Về xây dựng văn hóa pháp quyền

ThS. Trần Kim Cúc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
10:13, ngày 04-05-2013
TCCSĐT - Để hướng tới một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì một trong những điều thiết yếu là cần phải làm cho văn hóa thẩm thấu vào trong lĩnh vực pháp quyền.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khoá VIII nhấn mạnh yêu cầu: “Các nhân tố văn hoá phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương... biến thành nguồn nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển” hay nói cách khác là phải có văn hóa pháp quyền.

Vậy văn hóa pháp quyền là gì? Làm thế nào để hiện thực hóa nó? Những vấn đề này được đặt ra không chỉ đối với nước ta mà còn đối với nhiều nước khác trên thế giới.

Không phải tất cả các nhà lý luận đều định nghĩa và hiểu về pháp luật, pháp quyền như nhau. Ở Việt Nam, pháp luật được hiểu là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, đồng thời là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra một xã hội trật tự, ổn định và phát triển.

Từ điển bách khoa toàn thư Liên Xô định nghĩa về pháp luật như sau: Pháp luật - toàn bộ những quy tắc ứng xử (chuẩn mực) bắt buộc của xã hội, được Nhà nước thiết lập hoặc phê chuẩn(1).

Trong từ điển này cũng nêu rằng, pháp luật có thể thể hiện “ý chí của giai cấp thống trị” cũng như ý chí của toàn thể nhân dân. Cũng có những cách giải thích rộng hơn về pháp quyền khi nó được định nghĩa với tính chất là tổng thể “những giá trị đạo đức chung (tính công bằng, kỷ cương, nhân cách, tính trung thực, niềm tin, hy vọng v....)”(2). Thường thì pháp luật được người ta gắn với hoạt động của nhà nước và được coi như là “nhân tố điều tiết bên ngoài của nhà nước” đối với hoạt động của con người. Người ta cũng cho rằng, sự điều chỉnh hoạt động và các quan hệ của con người trong trường hợp này diễn ra là nhờ có các đạo luật và văn bản pháp luật. Nhà nước có thể nắm toàn bộ quyền lập pháp nhưng các quan hệ giữa nhà nước và pháp quyền có thể khác. Chế độ tự do (từ gốc Latinh liberalis - tự do) bắt nguồn từ chức năng phục vụ của nhà nước: không phải con người vì nhà nước, mà nhà nước vì con người. Hình ảnh tượng trưng cho mô hình lý tưởng của nhà nước trong chủ nghĩa tự do kinh điển là hình ảnh “Nhà nước - người gác đêm”, tức là nhà nước đó không can thiệp vào đời tư của con người và bảo vệ những quyền thiết thân của con người ( quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu).

Trong bất kỳ trường hợp nào, pháp quyền cũng đều là thành quả rõ rệt của nền văn minh, là giá trị của nó. Sự điều tiết bằng pháp luật đối với đời sống góp phần giữ ổn định đời sống. Nó hạn chế những biểu hiện của cái ác. Dĩ nhiên cũng có những kiểu điều tiết khác đối với các quan hệ xã hội: đạo đức, những huấn thị và răn dạy về nhân cách. Những huấn thị khắt khe nhất trong số đó đến một lúc nào đó lại đi vào lĩnh vực pháp quyền, được thể thức hóa. Những gì quan trọng nhất đối với đời sống của con người trong xã hội đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, do đó đòi hỏi sự điều chỉnh đó phải rõ ràng và chuẩn xác hơn sự điều chỉnh của cái gọi là “tập quán pháp” và chuẩn mực đạo đức. Nếu vi phạm những chuẩn mực đạo đức thì sẽ bị lên án, còn vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng phạt.

Nhưng pháp luật không chỉ thuần túy là sự điều chỉnh thực dụng đối với hành vi của con người theo nguyên tắc “tội ác - trừng phạt”. Luật pháp phát triển còn phê chuẩn cả mức độ tự do cho phép, bảo đảm tuân thủ các quyền của con người. Với cả chức năng hạn chế lẫn chức năng tích cực của mình, pháp luật là thành quả của nền văn minh, gắn liền với văn hóa, mặc dầu những mối liên hệ này khá phức tạp.

Ở một trình độ văn hóa kém phát triển thì tính phức tạp không lớn. Con người ở trình độ văn hóa này, một mặt coi trọng sự điều chỉnh đời sống, trong đó các quyền con người được luật pháp bảo vệ, còn mặt khác - biểu hiện sự không tôn trọng luật và pháp luật nói chung.

Hướng đến nhà nước pháp quyền - đó là hướng đến văn hóa hóa cả đời sống chính trị lẫn đời sống pháp luật, cải thiện nó đến chừng mực nhất định. Thực ra, cũng có trở ngại trong việc thực hiện văn hóa pháp quyền. Trở ngại đó là - tính hình thức, “vẻ bề ngoài” của pháp quyền đối với con người.

Ở một trình độ cao của văn hóa, giá trị không phải ở tự bản thân các quyền, cũng không phải trật tự hay đạo luật, mà chính là con người cụ thể. Bất kỳ đạo luật nào cũng đều do con người xây dựng, phê chuẩn, giải thích và áp dụng. Nội dung văn hóa của đạo luật là ở mức độ định hướng của nó vào bảo vệ lợi ích của các cá nhân - thành viên của xã hội, và do đó cả lợi ích của xã hội bình thường, trong đó mức độ tự do của cá nhân được khẳng định và bảo đảm bằng đạo luật.

Dĩ nhiên, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Luật không có một ngoại lệ nào, nếu khác đi thì đó không phải là luật.

Những gì được gọi là văn hóa pháp quyền tích cực, liên quan không chỉ tới luật pháp, hệ thống xét xử, trừng phạt, mà còn cả ý thức của người dân. Trình độ văn minh tối thiểu của mọi người trong lĩnh vực pháp quyền - đó là thái độ tôn trọng nó, tôn trọng đối với các luật hiện hành trong xã hội, nơi mà chúng ta đang sống, chứ không phải đối với bất cứ luật nào, không phải ở bất kỳ xã hội nào. Ví dụ, người Việt bắt đầu tiếp xúc với pháp luật khi chủ quyền đất nước nằm trong tay phong kiến phương Bắc và pháp luật đó là công cụ của phong kiến phương Bắc dùng để nô dịch, đồng hoá người Việt. Do đó, ngay từ thời kỳ đó, nhân dân ta đã có ý thức chống đối lại những quy định pháp luật mang tính áp đặt này bởi nó, xét về mặt bản chất là phi văn hoá. Văn hoá nói chung phải được gắn liền với chủ quyền dân tộc và tôn trọng những giá trị căn bản thuộc về con người.

Nói chung, văn hóa pháp quyền - đó là toàn bộ những giá trị do con người tạo ra, được kết tinh và thẩm thấu trong toàn bộ lĩnh vực pháp quyền. Nói cụ thể thì có thể hiểu, đó là:

- Trình độ văn minh cao trong hoạt động pháp lý và các quan hệ pháp quyền;

- Tính hiện thực của các giá trị văn hóa trong hoạt động pháp lý và các quan hệ pháp quyền;

- Tính nhân văn được thực hiện trong lĩnh vực pháp quyền và các quan hệ pháp quyền.

Trong điều kiện của thế giới phát triển đa dạng và phức tạp hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc phải tìm ra cho mình con đường riêng phát triển văn hoá nói chung, văn hoá pháp quyền nói riêng, làm sao không để đánh mất mình, giữ được mình mà vẫn không bị tụt hậu. Để xây dựng và phát triển văn hoá pháp quyền ở Việt Nam, cần thực hiện một số định hướng sau đây:

Một là, tiếp thu và bổ sung các yếu tố, giá trị văn hoá tiến bộ của nhân loại

Đó là ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật của công dân; sự phân minh, rạch ròi giữa lý và tình; tính công khai, minh bạch, ý thức và trách nhiệm mẫn cán của đội ngũ công chức nhà nước, chế độ trách nhiệm cá nhân trong hoạt động pháp lý… Đồng thời, phải phê phán mạnh mẽ và kiên quyết loại bỏ những thói hư, tật xấu, tập quán lạc hậu cản trở đến quá trình xây dựng và phát triển văn hoá pháp quyền Việt Nam. Điển hình cho sự cản trở việc xây dựng và phát triển văn hoá pháp quyềnViệt Nam phải kể đến thói tự do tuỳ tiện, lối ứng xử, hành xử “Phép vua thua lệ làng”; tư tưởng cục bộ, địa phương; ý thức coi thường pháp luật; thói tự ti, ỷ lại, tác phong làm việc và sinh hoạt luộm thuộm, tự do, tùy hứng…

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo hướng đồng bộ, toàn diện, dân chủ hóa, bảo đảm các quyền con người

Văn hoá pháp quyền là yếu tố nền tảng để ban hành quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Ngược lại, hệ thống pháp luật là một trong các tiêu chí đánh giá văn hoá pháp quyền, là cơ sở để củng cố và bảo vệ các giá trị văn hoá pháp quyền.Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện vẫn còn thiếu tính toàn diện, đồng bộ. Khung pháp luật thiếu toàn diện, một số lĩnh vực quan trọng về kinh tế thị trường, an sinh xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhiều quy định pháp luật không rõ ràng, thiếu ổn định, công tác hệ thống hoá pháp luật không được tiến hành thường xuyên, gây khó khăn cho việc tiếp cận, nhận thức và thực hiện pháp luật. Chính vì vậy, cần đầu tư cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; cải tiến quy trình làm luật, rút ngắn thời gian, tránh hình thức rườm rà, sao cho luật nhanh chóng được ban hành và đưa vào thực thi.

Ba là, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến và tuyên truyền pháp luật

Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý và năng lực pháp lý thực tiễn của công dân. Hiện nay ở nước ta, chính sách của Nhà nước về phát triển thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng bộ và nhất quán. Thông tin pháp luật kém cập nhật, cát cứ, chưa tập trung. Các văn bản quy phạm pháp luật chưa được đăng tải đầy đủ trên công báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn mang nặng tính hình thức nên pháp luật ít đến với người dân và khó đi vào thực tiễn. Mặc dù giáo dục pháp luật đã được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông nhưng còn hạn chế về nội dung, thiếu sự sinh động trong cấu trúc chương trình và phương pháp giảng dạy. Chính vì thế, cần đa dạng hóa hình thức giáo dục, tuyên truyền pháp luật, bảo đảm thông tin đầy đủ và kịp thời về pháp luật.

Bốn là, tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý

Trong điều kiện công tác giáo dục, tuyên truyền có những khó khăn đặc thù thì các hoạt động trợ giúp pháp lý càng thiết thực vì nó đáp ứng nhu cầu bức xúc của nhân dân, làm đa dạng hơn đời sống văn hoá pháp quyền, giải quyết những vướng mắc trên các lĩnh vực của người dân. Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý ở nước ta chưa đủ mạnh, chưa thật sự trở thành chỗ dựa để hỗ trợ các chủ thể trong quá trình bảo vệ quyền, lợi ích và thực hiện các giao dịch pháp lý, nhất là các giao dịch có tính quốc tế. Trên thực tế, hoạt động của đoàn luật sư, hội luật gia, các trung tâm tư vấn chuyên môn (tư vấn về hôn nhân, gia đình; bất động sản; vốn; đầu tư; bảo đảm các giao dịch pháp lý,...) còn manh mún, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ sức giải quyết mọi yêu cầu đang đặt ra trong quá trình hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý theo hướng đa dạng hóa hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý, có sự gắn kết giữa Nhà nước và các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đại diện hữu quan./.

--------------------------------------------------------------------

(1) Từ điển bách khoa toàn thư Liên Xô, M, 1985, tr. 1047

(2) Từ điển triết học giản lược, M, 1994, tr.357