Trang sử mới trong quan hệ Nga - Trung Quốc
Từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt…
Mối quan hệ Nga - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt là từ năm 2001, sau khi Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác - cơ sở xác định mối quan hệ kiểu mới giữa hai cường quốc thế giới này - được ký kết. Nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước, mối quan hệ Nga - Trung Quốc đã được nâng lên tầm cao đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện và hiện được giới chuyên gia nhận định đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử quan hệ song phương có bề dày nhiều thế kỷ. Có được kỳ tích này là nhờ sự nỗ lực của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh trong việc tạm gác các bất đồng và tranh chấp do lịch sử để lại, hướng tới mục tiêu củng cố nền tảng chính trị tin cậy lẫn nhau. Hai bên thường xuyên thực hiện các chuyến thăm và làm việc cấp cao. Năm 2003, sau khi được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào cũng chọn Nga là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Trong khi đó, khi trở lại Điện Crem-li (Kremli) vào năm 2012, Tổng thống V. Pu-tin đã khước từ thăm Mỹ để lên đường sang Trung Quốc, cùng Bắc Kinh hoạch định kế hoạch chi tiết cho mối quan hệ song phương giữa hai nước. Ông Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev), khi ở cương vị Tổng thống Nga, cũng đã hai lần sang thăm chính thức Trung Quốc. Tháng 4-2012, ông Lý Khắc Cường, khi đó giữ chức vụ Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã tới thăm Nga và chứng kiến ký kết nhiều thỏa thuận về công nghệ cao nhằm mở rộng lĩnh vực hợp tác truyền thông và năng lượng. Đến tháng 9-2012, nhân dịp cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Vla-đi-vô-xtốc (Vladivostok, Nga) tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hai bên đã cam kết thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược song phương. Chuyến thăm Nga của cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong dịp tham dự kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban liên chính phủ Nga - Trung Quốc vào đầu tháng 12-2012 cũng không có mục đích gì khác, ngoài việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc. Sự nỗ lực, bền bỉ của lãnh đạo hai nước trong củng cố, mở rộng quan hệ song phương đã đem lại không ít thành công.
Chỉ trong 5 năm trở lại đây, hoạt động thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc tăng hơn gấp đôi, từ 40 tỷ USD năm 2007 lên 88,2 tỷ USD năm 2012. Trung Quốc luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách các đối tác thương mại của Nga. Trung Quốc coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu, bất chấp ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hai bên nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa lên mức 100 tỷ USD trước năm 2015 và 200 tỷ USD trước năm 2020.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế được thúc đẩy, hợp tác quốc phòng Nga - Trung Quốc cũng không ngừng được củng cố và tăng cường. Theo Phó Giám đốc Cục Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, Vi-a-tre-xláp Di-rơ-can (Vyacheslav Dzirkaln), trong năm 2011, các loại vũ khí và công nghệ quân sự mà Trung Quốc nhập từ Nga chiếm khoảng 15% (tương đương 1,9 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng quân sự của nước này (13 tỷ USD). Từ đầu năm 2012, Trung Quốc bắt đầu mua các máy bay trực thăng MI-171, các động cơ AL-31F và nhiều loại vũ khí khác của Nga với trị giá nhiều tỷ USD. Trong thời gian gần đây, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh nhiều lần thể hiện ý định thúc đẩy hợp tác song phương hơn nữa trên lĩnh vực kỹ thuật và quân sự, coi đây là trụ cột của các mối quan hệ song phương và là nhân tố quan trọng để xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh. Không chỉ dừng lại ở việc mua bán vũ khí và kỹ thuật quân sự, Nga và Trung Quốc còn thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung. Bắt đầu từ năm 1999 (với một số thành phần thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc) và lên tới đỉnh cao vào năm 2005, hai bên đã tiến hành cuộc tập trận hỗn hợp quốc tế trên không và trên bộ đầu tiên với quy mô lớn, diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc. Với nhiều lý do và tên gọi khác nhau, các cuộc tập trận tiếp theo diễn ra tại các vùng ngoại biên thuộc Liên Xô cũ, Trung Á, Biển Nhật Bản, vùng Xi-bê-ri (Siberia, Nga),...
Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về những dự án chiến lược lớn trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư và hàng không - vũ trụ, nhân văn, khoa học - kỹ thuật, giáo dục,... cũng không ngừng được phát triển.
Chuyến thăm Nga của tân Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh được coi “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” như vậy nên việc kỳ vọng chuyến thăm này của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở. Đúng vậy, kết thúc chuyến thăm Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ cảm tưởng rằng, “chuyến thăm thành công vượt quá mong đợi của tôi”, đồng thời, ông nhấn mạnh, việc chọn Nga làm điểm công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc là “nhằm chứng tỏ tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc”. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V. Pu-tin đã ký Tuyên bố chung.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nga, hai bên đã ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng về phát triển hợp tác năng lượng. Tập đoàn Rosneft của Nga và Tập đoàn CNPC của Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những điều kiện cơ bản cung cấp dầu thô theo điều kiện thanh toán trước. Đồng thời, giữa Rosneft và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã ký văn bản thỏa thuận tín dụng. Rosneft và CNPC còn ký Hiệp định về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực thăm dò địa chất, khảo sát, khai thác và bán sản phẩm dầu khí. Tập đoàn Gazprom của Nga và CNPC ký Bản ghi nhớ về dự án cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua tuyến đường ống lộ trình phía Đông. Ngoài ra, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc và Quỹ Đầu tư Nga - Trung Quốc ký văn kiện đề ra những nguyên tắc phát triển hợp tác trong lĩnh vực đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng ở vùng Viễn Đông Nga; dự trù hỗ trợ kinh phí cho các dự án này là hơn 350 tỷ rúp (rub), tương đương hơn 11,6 tỷ USD.
Đánh giá mối quan hệ Nga - Trung Quốc hiện nay, Giáo sư I-a-cốp Béc-gơ (Yakov Berger), làm việc tại Viện Viễn Đông của Nga, cho rằng: “Quan hệ Nga - Trung Quốc là mối quan hệ độc nhất và khó có thể lặp lại trong các mối quan hệ của họ với những nước khác. Tôi không thể tưởng tượng được rằng các mối quan hệ khác cũng đạt được mức độ tin tưởng cao lẫn nhau như vậy”.
... Gây ra sự ngờ vực
Tuy nhiên, mối quan hệ Nga - Trung Quốc trở nên ấm áp hơn bao giờ hết trong bối cảnh Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm dấy lên nghi ngờ Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đang nỗ lực liên kết để làm đối trọng với Mỹ. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi viện dẫn rằng, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ có lập trường chung trong nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng, như Xy-ri, I-ran, Áp-ga-ni-xtan, song, sự xích lại gần nhau giữa họ là do có cùng một sự nghi kỵ đối với phương Tây. Cả Trung Quốc và Nga đều chống lại sự “bá quyền” của Mỹ và có cùng đường lối chống chính sách can thiệp của phương Tây, mong muốn phòng ngừa mọi hình thức can thiệp của các cường quốc phương Tây khác vào khu vực ảnh hưởng của mình, như đã từng xảy ra trong các cuộc khủng hoảng tại Li-bi và Xy-ri. Chuyên gia Giô-na-than Hôn-xlát (Jonathan Holslag), thuộc Viện Nghiên cứu về Trung Quốc đương đại tại Brúc-xen (Brussels, Bỉ) cho rằng, phương Tây đã làm cho Nga ngày càng oán hận, bực bội trên nhiều vấn đề, như dự án lá chắn chống tên lửa, chương trình hiện đại hóa vũ khí nguyên tử chiến thuật, can thiệp quân sự vào Li-bi. Trong khi đó, Trung Quốc nhận thấy quan hệ của họ với Mỹ ngày càng gay gắt hơn trong vấn đề thương mại, an ninh hàng hải. Chính sự nghi kỵ phương Tây đã làm cho Nga và Trung Quốc tiến gần lại nhau hơn. Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, hai thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mặc dù không ngần ngại dùng quyền phủ quyết tại các diễn đàn Liên hợp quốc, nhưng cũng đang tìm cách mở rộng và khẳng định ảnh hưởng của mình tại các diễn đàn không bị Mỹ chế ngự, như Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay Hội nghị Thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm 5 cường quốc đang trỗi dậy là Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Giáo sư Lâm Hòa Lập, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, thuộc Trường Đại học Trung Hoa ở Hồng Kông (Trung Quốc), nhận định: “Trung Quốc và Nga dường như phải đối mặt với rất nhiều sức ép từ phía Mỹ, hiện đang rút khỏi Áp-ga-ni-xtan và I-rắc để tái triển khai mạnh hơn các lực lượng của họ ở châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, Nga và Trung Quốc cần có một mặt trận chung để đối trọng với sự bành trướng này của Oa-sinh-tơn”. Hơn nữa, trong quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế, Bắc Kinh muốn có dầu và khí đốt của Mát-xcơ-va; đổi lại, Nga cần hàng tiêu dùng và đầu tư của Trung Quốc. Trong khi đó, đánh giá về khả năng hợp tác quân sự Trung Quốc - Nga, chuyên gia quân sự Trung Quốc Hồng Nguyên nhận định: Trung Quốc và Nga là hai nước lớn của hai châu lục Á - Âu, cùng lúc đều chịu sự bao vây của các nước bá quyền đến từ cả phía Đông lẫn phía Tây. Hoàn cảnh bên ngoài như vậy đã và đang hối thúc hai nước phải cùng đi với nhau. Do vậy, hai nước có kết thành đồng minh quân sự hay không, điều này được quyết định bởi việc liệu Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ có tiếp tục chính sách “gắp lửa bỏ tay người” nữa hay không?
Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến cá nhân mang tính chất phỏng đoán, còn mối quan hệ Nga - Trung Quốc phát triển theo chiều hướng nào thì thời gian mới là câu trả lời đúng nhất, song, có thể khẳng định, mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp và ổn định giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh không chỉ góp phần củng cố hòa bình, an ninh khu vực, mà còn cần thiết cho sự phát triển của toàn thế giới./.
"Tháng Tư chưa có phương án điều chỉnh giá điện"  (01/04/2013)
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ABAC họp tại Singapore  (01/04/2013)
Đa số người dân Hy Lạp mong muốn ở lại Eurozone  (01/04/2013)
Chỉ số PMI tháng 3 đạt mức cao trong vòng 23 tháng  (01/04/2013)
Đà Nẵng: Đồng chí Trần Thọ thay đồng chí Nguyễn Bá Thanh  (01/04/2013)
Cần Đước: Sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI  (01/04/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên