Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII
15 năm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong các cấp hội
Với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã triển khai trong các cấp hội những hoạt động cụ thể tạo nên chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa.
Thứ nhất, xác định “tư tưởng, đạo đức lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa”, các cấp hội xem công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, hội viên là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong 15 năm qua, các cấp hội đã đạt được những thành tựu tương đối rõ nét trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng cho các tầng lớp phụ nữ rèn luyện, trưởng thành.
Đứng trước thực trạng đạo đức của một bộ phận phụ nữ hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để định hướng tiêu chí rèn luyện cho phụ nữ. Năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 343 về Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (giai đoạn 2010 - 2015) và đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông triển khai thực hiện Đề án 343 ở 63 tỉnh, thành phố. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang, rèn luyện bốn phẩm chất đạo đức cốt lõi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang và đã đạt được những kết quả bước đầu, đóng vai trò định hướng kịp thời cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã phát động được nhiều phong trào thi đua với nội dung thiết thực, gắn với việc tuyên truyền các nghị quyết lớn của Đảng, của Hội, từ đó đã tạo nên đời sống tinh thần phong phú, môi trường rèn luyện đa dạng, phù hợp với hầu hết phụ nữ. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã được các cấp hội tập trung chỉ đạo triển khai sâu rộng đến 100% cơ sở, được cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng thực hiện. Hằng năm có trên 80% gia đình cán bộ, hội viên đạt “Gia đình hạnh phúc”. Các phong trào thi đua được gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 6 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”(1), phong trào “Xây dựng nông thôn mới”,…
Tại các địa phương, việc tuyên truyền, giữ gìn phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được các cấp hội phụ nữ gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phê phán những biểu hiện lạc hậu, tiêu cực, lãng phí, hiếu danh, vụ lợi trong việc cưới xin, ma chay, tế lễ không phù hợp. Tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”.
Trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được phát động rộng rãi trong các cấp hội là một trong những giải pháp lớn để gìn giữ, thiết lập những giá trị tốt đẹp, nhân văn mới của gia đình Việt. Hội chủ động xây dựng và ban hành hướng dẫn các cấp hội triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng chương trình hành động phòng, chống bạo lực gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới vào trong các phong trào lớn như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… đạt được kết quả đáng kể trong hạn chế số vụ bạo lực gia đình; ký kết Nghị quyết liên tịch 01 với Bộ Công an về việc: quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Đây là cơ sở để hội phụ nữ tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người thân trong gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội.
Thứ hai, hoạt động của các cấp hội phụ nữ trong 15 năm qua đã tạo nên những sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những sản phẩm truyền thông của các cấp hội tổ chức, triển khai là những hoạt động văn hóa sinh động, giàu màu sắc, điển hình là mô hình các câu lạc bộ giữ gìn văn hóa truyền thống, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ “Người phụ nữ mới”, “4 chuẩn mực”, “tứ đức mới”. Các hoạt động văn hóa có quy mô lớn góp phần định hướng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho phụ nữ, như: “Lễ hội văn hóa hòa bình - hữu nghị vì sự tiến bộ của phụ nữ ”, “Ngày hội văn hóa phụ nữ”; Ngày hội “Gia đình điểm 10”, “Ngày hội phụ nữ khỏe và đẹp”, “Ngày hội của em”, Liên hoan hát ru, dân ca, Liên hoan Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa ứng xử, Liên hoan Câu lạc bộ “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”; Hội chợ “Những sản phẩm dành cho phụ nữ”, “Quà tặng tháng 10”; các cuộc thi “Nữ sinh với áo dài truyền thống”, “Nữ doanh nghiệp Thủ đô Tài năng - Thanh lịch”, “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi”, các hội thi cắm hoa nghệ thuật, nấu ăn nhân ngày Gia đình Việt Nam,…
Từ năm 2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức và duy trì việc tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo” (2 năm/1 lần) trên khắp các tỉnh, thành phố để tôn vinh những sáng tạo, đóng góp trên mọi lĩnh vực của các tầng lớp phụ nữ. Hoạt động này không chỉ có ý nghĩa về mặt thời sự mà còn mang ý nghĩa văn hóa lâu dài, thúc đẩy, lưu giữ những sáng tạo văn hóa của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bản thân những sản phẩm truyền thông được các cấp hội sáng tạo trong thời gian vừa qua cũng chính là những sản phẩm văn hóa mang dấu ấn, màu sắc riêng góp phần vào việc phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của đất nước.
Thứ ba, chú trọng việc phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc. Người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn nền văn hóa dân tộc. Chỉ khi người phụ nữ ý thức rõ ràng về việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thì văn hóa mới có thể được bảo tồn và phát huy hiệu quả.
Ý thức được điều đó, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã tham gia tuyên truyền, giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; chú trọng việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ nhằm giáo dục sâu rộng những đạo lý tốt đẹp của dân tộc và đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Để phục hồi, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống, hội liên hiệp phụ nữ một số tỉnh, thành phố như Lâm Đồng, Kon Tum, Đắc Lắc, Sơn La, Hòa Bình,… đã tranh thủ các nguồn lực để đào tạo nghề truyền thống; phối hợp với các doanh nghiệp, ban, ngành để giải quyết việc làm và tìm đầu ra sản phẩm cho chị em, vận động hội viên phụ nữ duy trì ngành, nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, nón lá, làm bánh truyền thống, thành lập các câu lạc bộ để duy trì các sinh hoạt văn hóa truyền thống, tích cực xây dựng các công trình du lịch sinh thái, làng văn hóa,…
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với hoạt động sưu tầm, lưu giữ gần 28.000 tài liệu, hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa, khai trương hệ thống trưng bày thường xuyên với hình ảnh về giới, hiện đại và độc đáo,… Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất Hà Nội trong năm 2012 (do trang web tripadvisor bình chọn).
Tuy nhiên, những thành tựu về văn hóa mà các cấp hội làm được trong thời gian qua vẫn còn rất hạn chế. Điển hình là: việc tuyên truyền về văn hóa trong các cấp hội mới dừng lại ở bề rộng chứ chưa tập trung vào chiều sâu. Điều này khiến cho các sáng tạo văn hóa do các cấp hội phát động còn ít nhiều mang tính hình thức, chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, đối tượng tiếp nhận các thông tin tuyên truyền của tổ chức Hội hiện mới chỉ tập trung chủ yếu trong cán bộ, hội viên phụ nữ; chưa tác động nhiều đến những đối tượng phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận thông tin nên chưa thực sự tạo được những chuyển biến sâu rộng về phát triển văn hóa trong các tầng lớp phụ nữ. Đối với nhiệm vụ xây dựng con người trong giai đoạn cách mạng mới, dù đã có nhiều chương trình, đề án, phong trào thi đua và ban hành các tiêu chí để cụ thể hóa việc giáo dục người phụ nữ mới thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Tình trạng suy thoái đạo đức, lệch chuẩn trong một số đối tượng phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ đang là vấn đề đáng lo ngại. Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc có xu hướng bị bào mòn trong một bộ phận phụ nữ do công tác giáo dục truyền thống vẫn đi theo lối mòn…
Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ được lồng ghép thực hiện tích cực nhất trong 15 năm qua tại các cấp hội. Tuy nhiên, tại một số địa phương, phong trào này vẫn còn mang tính hình thức và chú trọng quá nhiều đến thành tích, số lượng mà chưa chú trọng đến chất lượng thực sự của danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hạnh phúc”. Các cấp hội tuy đã chú trọng đến các sản phẩm tuyên truyền nhưng chưa quan tâm đến việc định hướng sáng tác, định hướng truyền thông về người phụ nữ cho giới văn nghệ sĩ và các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm truyền thông, văn học nghệ thuật thiếu nhạy cảm giới ra đời, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyên truyền bình đẳng giới.
Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa trong các cấp hội thời gian tới
Để hoạt động văn hóa đi vào chiều sâu, trong thời gian tới, việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII tiếp tục được duy trì trong các cấp hội. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, định hướng về việc tuyên truyền ý thức bảo tồn và phát triển văn hóa trong các tầng lớp phụ nữ một cách chủ động và hiệu quả hơn. Việc làm này rất cần thiết vì phụ nữ không chỉ là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người mà còn là những người đóng vai trò tối quan trọng trong việc duy trì văn hóa gia đình, dòng họ Việt. Chỉ một khi phụ nữ thực sự ý thức mình chính là những người sẽ trao, truyền, giữ gìn văn hóa dân tộc, thì họ mới có thể góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ nền tảng tinh thần của đất nước.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần theo dõi sát sao và phối hợp tác động với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát nhằm ngăn chặn có hiệu quả một bộ phận báo chí, văn học, nghệ thuật chạy theo xu hướng “thương mại hóa” làm ảnh hưởng đến nền văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Các cơ quan quản lý về văn hóa, đặc biệt là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần quan tâm hơn nữa đến vị trí của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Đó là chìa khóa để thiết lập những giá trị văn hóa đúng đắn trong các tầng lớp phụ nữ thời hiện đại.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó có nghĩa là những giá trị văn hóa không chỉ là sản phẩm của quá trình sinh tồn, phát triển của đất nước mà chính văn hóa cũng đóng vai trò tác động, định hướng cho sự phát triển của một đất nước, một dân tộc. Là tổ chức đại diện cho hơn một nửa lực lượng lao động - lực lượng sáng tạo ra văn hóa của dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang từng bước đưa hoạt động của các cấp hội đi vào chiều sâu. Đây là việc làm cần thiết để phụ nữ Việt Nam ý thức sâu sắc và ngày càng đóng vai trò chủ động trong việc sáng tạo văn hóa, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
------------------------------------
(1) Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI phát động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” là một trong 2 cuộc vận động lớn trong nhiệm kỳ với các nội dung: “không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  (08/05/2013)
Thủ tướng sẽ đi thăm chính thức Liên bang Nga và Belarus  (08/05/2013)
Phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam  (08/05/2013)
Nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri gửi tới Quốc hội  (08/05/2013)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay