Sáng 04-5-2013, Hội nghị thường niên lần thứ 46 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chính thức khai mạc tại Trung tâm triển lãm Ấn Độ ở Greater Noida.

Tham dự Hội nghị lần này có khoảng 5.000 đại biểu, gồm đại diện các nước thành viên ADB, các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng thương mại, các quan chức tài chính, ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện các tổ chức phát triển, xã hội, các tổ chức tư nhân và báo chí,… Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Bộ trưởng Tài chính Palaniappan Chidambaram cũng tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đoàn Việt Nam gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Chí Trung, các quan chức cấp vụ, cấp chuyên viên của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, do ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh chủ đề “Vươn xa hơn công xưởng châu Á: Tiếp nhiên liệu cho sự phát triển trong một thế giới đang thay đổi”, Hội nghị tập trung thảo luận chủ đề do nước chủ nhà Ấn Độ lựa chọn “Trao quyền thông qua phát triển”. Chủ đề này bao hàm các vấn đề về phát triển toàn diện và bền vững tại châu Á, đồng thời tìm cách thức để các nhóm dễ bị tổn thương có được cơ hội tiếp cận tốt hơn về giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác.

Phát biểu tại Hội nghị, tân Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nhấn mạnh dù đạt được mức tăng trưởng cao trong vài thập niên qua, châu Á nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Hiện vẫn còn hơn 800 triệu người sống ở mức cực kỳ nghèo khổ, tình trạng này cùng với sự bất bình đẳng ngày càng tăng là một thách thức bao trùm khu vực. Châu Á cũng cần tìm cách đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, bất bình đẳng giới và sự liên kết khu vực.

Chủ tịch Takehiko Nakao cho biết chiến lược năm 2020 của ADB, với trọng tâm phát triển toàn diện, phát triển bền vững, tăng cường liên kết và hợp tác khu vực vẫn là “chìa khóa” để vượt qua những thách thức trên. Chiến lược năm 2020 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển của lĩnh vực tư nhân - yếu tố quan trọng để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Ông T. Nakao nhấn mạnh đến các chương trình tăng cường hoạt động của lĩnh vực tư nhân đối với phát triển và đẩy mạnh các đối tác công tư (PPP); tăng cường đầu tư cho lĩnh vực sáng tạo, lĩnh vực công nghệ cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện mức sống cho người dân.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Palaniappan Chidambaram nhấn mạnh thách thức tài chính đầu tư cho các dự án cơ sở vật chất trong thập kỷ tới sẽ làm nản lòng tất cả các quốc gia ở châu Á, trong khi tình trạng lãi suất thấp trên toàn thế giới cùng với các khoản cho vay của ADB sẽ giảm xuống còn 8 tỷ USD.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đề nghị ADB và các thể chế tài chính quốc tế khác xem xét chuyển các khoản dự trữ của các nước châu Á sang các khoản đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng.
Hội nghị thường niên ADB là dịp để các nước thành viên tổng kết hoạt động trong năm qua, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới để đưa ra giải pháp cho các vấn đề phát sinh và xác định phương hướng hoạt động những năm tiếp theo./.