Thực hiện chính sách tín dụng cho hộ nghèo ở Lào Cai: thành công và thách thức
Hiệu quả từ chính sách tín dụng
Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Lào Cai được thành lập và đi vào hoạt động. Đó cũng là thời điểm Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước hai chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai 12 chương trình, dự án tín dụng chính sách ưu đãi, với tổng doanh số cho vay là 3.172 tỷ đồng với trên 232 nghìn lượt khách hàng vay vốn, bình quân đạt 317 tỷ đồng/năm.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Tính đến hết năm 2012, đơn vị đã triển khai chương trình cho vay hộ nghèo với tổng doanh số cho vay trong 10 năm đạt 1.594 tỷ đồng, qua đó giúp cho hơn 97.700 hộ cải thiện về đời sống. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tác động tích cực thúc đẩy việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với các chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp cho người dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng được 6.582 căn nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; đã xây dựng được hơn 26.700 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; đồng thời trong những năm qua đã góp phần giúp cho 50.570 hộ đã thoát nghèo. Chẳng hạn, thực hiện tiêu chí hộ nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lào Cai giảm từ 42,99% năm 2011, xuống còn 27,69% vào cuối năm 2012.
Như hàng ngàn gia đình khác được vay vốn phát triển kinh tế từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, gia đình ông Trần Văn Tích (thôn Tân Thành, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát) là gia đình có điều kiện kinh tế rất khó khăn. Thông qua tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền về chính sách của Đảng, Nhà nước cho hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, năm 2003, ông Tích vay của Ngân hàng CSXH huyện Bát Xát 3 triệu đồng. Tuy với số vốn ban đầu còn ít, song bằng sự cần cù lao động, sự cố gắng vượt khó vươn lên, đồng thời với sự giúp đỡ của cơ quan khuyến nông, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi từ 10 con lợn giống, dần dần, gia đình ông đã khắc phục được khó khăn vừa phát triển kinh tế, nuôi 2 con ăn học, vừa trả gốc và lãi đúng quy định. Năm 2008, gia đình tiếp tục được vay 15 triệu đồng đề nhân rộng mô hình chăn nuôi. Năm 2009, gia đình ông tiếp tục được chương trình cho vay học sinh sinh viên cho vay để có thêm nguồn lực cho 01 cháu theo học đại học. Đến nay, gia đình ông đã thoát khỏi diện hộ nghèo, kinh tế gia đình được nâng lên, trở thành hộ khá về phát triển kinh tế.
Cho vay giải quyết việc làm cũng là một chương trình hết sức hữu ích của Ngân hàng CSXH. Với mức lãi suất ưu đãi, nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách thực hiện nhu cầu về việc làm thông qua các dự án về sản xuất vừa và nhỏ; các tổ hợp sản xuất - kinh doanh. Chương trình đã thu hút và tạo việc làm mới cho 131.630 lao động, trong đó đi lao động tại nước ngoài 583 người. Ngoài ra, nguồn vốn của chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên vay trong thời gian qua cũng đã kịp thời tiếp sức cho các gia đình, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên tự tin đến trường học tập vì ngày mai lập nghiệp. Đến nay đã có 17.545 học sinh, sinh viên được vay vốn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc với doanh số cho vay đạt 244 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo; doanh số cho vay chương trình đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đạt 16,7 tỷ đồng, với 3.359 lượt hộ được vay vốn.
Bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng kiêm Trưởng ban đại diện Ngân hàng CSXH huyện Bảo Thắng cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện nguyên tắc giải ngân vốn vay và thu nợ trực tiếp, không thông qua cấp trung gian. Đây là cách làm khoa học, bởi thông qua Ban đại diện các cấp đã điều hành linh hoạt, công khai, dân chủ từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm đến việc phân bổ nguồn vốn vay giao cho UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tới thôn, bản, tổ dân phố. Dựa trên nguyên tắc này, đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch cố định tại 159/164 xã, phường toàn tỉnh; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể (568 hội, đoàn thể cấp xã) cùng với chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa hoạt động tại điểm giao dịch đi vào nền nếp. Đến hết năm 2012, tổng dư nợ các hội, đoàn thể đang quản lý đạt 1.734 tỷ đồng. Với cách quản lý như trên đã giúp cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời, giảm thiểu tối đa chi phí và thể hiện xã hội hóa trong quản lý vốn tín dụng chính sách của Nhà nước.
Vẫn còn những rào cản
Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vẫn còn một số khó khăn, đòi hỏi cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là, công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi tại một số vùng sâu, vùng xa, khu vực dân trí thấp chưa được thường xuyên, phương pháp chưa phù hợp nên người dân nơi đây chưa hiểu hết chính sách cho vay dẫn đến việc một số hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư, sản xuất; hoặc còn hiểu đây là khoản hỗ trợ cho không của Nhà nước nên có tâm lý chây ỳ, ý thức trả nợ chưa cao.
Bên cạnh đó, việc rà soát các hộ nghèo ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức; có nơi chưa rà soát bổ sung kịp thời những hộ nghèo mới phát sinh hoặc hộ tái nghèo vào danh sách để được vay vốn. Việc tổ chức hội, đoàn thể cấp xã ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ nội dung công việc được ủy thác; chưa tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là khâu phê duyệt danh sách hộ vay vốn và công tác kiểm tra giám sát sử dụng vốn vay. Đặc biệt, có một số thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện chưa dành nhiều thời gian kiểm tra, giám sát và chỉ đạo hoạt động tại cơ sở theo địa bàn được giao phụ trách; chưa tích cực tham mưu cho chính quyền cấp cơ sở chỉ đạo thực hiện lồng ghép vốn vay với công tác khuyến công - nông - lâm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Đây là những hạn chế cần khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này.
Hiện nay, mức cho vay của một số chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm, mức cho vay đối với dự án nhóm, hộ còn thấp; mới chỉ thực hiện được các dự án có vốn đầu tư thấp, nhỏ lẻ về chăn nuôi, buôn bán nhỏ; chưa đáp ứng được với các đối tượng cần được đầu tư xây dựng dự án phát triển kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại... Theo bà Đinh Thị Cành, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Gốc Gạo, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương thì 100% hộ dân thôn Gốc Gạo đều làm nghề nông nghiệp, địa bàn không thuận lợi nên phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, các hộ gia đình vay vốn chăn nuôi đều được nhận tiền kịp thời và được hướng dẫn cách chăn nuôi để sử dụng đồng vốn có hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, cần nâng mức cho vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên mức 50 triệu đồng/hộ mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế như hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn
Để chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo động lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, thời gian tới địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, sự quan tâm, vào cuộc của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chính sách xã hội triển khai hiệu quả chính sách tín dụng là vô cùng quan trọng. Bản chất vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho người nghèo là nguồn lực của Nhà nước, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc, quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng; tạo điều kiện cho sự lồng nghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến khích sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa Ngân hàng CSXH tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể trong hoạt động tín dụng, nhất là đối với mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cần đẩy mạnh việc trang bị những kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra, giám sát, phát hiện, phòng ngừa rủi ro; tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ba là, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát phù hợp với mô hình hoạt động đặc thù của ngân hàng CSXH; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan, đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi. Cần tăng cường sự tham gia quản lý của UBND cấp xã đối với hoạt động này tại cơ sở.
Bốn là, các cấp chính quyền cơ sở cần phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan để tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất - kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn vật nuôi, lựa chọn ngành nghề với việc sử dụng vốn tín dụng nhằm hỗ trợ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả của đồng vốn./.
“Loạn”…họp  (07/05/2013)
Việt Nam chưa có đến 100 Giáo sư Toán học  (06/05/2013)
Bộ Công Thương: Chưa có phương án tăng giá điện  (06/05/2013)
Nhiều địa phương, đơn vị tiến hành tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII  (06/05/2013)
Ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí  (06/05/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên