Công điện khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương về triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2
TCCSĐT - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, hồi 10h30’ ngày 22-6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn tiếp tục có Công điện khẩn số 11/CĐ-TW (số 3 về cơn bão số 2).
Công điện khẩn số 11/CĐ-TW (số 3 về cơn bão số 2) điện Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các tỉnh, thành phố vùng miền núi, trung du và đồng bằng: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, TP. Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình và các bộ, ngành: Quốc phòng, Ngoại Giao, Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Giáo dục - Đào tạo, Y tế.
Nội dung Công điện như sau:
Hồi 7h ngày 22-6, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc, 111,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 510km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương sáng ngày 22-6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn yêu cầu:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản và các chủ tàu triển khai ngay việc hướng dẫn di chuyển để không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú bão an toàn, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ; kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền ra khơi và tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão. Vùng nguy hiểm được xác định là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 17.
Chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm (vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét); chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ. Căn cứ diễn biến của bão và tình hình cụ thể ở địa phương để quyết định: cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, từ các nhà yếu sang nhà kiên cố, trên tàu thuyền, trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ vào; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân, khu vực thường bị ngập sâu, các bến đò, ngầm.
Các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng cần chủ động kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công), hầm mỏ, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người và tài sản; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, bị chia cắt.
Về phía các bộ, ngành Trung ương:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, tiêu nước chống ngập úng.
Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án bảo đảm vận hành an toàn các hồ thủy điện, hệ thống truyền tải điện, bảo đảm đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, nguồn điện phục vụ bơm tiêu chống úng ngập.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo nắm chắc số lượng tàu vận tải đang hoạt động trên biển, trên sông, hướng dẫn để thoát ra và không đi vào vùng biển nguy hiểm, tìm nơi tránh, trú bão, tổ chức neo đậu an toàn đặc biệt đối với các tàu vận tải lớn. Có phương án bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố giao thông khi mưa, lũ.
Các Bộ: Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán dân khi có yêu cầu; cùng địa phương triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống bão, mưa lũ.
Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương có phương án bảo đảm an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ, dự báo và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo và đưa tin kịp thời những diễn biến của bão, mưa lũ để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Bộ Ngoại giao chủ động làm việc với các nước trong khu vực để có biện pháp hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền tránh trú bão khi cần thiết.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến của bão, mưa lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn.
Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 22-6, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.041 phương tiện với 161.734 lao động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh. Trong đó hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa có 68 phương tiện với 814 lao động; hoạt động, neo đậu ở khu vực vịnh Bắc Bộ có 17.790 phương tiện với 61.279 lao động; hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại các bến là 28.183 phương tiện với 99.641 lao động./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba  (22/06/2013)
Khai mạc Hội nghị “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn” dành cho các địa phương Duyên hải miền Trung  (22/06/2013)
Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005  (22/06/2013)
Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005  (22/06/2013)
Quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc  (22/06/2013)
Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn lần thứ ba khóa X  (22/06/2013)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên