“Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang: một thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình”

Nguyễn Mạnh Hưởng PGS, TS. Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
12:21, ngày 04-05-2013
TCCSĐT - Trong quá trình góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gần đây một số người đã đưa ra quan điểm lực lượng vũ trang, quân đội “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân”; “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”. Đây là những luận điệu vô căn cứ, sai lầm về lý luận và không đúng với thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam.

1. Từ xưa đến nay, bất cứ quân đội nào trên thế giới cũng đều phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của giai cấp, nhà nước, lực lượng chính trị đã tổ chức, nuôi dưỡng nó, và phải trung thành với giai cấp, nhà nước, lực lượng chính trị đó. Đối với bất kỳ quân đội nào, chính trị là vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi đó thực chất là vấn đề bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội; thể hiện quân đội đó do ai tổ chức và lãnh đạo, chiến đấu cho ai và vì ai. Chính trị của quân đội vô sản là thực hiện chính trị của đảng cộng sản, của nhà nước xã hội chủ nghĩa, phục vụ đảng cộng sản, tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Ngay từ khi ra đời đến nay, chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam là thực hiện chính trị của Đảng, của Nhà nước, vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Ngày 22-12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó đề cập rất rõ những vấn đề cơ bản về xây dựng quân đội, như mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, bản chất, chức năng, nhiệm vụ... của Quân đội. Tên gọi “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” thể hiện tư tưởng đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong xây dựng, giáo dục và rèn luyện Quân đội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng Quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng, “quân đội vô địch, bách chiến bách thắng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đặc biệt quan tâm đến xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là “gốc”, là cơ sở để xây dựng Quân đội ta vững mạnh về mọi mặt, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. 

2. Thực tiễn lịch sử gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, Đảng lãnh đạo là nhân tố quyết định bảo đảm Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; đồng thời mang lại cho Quân đội sức mạnh vô địch, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(1). Quân đội đã cùng với nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm nên những kỳ tích vĩ đại, những chiến thắng huy hoàng trong cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, cùng với toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước với những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Điều đó thể hiện sinh động mối quan hệ thống nhất giữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và sự trung thành của Quân đội với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 

Quân đội nhân dân Việt Nam - “Bộ đội Cụ Hồ” - hình ảnh cao đẹp đã in đậm trong lòng nhân dân, được các tầng lớp nhân dân tin cậy, yêu mến như ngày nay là do sự cống hiến, chiến đấu hy sinh, sự rèn luyện tu dưỡng của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân..., dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Lý luận và thực tiễn đã chỉ rõ, chỉ có giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội thì mới có thể xây dựng Quân đội thực sự vững mạnh, đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu; đồng thời sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần vào việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây là mối quan hệ biện chứng thống nhất giữa chủ thể lãnh đạo và đối tượng lãnh đạo trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. 

Khi nhiệm vụ của Quân đội có sự phát triển mới theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, thì đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội cũng phải đổi mới cho phù hợp, với những nội dung, phương thức và biện pháp mới. Song, cần khẳng định rằng, chính sự lãnh đạo của Đảng mới quyết định sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội, và “sự phát triển mới” về nhiệm vụ của Quân đội cũng chính là sự phát triển mới nhiệm vụ của cách mạng mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Quân đội. Vì thế, trong tình hình mới, Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”(2). Yêu cầu cốt lõi của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là bảo đảm Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân; đồng thời Quân đội có đủ sức mạnh để làm tròn phận sự trung thành của mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

3. Dân tộc Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã sinh ra Quân đội nhân dân Việt Nam; và, đứa con của giai cấp, dân tộc và nhân dân ấy đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội; Quân đội phục tùng sự lãnh đạo và trung thành với Đảng là hai mệnh đề song hành ngay từ khi quân đội ta mới được thành lập đến nay. Hai mệnh đề cơ bản quan hệ khăng khít với nhau này đều cần phải được hiến định. 

Hiến pháp - đạo luật cơ bản của đất nước - cần ghi nhận một cách rõ ràng sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đồng thời ghi nhận sự trung thành của Quân đội với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đó là sự khẳng định một thực tế lịch sử, một hiện thực chính trị - xã hội, một tất yếu khách quan trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho sự lãnh đạo và sự trung thành này vừa mang tính chính trị, vừa mang tính pháp lý.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Điều 70 đã ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Tuy nhiên, từ những phân tích trên, ở đây cần bổ sung thêm mệnh đề “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân”. Và như vậy, cần viết lại đầy đủ là: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Việc bổ sung thêm mệnh đề trên vừa thể hiện rõ hơn bản chất, tính chất của mối quan hệ giữa Đảng với lực lượng vũ trang, với Quân đội; vừa làm sâu hơn tính pháp lý của sự lãnh đạo của Đảng và sự trung thành của Quân đội đối với Đảng, làm cho mối quan hệ cơ bản này mang tính hiến định. Đồng thời, tạo cơ sở chính trị - pháp lý cho việc đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa”, “phi đảng hóa” Quân đội ta của các thế lực thù địch, cũng như những nhận thức mơ hồ, lệch lạc về vấn đề này.

4. Một mũi nhọn trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch là chống phá Quân đội ta, làm cho Quân đội ta suy yếu, biến chất. Quan điểm cho rằng quân đội “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân” tưởng như vô hại, nhưng đây thực sự là một thủ đoạn thâm độc và là một ngón đòn vô cùng nguy hiểm. Nếu cho rằng, quân đội “chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và phục vụ nhân dân” không cần đặt dưới sự lãnh đạo của lực lượng chính trị nào, của đảng phái nào, vậy thì, quân đội ấy mang bản chất nào, bản chất của ai? Hay quân đội đó “không có bản chất”, “không có chính trị”? Đây là một kiểu lập luận “nhập nhằng”, nhưng mục đích chính trị lại rất rõ ràng, đó là nhằm dần dần làm cho Quân đội ta biến chất, không còn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng nữa. Đây cũng là một kiểu lập luận để đánh lừa những người còn mơ hồ, cả tin, mất cảnh giác, còn chính bản thân những người đưa ra các quan điểm trên đều hiểu rất rõ rằng, quân đội phải mang bản chất chính trị và phải phục tùng ai, phải phục vụ cho ai.

5. Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, nhưng chỉ có quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể thực sự làm tròn phận sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, với nhân dân Việt Nam theo đúng nghĩa của nó; và gắn bó chặt chẽ sự trung thành với Đảng, Nhà nước, chế độ, với Tổ quốc và nhân dân trong một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời. 

Quân đội ta là quân đội có truyền thống anh hùng, gắn với vận mệnh của dân tộc, của nhân dân, anh dũng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc trong nhiều thập kỷ qua; Quân đội ta là quân đội có quan hệ máu thịt với nhân dân, là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân... Thực tế đó đã bị lợi dụng, bóp méo thành luận điệu “quân đội chỉ là của dân tộc”, “quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”, không cần thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào, một lực lượng chính trị nào?! Có ai đó còn có nhận thức lệch lạc, mơ hồ đồng tình với những quan điểm sai lạc này thì cần tìm hiểu rõ hơn thực tiễn lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, và càng cần phải hiểu rõ tính chất nguy hiểm của chiêu thức này.

Tính nguy hiểm của các luận điệu trên là ở chỗ, nó có thể làm cho một số người nhẹ dạ cả tin, chủ quan, mất cảnh giác, lầm tưởng rằng đó là phù hợp, và những lời “khuyên nhủ”, những “kiến nghị” đó là thiện chí, khách quan và đúng với thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta! Sử dụng ngón đòn này, các thế lực thù địch đã trực tiếp lợi dụng và đánh đòn tâm lý vào tình cảm và niềm tin của nhân dân ta đối với Quân đội ta. Đó là, từ tình yêu mến và lòng tự hào chính đáng trong nhận thức và tình cảm của nhân dân ta về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đến việc cho rằng Quân đội “phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào” như là sự phát triển “lô-gích tự nhiên”. Các thế lực thù địch đã cố khơi dậy và tìm cách đẩy đến cái sự phát triển “lô-gích tự nhiên” ấy. 

Đây là âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, xóa nhòa bản chất chính trị - giai cấp của quân đội, tiến tới làm biến chất Quân đội, lái chính trị của Quân đội theo chiều hướng chính trị khác; trên cơ sở đó tạo cơ sở “vật chất cho việc thực hiện âm mưu tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Do vậy, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác!

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 11, tr. 350

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 83