Tạo hành lang thuận lợi cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
Năm 2013, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, kinh tế vĩ mô tuy giữ ổn định nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn thấp và chưa có những cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, một số yếu tố gây áp lực lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn, tình hình bão lũ, hạn hán, dịch bệnh gia súc có thể diễn biến theo hướng không thuận lợi...sẽ tiếp tục tạo sức ép đối với việc thực hiện mục tiêu bình ổn giá cả, thị trường dẫn đến tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn sẽ gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã nhận định như vậy tại buổi giao ban trực tuyến về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, do Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức sáng 30-3-2013.
Vẫn còn nhiều điểm "nóng"
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), thời gian qua tình hình buôn lậu tuyến biên giới phía Bắc nhìn chung giảm nhiều do nhiều nguyên nhân trong đó có sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các cơ quan chống buôn lậu. Tuy vậy, trước Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua vẫn còn một số điểm nóng xảy ra những diễn biến phức tạp, như khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ dùng bách hóa, đồ ăn, hàng điện tử, vàng các loại...với thủ đoạn vận chuyển truyền thống là xé lẻ hàng hoá vận chuyển bằng xe khách, xe tải nhẹ từ biên giứoi vào sâu nội địa, đan xen hàng hóa có xuất hóa đơn từ các chợ Móng Cái, khu kinh tế mở Quảng Ninh, chợ Tân Thanh, Đồng Đăng - Lạng Sơn. Cùng đó là việc nhập lậu và vận chuyển trái phép gà, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc từ biên giới vào nội địa. Lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý hành chính nhưng rất khó chứng minh yếu tố nhập lậu qua biên giới để xử hình sự.
Tại Hội nghị, nhìn chung lực lượng chức năng từ các bộ, ngành thuộc Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã đánh giá cao các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng đã có những bước chuyển biến rõ rệt, quan hệ công tác của từng lực lượng từ Trung ương đến địa phương tốt hơn, hiệu quả hơn theo từng chủ đề. Nhiều vụ việc, nội dung kiểm tra, kiểm soát có sự tham gia, vào cuộc của nhiều lực lượng như các chuyên đề về xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, gia súc gia cầm nhập lậu, chống vi phạm về giá, chống gian lận trong đo lường, chất lượng sản phẩm, kiểm tra kiểm soát hoạt động tái xuất... Mặc dù vậy nhưng công tác đấu tranh vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập như: chưa đấu tranh và phát hiện xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm có quy mô lớn, mới xử lý trên khâu lưu thông; chưa đề xuất được các giải pháp xử lý một cách bài bản, mang tính chiến lược.
Bên cạnh đó, các thủ đoạn buôn lậu lại thường sử dụng là chia nhỏ hàng vận chuyển từ biên giới về khu vực tập kết, rồi tiếp tục vận chuyển đến các địa phương. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng chính sách miễn giảm thuế đối với cư dân biên giới để thu gom hàng hóa, hợp thức hóa hàng nhập lậu. Do thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày một tinh vi, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát thiếu về số lượng; kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở các đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Trong công tác chống hàng giả còn thiếu kinh nghiệm thực tế trong nhận biết, phát hiện, khai thác, phân tích thông tin với hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản pháp luật cũ chưa được thay đổi, bổ sung cho phù hợp.
Liên kết chặt chẽ hơn
Để làm tốt các nhiệm vụ, các lực lượng cần có sự phối hợp chặt chẽ trên từng địa bàn, Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương Vũ Huy Hoàng đề nghị đối với thị trường nội địa, tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an, phòng quản lý thương mại, cơ quan thuế, quản lý giá, các sở khoa học - công nghệ triển khai kế hoạch kiểm tra việc vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất - kinh doanh hàng giả; hàng kém chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả áp dụng các biện pháp mạnh nhất, như rút giấy phép kinh doanh, truy tố trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Trên tuyến đất liền, tuyến biển, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các đường mòn quanh khu vực biên giới, dọc các tuyến biển, các cửa khẩu chính và phụ, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa qua 2 bên cánh gà, đường tắt, lối mở…
Không chỉ triển khai các phương án kiểm soát mà còn kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 127 Trung ương đã thành lập đoàn kiểm tra đặc nhiệm liên ngành kiểm tra tại các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, An Giang. Hi vọng rằng, với những sự quyết liệt nêu trên, tình hình buôn lậu sẽ được kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Đây là cơ hội nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại từ Trung ương đến địa phương. Nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng chồng chéo, tạo thành mạng lưới rộng khắp, nâng cao hiệu quả của công tác này từ Trung ương đến các địa phương.
Việc mở rộng quan hệ giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới là một yếu tố khách quan nên các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, nhiều cửa khẩu mới được mở để đáp ứng nhu cầu quan hệ thương mại biên giới... Vì thế, Trưởng Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cũng đề xuất với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng ở các tỉnh biên giới có kế hoạch phối hợp với các nước bạn nhằm phối hợp có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực biên giới. Mặt khác cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các hộ kinh doanh và người tiêu dùng.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm để răn đe đối với các hành vi tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng cho phù hợp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo 127 Trung ương cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chí đạo các bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Đặc biệt, sớm phê duyệt "Chương trình Quốc gia phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại”./.
Nông nghiệp vẫn là trọng điểm lâu dài của Bến Tre  (30/03/2013)
Triều Tiên tuyên bố bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc  (30/03/2013)
Giới thiệu rộng rãi thị trường vốn ASEAN  (30/03/2013)
Mũi tên trúng nhiều đích  (30/03/2013)
Hà Nội tập trung các giải pháp kiềm chế lạm phát  (30/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên