Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-4-2013

Đức Toàn tổng hợp
22:42, ngày 29-04-2013
TCCSĐT - Vấn đề cán bộ, công chức được nhắc đến nhiều trong dư luận xã hội thời gian gần đây. Từ việc cần minh bạch trong tổ chức thi tuyển công chức, đến kiểm tra lề lối, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức ở một số địa phương; từ việc nhân dân đóng góp ý kiến, đưa ra những nhận xét về chất lượng, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức các sở, ngành, đến việc cấp dưới "chấm điểm" cán bộ cấp trên...


Tất cả những việc làm đó chỉ với một mục đích, “xốc” lại đội ngũ cán bộ, công chức cho xứng đáng là "công bộc của dân" trong một nền hành chính "phục vụ nhân dân".

Năm 2012, người dân quận 1, TP. Hồ Chí Minh được trực tiếp đánh giá từ Chủ tịch đến các trưởng phòng, ban trong quá trình tiếp xúc và giải quyết các vấn đề của người dân. Cuối năm 2012, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội điều tra xã hội học về thực hiện cải cách hành chính tại 5 sở, ngành của thành phố.
Năm nay, nhiều quận, huyện ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương “3 không”: không phiền hà, sách nhiễu, không trễ hẹn giải quyết hồ sơ hành chính. Hà Nội thực hiện “Năm kỷ cương hành chính - 2013” bằng việc tiến hành kiểm tra công vụ, đánh giá việc thực hiện công tác thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thực hiện chấm điểm lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đã và đang chấn chỉnh, thiết lập kỷ cương trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.

Phải nói rằng, đây là bước chuyển lớn về nhận thức, tư duy trong công tác cán bộ. Lâu nay, lãnh đạo có quyền đưa ra những nhận xét, đánh giá đối với cấp dưới, với người dân; cấp dưới, đặc biệt là người dân không có quyền "phán xét" cán bộ lãnh đạo dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ, việc làm.

Công chức, viên chức nhà nước, hưởng lương công vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao, pháp luật quy định. Nhưng, thói quen "ban phát", tâm lý "xin - cho" luôn thường trực trong suy nghĩ, phong cách ứng xử của cán bộ, công chức. Mối quan hệ giữa chính quyền với dân, lãnh đạo với cấp dưới không thực sự bình đẳng theo đúng quy định pháp luật về hành chính. Thường thì cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chỉ thấy "quyền" mà ít nhận thức được "nghĩa vụ" phải thực hiện.

Nhận thức ấy, tư duy ấy kéo theo sự không minh bạch trong công tác cán bộ, làm nảy sinh hiện tượng, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Các hệ lụy khác cũng từ đó mà phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân.

Việc lấy chỉ số hài lòng của dân làm thước đo đối với cán bộ, công chức nhà nước trước đây đã được đưa ra. Nhưng thực tế không chuyển biến là bao nhiêu. Bởi thế, việc khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến của người dân, của cán bộ cấp dưới đối với cán bộ, công chức nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng là một trong những kênh thông tin quan trọng để đánh giá đúng thực chất năng lực quản lý, lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, cũng như lắng nghe được nguyện vọng của nhân dân. Từ đó sắp xếp, tổ chức lại cán bộ, đề xuất chính sách phù hợp để tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật một cách khách quan, hiệu quả.

Dẫu rằng việc người dân góp ý cho cán bộ, công chức; việc cấp dưới "chấm điểm" cấp trên chưa có kết quả cụ thể, nhưng bước chuyển về nhận thức đã và đang tạo lòng tin của người dân về sự minh bạch trong công tác cán bộ, trong giải quyết những việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; quyết tâm đẩy lùi những rào cản trong quá trình phát triển của đất nước.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ, những hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một điều rất hiển nhiên là, cán bộ công chức nhà nước "hưởng lương từ dân" nên phải phục vụ nhân dân. Nếu để người dân phải "phục vụ" lại mình là một việc làm không hợp đạo lý, không đúng pháp luật.

Bởi vậy, muốn cải cách nền hành chính với đầy đủ ý nghĩa "phục vụ nhân dân", trước tiên phải cải cách ngay chính những "công bộc của dân".

"Bệnh công chức": Không lửa, làm sao có khói!

"Bệnh công chức" có tồn tại trong nền công vụ của chúng ta; bởi "không có lửa làm sao có khói”. Điều đáng buồn là, câu chuyện "công chức 100 triệu” ồn ào một hồi ở Hà Nội cũng không chỉ được đích danh ai chạy, ai nhận tiền chạy…” - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nêu quan điểm với báo chí.

Trong thời gian qua, chất lượng đạo đức công chức đã trở thành vấn đề rất “nóng”, người ta không chỉ than phiền có quá nhiều công chức "cắp ô”, chạy bằng cấp, chạy chức quyền và thậm chí những mặt trái đó được quy kết thành một loại bệnh "bệnh công chức”. Ông có bình luận gì?

Ông Thang Văn Phúc: Về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức theo tôi, không thể vơ đũa cả nắm rằng công chức chỉ biết "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ở đâu cũng có người làm việc tốt và không tốt, có những công chức làm ngày làm đêm, nhưng bên cạnh đấy còn những người không chỉ bàng quan với công việc, không làm được việc mà còn hay đòi hỏi chế độ, chính sách, gây ảnh hưởng đến công việc chung.

Còn câu chuyện chạy bằng cấp, chạy việc, chạy chức, chạy quyền mà gần đây báo chí cho rằng đó là "bệnh công chức, tôi cho rằng có trong nền công vụ của chúng ta. Bởi không có lửa làm sao có khói”. Nhưng điều đáng nói, đáng buồn là những câu chuyện chạy chọt kia dường như vẫn ở đâu đó, vẫn nói chưa có sách mách chưa có chứng. Ồn ào như chuyện "công chức 100 triệu” ở Hà Nội cũng không chỉ được đích danh ai chạy, ai nhận tiền chạy. Nếu không bắt được tận tay thì cũng chỉ là dư luận mà thôi. Nhưng tôi đã khẳng định ở trên, nếu không có thì dư luận đã không bức xúc đến thế! Vấn đề là làm nào để có cơ chế chặn những vấn nạn chạy kia chứ không phải để đến lúc nóng trong dư luận mới thành lập đoàn thanh tra này nọ thì cũng chỉ là giải quyết sự vụ, không triệt được tận gốc căn bệnh chạy chọt mà người ta vẫn nói kia.

Nói như ông chúng ta không cần phải chạy theo để giải quyết sự vụ mà phải có cơ chế kiểm soát nhằm bịt các kẻ hở để không ai có thể chạy chọt được?

Dù không ai day tận trán những kẻ đưa và nhận hối lộ nhằm chạy chức chạy quyền, nhưng ai cũng đều có thể cảm nhận rằng: Đó là vấn đề có thật đang hiện hữu ngay trong xã hội ta. Nhưng, đừng chạy theo để truy tìm câu chuyện đó có thật hay không. Tôi cho là vô ích, bởi như Hà Nội, có tìm ra được đâu? Bởi vậy, muốn triệt tận gốc căn bệnh này, thì người làm chính sách phải tìm ra những cơ chế bịt những kẽ hở trong luật, để người muốn chạy không thể chạy được, đó mới là cái gốc của vấn đề.

Bản thân Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 cũng đã có những thay đổi về cơ chế để chống chạy. Nhiều giải pháp thi tuyển công chức bằng máy, thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo từ cấp vụ trưởng, giám đốc sở trở xuống chứ không phải căn cứ vào cái gì đó để bổ nhiệm như lâu nay vẫn làm, đã bước đầu làm. Hiện chủ trương này đã được nhiều tỉnh như Long An, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng thực hiện và thu được hiệu quả bước đầu.

Vừa rồi một số địa phương quyết liệt cải cách hành chính bằng việc dân chấm điểm cán bộ rồi cán bộ chấm điểm cán bộ, phải chăng đây cũng là một bước chuyển mình rất lớn để chuyển nền hành chính xin - cho sang phục vụ?

Đấy cũng là một hình thức để Nhà nước kiểm soát thông qua người dân, thông qua cơ quan có trách nhiệm. Giờ nền hành chính có cách đánh giá chỉ số cải cách hành chính thông qua kênh của Bộ Nội vụ (chỉ số Par Index) và cảm nhận của người dân về nền hành chính công (chỉ số PaPi). Đây là 2 chỉ số quan trọng giúp kiểm soát nền hành chính; định lượng con số cải cách để công bố chứ không đánh giá chung chung định tính như trước nữa. Ngoài 2 chỉ số đánh giá nền hành chính trên, gần đây một số địa phương đã có những cơ chế cho người dân đánh giá, chấm điểm cán bộ, đó là cách làm hay. Bởi dân là người công tâm, họ sẽ đánh giá một cách công bằng xem, cán bộ có tâm huyết với công việc hay không? Tuy có nhiều việc đã được thực hiện giúp "nâng ngạch” phục vụ cho đội ngũ công bộc nhưng để có một nền hành chính phục vụ như người dân hằng mơ hay không đó là cả một vấn đề lớn. Trước đây, cán bộ luôn ở tuyến trên, dân có việc phải cầu viện đến cán bộ, tôi có cho anh mới được chứ không phải xin gì cũng được. Thật ra, tư duy bao cấp còn nặng lắm, đây là nguyên nhân căn bản kéo lùi bánh xe lịch sử cải cách.

Vậy theo như ông nói thì đây là nguyên nhân căn bản khiến chưa thể có nền hành chính phục vụ cũng như chưa có những công bộc thực sự?

Lý do khiến cán bộ, công chức vẫn chưa coi người dân là thượng đế hướng tới nền hành chính phục vụ thì có nhiều nhưng mấu chốt vẫn là nhận thức. Người ta vẫn thích dùng cơ chế cũ để được ban phát, để có những quyền hạn, có những lợi ích ở trong đó.

Còn về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức khiến nhiều người phàn nàn cũng có nhiều lý do. Do chất lượng giáo dục, đào tạo đại học và sau đại học ở nước ta còn thấp, cũng như công tác tuyển dụng cán bộ, công chức ít nhiều còn chưa được khách quan. Cả 2 vấn đề này đều tạo ra những tiêu cực nhất định. Mặt khác, thực trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng do tìm cán bộ qua các mối quan hệ thân quen cũng có xu hướng gia tăng tạo ra những bất cập hoạt động thi tuyển công chức. Hay như chuyện lương không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cũng là một lý khiến chất lượng cán bộ, công chức sẽ theo kiểu "tiền nào vải ấy”. Lương trả như vậy làm sao khuyến khích người ta cống hiến. Nhưng nếu tăng lương lại mắc ở chỗ miếng bánh ngân sách có thế thôi chẳng thể nâng lên được.

Có vẻ mọi chuyện càng ngày càng rối khi chất lượng công chức khó tăng nếu lương không tăng, nhưng lương tăng thì chẳng biết lấy nguồn từ đâu?

Cuộc sống luôn có lối đi của nó, cái khó buộc ta phải ló cái khôn. Muốn tăng lương thì phải làm ra cái bánh to hơn để có thể chia chứ không thể cứ ngồi đó kêu ca. Tuy nhiên, không dừng ở chuyện bánh ngân sách bé không chia được mà phải chia sao cho đúng, cho trúng. Phải xác định được đâu là khâu trọng điểm để rót ngân sách chứ không thể dàn đều như hiện nay. Nói gì thì nói, bộ phận tinh hoa nghiên cứu ra những chính sách phải là những người được ưu tiên phần ngân sách, vì họ sẽ là người hoạch định những chính sách lớn để xử lý rốt ráo những câu chuyện điệp khúc giá - lương, chất lượng cán bộ, công chức quá thấp và nhiều những chuyện khác nữa.

Hà Nội bắt đầu tự đánh giá, chấm điểm cá nhân

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa ký ban hành kế hoạch triển khai việc tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính thành phố Hà Nội năm 2012.

Theo đó, thành phố sẽ thực hiện việc đánh giá, chấm điểm trong các lĩnh vực "nhạy cảm" sau: Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; công tác tuyên truyền cải cách hành chính.

Việc đánh giá sẽ được thực hiện đối với nhiều đối tượng khác nhau như đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện và người dân.

Theo kế hoạch, chậm nhất đến ngày 8-5-2013, các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đánh giá, chấm điểm phải gửi kết quả về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố và Bộ Nội vụ theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 17-4, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo góp ý vào dự thảo Kế hoạch triển khai việc tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính thành phố Hà Nội.

Theo dự thảo, từng đơn vị sẽ có mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số cải cách hành chính. Ngoài ra, đối với các sở, ban, ngành thành phố, mỗi đơn vị sẽ chọn 3 lãnh đạo tham gia điều tra xã hội học.

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị đều cho rằng, việc tự đánh giá, chấm điểm là cần thiết nhưng phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan mới đánh giá đúng mức kết quả đã đạt được để xác định chính xác chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội.

100 doanh nghiệp được mời chấm điểm chỉ số cải cách hành chính

Theo Kế hoạch số 69/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về triển khai tự đánh giá, chấm điểm để xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2012, Sở Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm mời 100 doanh nghiệp phục vụ điều tra xã hội học của Bộ Nội vụ.

Trong đó có 10 doanh nghiệp nhà nước, 10 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và 80 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đây là một phần trong nhiều phần việc được UBND thành phố triển khai từ nay đến trước ngày 21-5-2013 nhằm xác định chỉ số cải cách hành chính. Ngoài ra, mỗi sở, ban, ngành và 4 quận, huyện Long Biên, Từ Liêm, Quốc Oai, Thường Tín chọn 3 lãnh đạo tham gia điều tra xã hội học về cải cách hành chính. Cùng với việc điều tra xã hội học, Văn phòng UBND thành phố và 6 sở: Kế hoạch - Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông sẽ tự chấm điểm một số tiêu chí thành phần để xác định chỉ số cải cách hành chính theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Thủ đô sẽ trở thành trung tâm hàng đầu về công nghệ thông tin

Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với ưu tiên số một cho việc ứng dụng CNTT, phấn đấu đi đầu cả nước về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin trên cơ sở hạ tầng đô thị "thông minh".

Với bản quy hoạch này, cùng với những lộ trình cụ thể, trong tương lai gần, Hà Nội sẽ trở thành một trong những thành phố phát triển về chính quyền điện tử, trung tâm về công nghiệp CNTT.

Quy hoạch đã định hướng cụ thể lộ trình phát triển CNTT ở Thủ đô cùng những công việc cần làm một cách bài bản.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển CNTT đi đầu cả nước, hướng tới xây dựng xã hội thông tin. 100% sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, xã, phường được kết nối mạng diện rộng của Chính phủ, thành phố và internet băng thông rộng. Đặc biệt, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển thành phố điện tử với công dân điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử và giao dịch, thương mại điện tử. Thủ đô sẽ trở thành trung tâm công nghiệp CNTT của cả nước, công nghiệp CNTT sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực, trong đó công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ sẽ là kinh tế mũi nhọn. Đương nhiên đi kèm với đó, thành phố sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin trên cơ sở hạ tầng đô thị “thông minh”; trở thành thành phố phát triển về chính quyền điện tử, trung tâm mạnh về công nghiệp CNTT của khu vực.

Để hướng tới xây dựng thành phố “thông minh” cần phải xác định rõ các yếu tố cấu thành. Thứ nhất là hạ tầng thông tin. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ định hướng về phát triển hạ tầng thông tin cần phải “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH, HĐH trong từng ngành, từng lĩnh vực”. Hà Nội sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Thứ hai là ứng dụng CNTT. Hà Nội xác định CNTT là nền tảng của kinh tế tri thức, là công cụ và động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. CNTT sẽ được ứng dụng rộng rãi trong mọi hoạt động của xã hội. Trong đó, thành phố chú trọng ứng dụng tạo nên hạ tầng đô thị “thông minh” (giao thông thông minh, lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh, giám sát nguồn nước thông minh), tạo ra sự đổi thay toàn diện về hệ thống hạ tầng đô thị của Thủ đô. Thứ ba là nguồn nhân lực. Để ứng dụng có hiệu quả CNTT, Hà Nội phải có được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và đặc biệt phải phổ cập CNTT đến mọi tầng lớp nhân dân.

Thành phố đã xác định 5 nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học, công nghệ, môi trường; cơ chế, chính sách và tăng cường liên kết, hợp tác. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nước thành công khi triển khai thành phố thông minh như thành phố New York, Amsterdam, Dubai, Stockholm, Dublin, Singapore, Seoul… Tuy nhiên, Hà Nội sẽ nghiên cứu, học tập những mô hình và kinh nghiệm của một số thành phố có mô hình tương đồng với chúng ta.

Để hình thành thành phố thông minh đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, từ Nhà nước, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vai trò của Nhà nước là đầu tư ứng dụng CNTT cho những nội dung và lĩnh vực quan trọng; định hướng, hỗ trợ và tạo các hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích thúc đẩy ứng dụng CNTT. Dự kiến, nguồn vốn để triển khai bản quy hoạch này khoảng gần 60.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 8.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách, số còn lại là xã hội hóa. Nguồn vốn từ ngân sách sẽ được tập trung cho lĩnh vực quan trọng, những nội dung công việc mà Nhà nước phải làm như hạ tầng và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, triển khai cơ chế hỗ trợ, hợp tác quốc tế… Ngoài ra, thông qua việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thành phố sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, với các hình thức hợp tác công - tư (PPP), thuê ngoài dịch vụ…

Ứng dụng phần mềm nguồn mở quan trọng ra sao?

"Công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm nguồn mở là nhân tố đi trước, dẫn dắt các ngành khác phát triển và đi lên" - đó là phát biểu của ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Sáng 26-4, tại Công viên phần mềm Đà Nẵng, Bộ Thông tin - Truyền thông đã tổ chức Hội thảo Quốc gia trực tuyến về Ứng dụng và Phát triển Phần mềm Nguồn mở năm 2013 với 2 đầu cầu Hà Nội và Đà Nẵng.

Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu tối ưu hóa đầu tư và củng cố việc làm chủ công nghệ trong ứng dụng chính phủ điện tử thông qua sử dụng hiệu quả các giải pháp trên nền tảng phần mềm nguồn mở. Đồng thời phát huy hệ sinh thái công nghiệp CNTT dựa trên công tác mở.

Hội thảo là hoạt động thường niên đã diễn ra 6 năm liền.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư cho sự phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ phần mềm trong phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện Đà Nẵng đã có khu công nghiệp công nghệ cao, khu CNTT tập trung cùng sự phát triển của hơn 800 doanh nghiệp CNTT, trong đó hơn 500 doanh nghiệp phần mềm. Quan trọng hơn, Đà Nẵng đã sử dụng CNTT trong tất cả các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, trên địa bàn.

“Công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm nguồn mở là nhân tố đi trước, dẫn dắt các ngành khác phát triển và đi lên. Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu từ công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm.

Quan trọng hơn là Đà Nẵng đã ứng dụng gần như toàn bộ CNTT vào các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách hành chính” - ông Phùng Tấn Viết nói.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và phần mềm nguồn mở nói riêng. Theo đó, các ý kiến cho rằng, cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức và đánh giá toàn diện lợi ích của CNTT đối với sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp.

VCCI: Nửa thế kỷ đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngày 26-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ đồng hành cùng doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đến dự.

Ngày 29-4-1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau gần 3 năm chuẩn bị, ngày 14-3-1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội. Ngày 27-4-1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định phê chuẩn Điều lệ, chính thức khai sinh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Đi đầu trong hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Hiện VCCI tập hợp gần 11.000 hội viên trực tiếp và trên 100.000 hội viên gián tiếp, đại diện cho các thành phần kinh tế. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp lớn đều là hội viên của VCCI.

VCCI đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chính sách và nền tảng pháp lý cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Để góp phần tạo động lực cải cách từ cơ sở, góp phần thực hiện cải cách hành chính, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo phong trào thi đua nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở địa phương.

VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và định kỳ về tình hình doanh nghiệp và kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)…

Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công với sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

VCCI là tổ chức đi đầu trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xây dựng mạng lưới hiệp hội doanh nghiệp. Ngoài ra, VCCI chủ trì nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong các chuyến thăm nước ngoài và tham dự các “Diễn đàn doanh nghiệp” và “Ngày Việt Nam”, đối thoại, tọa đàm… góp phần quảng bá đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực.

VCCI triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vượt rào cản, thực hiện các biện pháp phòng vệ và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.

Trong lĩnh vực xây dựng văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, VCCI đã sớm thành lập Văn phòng giới sử dụng lao động, Hội đồng người sử dụng lao động Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững… và triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng.

Trong thời gian tới, VCCI nâng cao trách nhiệm hơn và sắc sảo hơn trong tham mưu chính sách để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm có môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch, chuyên nghiệp hơn trong xúc tiến kinh doanh và hỗ trợ doanh nhân, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp nhằm xây dựng mạng lưới các hiệp hội để nền kinh tế Việt Nam không chỉ có các doanh nhân riêng lẻ mạnh mà có cả cộng đồng doanh nghiệp mạnh.

4 định hướng hoạt động

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh yêu cầu cấp thiết tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng và mong rằng VCCI sẽ phát huy vai trò tích cực trong quá trình này.

Để VCCI hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị với VCCI 4 định hướng quan trọng.

Một là, VCCI tiếp tục gắn hoạt động với thực hiện với nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế, đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về phát triển và xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững.

Hai là, tăng cường hoạt động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong các vấn đề phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong việc ban hành chính sách phát triển doanh nghiệp.

Ba là, tham gia cùng với các cơ quan của Chính phủ trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, môi trường kinh doanh hỗ trợ năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, đầu tư và hội nhập quốc tế.

Bốn là, với tư cách, trách nhiệm là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VCCI cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tổng hợp ý kiến, huy động nguồn lực góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước./.