Thời cuộc tạo xu thế

Quách Quỳnh
09:41, ngày 21-05-2013
TCCSĐT - Trong lịch sử hình thành và phát triển đến nay, EU đã đạt được nhiều thành quả với ý nghĩa và tác động làm thay đổi diện mạo và có tác động mạnh mẽ tới tương lai của châu lục. EU đã phải vượt qua nhiều trở ngại và luôn phải đối phó với trào lưu hoài nghi về tiềm năng, bi quan về tương lai nó. Nhưng chưa khi nào EU vấp phải sự phê phán và phản đối đến mức độ đáng kể như hiện tại.
Sự phê phán và phản đối này đã phát triển và lây lan thành một xu thế và từng bước được thể chế hóa trong diện mạo của những phong trào, tập hợp lực lượng và đảng phái chính trị. Họ không chỉ khuấy động mà còn làm khuynh đảo chính trường ở một số thành viên EU, thách thức ngày càng mạnh vị thế quyền lực của các đảng phái chính trị lớn ở đó.

Mới đây nhất, Đảng Độc lập Liên hiệp Vương quốc Anh (UKIP) với quan điểm đưa nước Anh ra khỏi EU đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử nghị viện bổ sung và chính quyền địa phương ở Anh, vượt xa liên minh cầm quyền của Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron). Trước đó, ở nước Đức đã thành lập Đảng "Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức" với quan điểm từ bỏ đồng tiền chung ơ-rô để về lại với đồng mác của Đức (Deutsche Mark - DM). Trong cuộc bầu cử Quốc hội mới rồi ở I-ta-li-a, phong trào "Năm ngôi sao" của cựu danh hề Bép-pê Gri-lô (Beppe Grillo) chỉ 2 tháng sau khi thành lập đã trở thành tập hợp chính trị lớn thứ ba trong Quốc hội nước này. Lùi xa hơn nữa vào quá khứ có Đảng SYRIZA ở Hy Lạp, Đảng "Người Phần Lan thực thụ" ở Phần Lan, Đảng cực hữu của chính trị gia Gi-ét Uyn-dơ (Geerts Wilders) ở Hà Lan (chuyển từ chống Đạo Hồi sang phản đối cả đồng ơ-rô). Ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, phong trào phản đối không nhằm trực diện vào EU mà chủ yếu vào chính sách áp đặt tiết kiệm chi tiêu của EU đối với những thành viên bị khủng hoảng tài chính và nợ công phải dựa cậy vào gói cứu trợ tài chính của EU.

Tất cả những đảng phái, phong trào hay tập hợp lực lượng chính trị này đều gặp nhau ở quan điểm cho rằng, EU không còn là "giải pháp cho những vấn đề" của họ như từ trước tới nay mà hiện đã trở thành "vấn đề mà họ cần phải giải quyết". Tâm trạng đó bộc lộ ở sự sa sút lòng tin vào EU. Kết quả thăm dò dư luận mới đây trong EU cho thấy, ở tất cả các thành viên EU, dù bị hay không bị khủng hoảng, thì lòng tin vào EU đều bị giảm sút. Theo kết quả thăm dò này, năm 2012 so với năm 2009, tại Tây Ban Nha mức độ tin tưởng vào EU đã giảm từ 56% xuống chỉ còn có 20%; ở Italy giảm từ 52% xuống còn 31%, ở Đức từ 44% xuống còn 30%, ở Pháp từ 42% xuống còn 34%. Cũng trong thời gian ấy, tỷ lệ dân chúng không còn tin tưởng vào EU tăng ở nước Đức từ 43% lên 59%, ở Tây Ban Nha từ 35% lên 72%, ở Pháp từ 48% lên 56%, ở I-ta-li-a từ 32% lên 53%, ở Ba Lan từ 29% lên 43% và ở Anh từ 62% lên 69%.

Xu thế trên không chỉ đã định hình mà còn ngày càng được củng cố. Những khó khăn về nhiều phương diện của EU do tác động của khủng hoảng tài chính và nợ công ở nhiều nước thành viên đã là cú hích quyết định tạo nên xu thế ấy. Trước đây, sự bất bình trong EU đối với EU chỉ thuần túy là do thiếu dân chủ thực sự. Người dân bầu ra chính phủ ở các quốc gia trong khi nhiều quyết định quan trọng lại do EU thực hiện. Trước đây có sự phân chia bất thành văn là những quyết định của EU không được ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế quyền lực của các chính phủ các nước thành viên. Bây giờ, chính nội bộ EU cũng đã bị phân hóa thành nhiều nhóm cụm, đặc biệt thành "trung tâm" và "ngoại vi" cũng như thành "miền Bắc" và "miền Nam". Nơi bị khủng hoảng cần sự giúp đỡ của chỗ không bị khủng hoảng. Nhưng chỗ không bị khủng hoảng lại cảm nhận họ sắp trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng này khi phải bỏ tiền của của mình ra giúp những nước “đang gặp nạn”.

Đẳng cấp thành viên trong EU được phân định, tình đoàn kết và gắn kết nội bộ bị bào mòn. Công cuộc cứu trợ mà EU vận hành từ nhiều năm nay mới chỉ đưa lại kết quả ban đầu chứ chưa thực sự xoay chuyển được tình thế. Những đối sách của EU chưa đủ khả năng trang trải cho mọi sai lầm trong chính sách của chính phủ các nước thành viên nên điều kiện phải áp đặt, tối hậu thư, phải sử dụng và phân biệt đối xử khó có thể tránh khỏi trong thực tiễn hoạt động của khối. Chừng nào EU chưa thay đổi cơ bản cung cách quan hệ của liên minh với các thành viên và công chúng trong thời khủng hoảng thì chừng đó EU chưa thể kiềm chế hay đảo ngược được xu thế này./.