Để thanh niên công nhân gắn bó với doanh nghiệp
Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, văn minh là một trong những nhiệm vụ vừa hết sức cần thiết, vừa vô cùng khó khăn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Làm sao để người lao động cảm thông với chủ doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp chia sẻ với người lao động? Làm sao để công nhân gắn bó với doanh nghiệp và doanh nghiệp thực sự coi trọng công nhân?
Vấn đề này đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm và có không ít các biện pháp tích cực đã được đưa ra thực hiện. Bài viết này muốn đề cập tới tâm tư nguyện vọng của nhóm đối tượng công nhân đang ở tuổi thanh niên. Với một số đặc thù của tâm sinh lý giới trẻ, thanh niên công nhân có yên tâm với công việc hiện tại của mình không? Những băn khoăn, lo lắng của họ có gì khác so với nhóm đối tượng công nhân ở lứa tuổi cao hơn? Họ có mối quan hệ thế nào với chủ doanh nghiệp? Khi gặp khó khăn, họ mong muốn được giúp đỡ như thế nào?…
Trong khuôn khổ cuộc điều tra xã hội học về đời sống, lao động, việc làm và nhu cầu của thanh niên công nhân trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (do Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện, tại Hà Nội, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, tháng 3-2012 với 600 thanh niên công nhân làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh), vấn đề tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của thanh niên về sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp đã được nêu ra.
Những yếu tố tạo nên sự gắn kết
Gần một nửa số thanh niên công nhân tham gia khảo sát cảm thấy “hoàn toàn yên tâm và muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”. Còn lại, hơn một nửa thì lại có tâm trạng “không yên tâm, muốn chuyển chỗ làm khác” hoặc “đang băn khoăn” về công việc và nơi làm việc hiện tại. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chưa yên tâm này, trong đó đứng vị trí số một là “do mức thu nhập chưa đảm bảo được cuộc sống”. Tiếp theo là một số nguyên nhân khác như: môi trường làm việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; công việc quá vất vả, áp lực cao; thời gian bị quản lý quá chặt chẽ; một số chính sách, chế độ chưa hợp lý; người công nhân không có điều kiện phát triển khả năng của bản thân…
Như vậy, đối với thanh niên công nhân thì những yếu tố chính quyết định sự gắn bó hay chưa gắn bó của họ với doanh nghiệp - thu nhập, áp lực giờ giấc làm việc, chế độ, chính sách - cũng tương đồng với đông đảo công nhân nói chung. “Cơm áo gạo tiền” bao giờ cũng là mối quan tâm lớn nhất của người lao động. Tuy nhiên, là những người trẻ với đặc thù luôn mong muốn khẳng định mình trong công việc và trong cuộc sống, thanh niên công nhân đã chú ý tới yếu tố “điều kiện phát triển khả năng của bản thân”. Bên cạnh quyền lợi vật chất thì việc những người công nhân trẻ có được doanh nghiệp tin tưởng và tạo điều kiện để khẳng định và phát triển khả năng hay không cũng góp phần tạo nên sự gắn bó của họ với doanh nghiệp.
Một kết quả đáng chú ý là: mặc dù hơn một nửa số thanh niên công nhân được hỏi còn chưa yên tâm, còn đang băn khoăn về nơi làm việc hiện tại, nhưng họ lại sẵn sàng ở lại doanh nghiệp, tiếp tục làm việc nếu như doanh nghiệp gặp khó khăn. Họ hy vọng doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn và họ sẽ tìm cách làm thêm việc khác để có thêm thu nhập. Phải chăng đây cách suy nghĩ tích cực, lạc quan - rất đặc trưng của tuổi trẻ?
Có thể nhận thấy đặc điểm này rõ hơn khi xem xét suy nghĩ của thanh niên công nhân đối với tình huống doanh nghiệp có thể sẽ cắt giảm lao động vì tình hình khó khăn. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ số công nhân được hỏi ý kiến cho rằng mình sẽ thuộc nhóm bị cắt giảm, còn đại đa số đều tin rằng mình thuộc nhóm có năng lực, có khả năng, chắc doanh nghiệp sẽ giữ lại hoặc sẽ rất cân nhắc khi quyết định cắt giảm. Cũng không ít công nhân cho rằng: vì mình có khả năng nên giả sử có bị cắt giảm thì cũng chỉ là tạm thời, doanh nghiệp sẽ gọi trở lại làm việc. Như vậy, có thể thấy là thanh niên công nhân luôn tin tưởng vào khả năng của mình và họ luôn tin rằng vai trò ấy được doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá đúng. Một khi họ cảm thấy vai trò, vị trí, khả năng của mình được coi trọng thì họ sẵn sàng gắn bó cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn.
Trong mối quan hệ giữa bản thân với chủ doanh nghiệp và người quản lý, đại đa số thanh niên công nhân cũng có suy nghĩ rất tích cực. Họ đánh giá mối quan hệ này khá tốt, không có gì bất đồng đến mức khiến họ phải lo lắng, băn khoăn. Chỉ một phần rất nhỏ cảm thấy muốn chuyển đi chỗ khác làm việc vì mối quan hệ của mình với chủ doanh nghiệp và với người quản lý là chưa ổn.
Mối quan hệ đồng nghiệp trong doanh nghiệp cũng được thanh niên công nhân nhìn nhận rất tích cực. Tính tập thể, tinh thần hòa đồng trong thanh niên công nhân rất cao. Chỉ khoảng 10% số công nhân được hỏi nói rằng mình có quan hệ chưa tốt với các đồng nghiệp.
Thanh niên công nhân cũng có xu hướng rất tích cực trong việc lựa chọn cách giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong lĩnh vực chế độ, chính sách. Nếu doanh nghiệp chưa thực hiện đúng chế độ nào đó (tiền lương, bảo hiểm …) thì hầu hết thanh niên công nhân chọn giải pháp “thông qua tổ chức đoàn thể” và “thông qua người quản lý trực tiếp” để bảo vệ quyền lợi của mình. Kết quả khảo sát này khẳng định tính tổ chức, phù hợp với phương thức sản xuất công nghiệp của thanh niên công nhân. Một số ít hơn chọn giải pháp “tập hợp những người cùng hoàn cảnh” để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi. Chỉ rất ít thanh niên công nhân lựa chọn xu hướng thiếu tích cực là “bức xúc nhưng không làm gì” và “tự mình giải quyết”. Như vậy, có thể thấy rằng thanh niên công nhân rất tin tưởng vào vai trò của các tổ chức đoàn thể cũng như của người quản lý trực tiếp. Cách mà thanh niên có xu hướng lựa chọn để giải quyết bất đồng là cách rất hợp lý, văn minh, phù hợp với những yêu cầu của xã hội dân chủ, pháp quyền.
Một vài kiến nghị
Hiện nay, thanh niên công nhân đang là lực lượng lao động đông đảo và sung sức trong các doanh nghiệp. Cũng như tất cả mọi người lao động, họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu nhập. Mức thu nhập là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự gắn bó của họ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, là những người trẻ, với những đặc điểm rất tích cực của lứa tuổi, thanh niên công nhân luôn mong muốn được khẳng định mình, mong muốn được tin tưởng, mong muốn được giúp đỡ…
Bên cạnh thu nhập thì những yếu tố về mặt tinh thần cũng góp phần hết sức quan trọng để tạo nên sự gắn kết giữa thanh niên công nhân với doanh nghiệp. Nếu hiểu được thanh niên, nắm bắt được những đặc điểm lứa tuổi của họ, biết cách tạo điều kiện để họ khẳng định bản thân thì chủ doanh nghiệp sẽ dễ dàng phát huy tối đa khả năng và tiềm lực của lực lượng lao động đông đảo và sung sức này. Nếu Nhà nước chú trọng tới việc thành lập các tổ chức đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên, hội thanh niên…) và chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho những tổ chức này hoạt động đều tay, đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân thông qua những hình thức phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của tuổi trẻ, thì nhiều vấn đề bất đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ được giải quyết hợp lý, hợp tình, tạo nên bầu không khí văn minh, tích cực trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc.
Các tổ chức của thanh niên công nhân, nhất là tổ chức công đoàn cần triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động tư vấn pháp luật cho công nhân, tổ chức các điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Thường xuyên phối hợp cùng các cấp chính quyền tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, nhất là việc ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể; giao kết hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động về tiền lương, tiền thưởng... nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư của người lao động, hạn chế những mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cũng chính nhờ các tổ chức đoàn thể này mà doanh nghiệp sẽ hiểu hơn về lực lượng lao động trẻ của mình, từ đó sẽ tìm được những biện pháp để giúp họ khẳng định năng lực, phát huy sức trẻ, phấn đấu vươn lên. Đó chính là nền tảng bền vững của sự gắn bó giữa doanh nghiệp và lực lượng thanh niên công nhân.
Kết quả khảo sát đã khẳng định về tính tổ chức, tính tập thể, tinh thần đoàn kết cao của công nhân nói chung, thanh niên công nhân nói riêng. Cần tạo môi trường thuận lợi để củng cố, phát huy những tố chất này. Xây dựng nhà ở cho công nhân, tạo ra những khu ký túc cho công nhân là một giải pháp. Chủ trương này đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đặt ra. Nhiều địa phương đã ban hành những quy định khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này. Vấn đề tiếp theo là sự vào cuộc thực sự của các doanh nghiệp. Theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 20 doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, giải quyết chỗ ở cho hàng chục ngàn lao động. Toàn tỉnh cũng đã có 72 dự án nhà ở cho công nhân được phê duyệt với diện tích 650 ha; trong đó có 18 dự án đã đưa vào sử dụng , góp phần bố trí chỗ ở cho khoảng 20 ngàn người. Theo ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai tại những doanh nghiệp công nhân được chủ sử dụng lao động quan tâm (xây nhà ở), tình trạng tranh chấp lao động, công nhân “nhảy” việc hầu như không xảy ra.
Thực tế cho thấy, từ việc làm của mình, doanh nghiệp không chỉ góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của công nhân mà còn giữ ổn định nguồn lao động, để công nhân thêm gắn bó, cống hiến hết mình doanh nghiệp. Có chỗ ở ổn định, công nhân sẽ yên tâm làm việc, doanh nghiệp sẽ phát triển vững mạnh./.
Tướng Phạm Kiệt, người duy nhất đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh tại Điện Biên Phủ  (07/05/2013)
“Loạn”…họp  (07/05/2013)
Việt Nam chưa có đến 100 Giáo sư Toán học  (06/05/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên