TCCSĐT - Đó là đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc họp thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013 chiều 10-7, tại Hà Nội.

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Ngô Kim Khôi cho biết, toàn quốc có 133 trường đại học tổ chức thi đợt I và 125 trường tổ chức thi đợt 2. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt là 1.673.628. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt 77,6% (tương đương 1.298.522 thí sinh), giảm 0,7% so với năm 2012.

 

Cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 62, cảnh cáo 17, đình chỉ thi 254; đến muộn không được dự thi 6. Tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị kỷ luật là 10 người. Phát hiện 2 trường hợp thi thuê tại Hội đồng thi Đại học An Ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy, chữa cháy, hiện nay, A83 đang vào cuộc điều tra. Ông Ngô Kim Khôi cho biết, sau khi có kết quả điều tra, Bộ sẽ xử lý theo đúng quy chế. Cả người thi hộ và nhờ thi hộ sẽ bị cấm thi trong 2 năm.

 

Theo đánh giá ban đầu, đề thi đại học năm nay không có sai sót, nội dung nằm trong chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân loại thí sinh, đáp ứng được yêu cầu của kỳ tuyển chọn. Đề thi ra theo hướng mở với thang điểm đáp ứng, khuyến khích sự sáng tạo, ứng dụng thực tế. Chẳng hạn, nội dung đề thi môn Địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đề cập vấn đề biển đảo, khái quát về biển Đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần xác định cho thế hệ trẻ nhiều hiểu biết về chủ quyền biển đảo, về sử dụng, khai thác tài nguyên, cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ đất nước…

 

Công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất của Bộ, ngành cũng như tại các Hội đồng tuyển sinh đã thực hiện nghiêm túc hiệu quả. Đặc biệt, quy định cho mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi đã tiếp tục phát huy vai trò giám sát giám thị cũng như thí sinh trong phòng thi một cách hiệu quả.

 

Đánh giá chung về công tác tổ chức kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhận định, kỳ thi tuyển sinh năm nay đã được tổ chức chu đáo, cán bộ và thí sinh chấp hành nghiêm túc quy chế thi, giữa các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp đồng bộ để hỗ trợ thí sinh cũng như người nhà ở mức cao nhất.

 

Ngay sau khi kết thúc đợt thi thứ I, nhiều trường đã bắt đầu công tác chấm thi. Theo ông Ngô Kim Khôi, một nét mới trong công tác chấm thi đại học năm nay đó là sẽ có Ban chấm kiểm tra 5% mỗi môn tổng số bài thi của môn đó tại các trường. Trưởng ban chấm thi là 1 hiệu phó, mỗi bộ môn có 3 giáo viên. Ban chấm kiểm tra sẽ chấm đuổi, chấm song song với Ban chấm thi của trường, cứ 1.000 bài Ban chấm thi chấm xong thì Ban chấm kiểm tra sẽ chấm 50 bài bất kỳ trong số đó.

 

Sở dĩ Bộ đưa ra quy định này là nhằm bảo đảm công bằng cho thí sinh. Những năm trước, vẫn có đôi lúc, đôi chỗ công tác chấm thi chưa công bằng, ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Do vậy năm nay Bộ yêu cầu mỗi trường thành lập tổ chấm thanh tra bài thi gồm 3 người. Tổ chấm thanh tra sẽ chấm 5% bài thi tự luận của tổ chấm thi của trường - ông Ngô Kim Khôi lý giải.

 

Kết quả của Ban chấm kiểm tra được coi là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng chấm của Ban chấm thi, qua đó, Hội đồng tuyển sinh sẽ điều chỉnh chất lượng chấm thi của Ban chấm thi. Nếu phát hiện trường hợp nào chấm thi không nghiêm túc, hoặc có vấn đề, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ phải họp lại và điều chỉnh thành phần của Ban chấm thi.

 

Đây là năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận thành lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý nhanh tất cả vấn đề có liên quan đến kỳ thi. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, vướng mắc trong kỳ thi là vấn đề nhiều trường đại học không tổ chức thi mà gửi thí sinh thi nhờ, trong số đó có những trường đông thí sinh đăng ký nhưng không tổ chức đã gây khó khăn, thiệt hại kinh tế cho trường bạn. Vấn đề này sẽ được giải đáp, trao đổi trong hội nghị tuyển sinh sắp tới, nhằm không gây thiệt hại cho các trường tổ chức thi hộ.

 

Theo ông Ngô Kim Khôi, đây cũng là năm các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội làm tốt nhất trách nhiệm của mình khi hỗ trợ hàng chục ngàn chỗ trọ, suất ăn, vé xe buýt miễn phí hoặc giá rẻ, nhất là thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa… thể hiện nghĩa cử tốt đẹp và mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.

 

Chương trình Tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại các tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều trường đại học. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các trường đã huy động trên 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông; hướng dẫn thí sinh đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho thí sinh, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi. Bên cạnh đó, hoạt động tiếp sức mùa thi còn có sự tham gia và đóng góp không nhỏ từ các hội Phật tử và các tổ chức xã hội, như hỗ trợ lưu trú và sinh hoạt miễn phí tại các nhà chùa và gia đình Phật tử (thành phố Đà Nẵng).

 

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, theo lộ trình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thì từ nay đến năm 2015 vẫn duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo phương thức 3 chung. Nếu thay đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh - điều này Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ trương. Tuy vậy, từ nay đến thời gian đó, trường nào có đủ điều kiện thì trình Bộ xem xét. Các trường sẽ trình đề án tổ chức tuyển sinh riêng, nếu đề án phù hợp Bộ sẽ phê duyệt. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học hệ chính quy khoảng 605.000 chỉ tiêu (tương ứng như năm ngoái) trên tổng số 1,3 triệu thí sinh tham gia thi. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tính toán điểm sàn sao cho các thí sinh có được nhiều cơ hội đỗ vào trường nhất - Thứ trưởng thông tin thêm.

 

Với những lo lắng của thí sinh về việc Bộ ra đề thi mở, liệu cách chấm có "mở", ông Ngô Kim Khôi khẳng định: Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do Trưởng môn chấm thi trình Trưởng Ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.

 

Chậm nhất đến ngày 31-7 các trường sẽ hoàn thành công tác chấm thi, công bố rộng rãi điểm thi trên các trang web của trường, trên các phương tiện thông tin báo chí. Sau đó, Hội đồng xác định điểm sàn sẽ họp để xây dựng phương án điểm sàn cho các trường và công bố vào ngày 8 hoặc 10-8./.