay súng Hồi giáo không rõ danh tính vào một đồn biên phòng gần biên giới với Dải Ga-da của Pa-le-xtin khiến 16 binh sĩ thiệt mạng, lực lượng an ninh Ai Cập đóng quân tại khu vực này thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công, bắt cóc con tin do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành. Cuối tháng 01 vừa qua, bạo loạn đột ngột bùng phát tại 3 thành phố nằm dọc tuyến kênh đào Xuê chiến lược khiến hơn 60 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, buộc ông M. Mơ-xi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 26-6, Tổng thống M. Mơ-xi đã kêu gọi các đối thủ chính trị trong cuộc bầu cử sắp tới không tiến hành các hoạt động phản đối nhằm thay đổi Chính phủ hiện nay và yêu cầu lực lượng quân đội chỉ nên tập trung vào vai trò phòng thủ đất nước. Bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia diễn ra ít ngày trước khi lực lượng đối lập tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn ngày 30-6 chống lại Tổng thống M. Mơ-xi và đòi tiến hành bầu cử sớm. Trong khi đó, xung đột giữa những người ủng hộ Tổng thống M. Mơ-xi và những người biểu tình chống Chính phủ vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi ở Ai Cập. Các cuộc đụng độ ở thành phố Ma-xu-ra thuộc Châu thổ sông Nin đã làm ít nhất hai người chết và 237 người bị thương.

Biểu tình trực tuyến phát triển

Có thể nói “nhịp điệu” liên tục và diễn biến ngày một phức tạp của các cuộc biểu tình, đình công hay bạo loạn trên thế giới thời gian gần đây một phần là do công nghệ tạo ra. Biểu đồ đi lên theo hình chữ V của các cuộc biểu tình ở cả hai thành phố Xao Pao-lô (Bra-xin) và I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ) vì chúng được tổ chức thông qua các mạng xã hội - những trang truyền bá thông tin, khuyến khích việc bắt chước. Tất cả mọi người, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, có thể truyền tai, truyền mắt nhau những câu chuyện mà độ tin cậy không phải lúc nào cũng có thể được kiểm chứng. Khi cảnh sát đốt các trại trong công viên Gê-di ở I-xtan-bun vào ngày 31-5, ngay lập tức sự kiện này đã xuất hiện trên Twitter. Sau khi người Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ vì điều này, ngọn lửa căm phẫn vẫn còn tiếp tục được thổi bùng lên dữ dội bởi những câu chuyện thương tâm về người biểu tình này, người biểu tình kia bị chết vì đàn áp tàn bạo của cảnh sát. Mặc dù đó có thể chỉ là sự bịa đặt nhưng chúng đã trở thành cái cớ “chính đáng” để kích thích, lôi kéo thêm những người khác tham gia biểu tình.

Các cuộc biểu tình hiện nay không còn chỉ được tổ chức bởi công đoàn hay các nhà vận động hành lang khác như trước đây. Một số được khởi xướng bởi các nhóm nhỏ những người có mục đích, ví như những những người đứng lên chống lại sự tăng giá vé xe buýt và tàu điện ngầm ở Xao Pao-lô. Từ việc phản đối tăng giá vé xe, biểu tình đã trở thành dịp để người dân lên án tất cả mọi mặt chưa được của đất nước từ nạn tham nhũng tràn lan tới việc thiếu đầu tư cho các dịch vụ công cộng.

Với tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp, với những tranh chấp ngày một căng thẳng giữa các phe phái, tổ chức, các cuộc đình công, biểu tình, thậm chí bạo loạn tại một số nước trên thế giới được dự đoán là sẽ không thể khép lại trong năm 2013./.