Phóng viên TTXVN tại Giacácta dẫn thông cáo báo chí ngày 26-3 của Ban Thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) cho biết Ủy ban Quản lý rủi ro thiên tai ASEAN (ACDM) vừa tổ chức Diễn đàn xây dựng năng lực ASEAN đánh giá rủi ro thiên tai, với chủ đề: “Kết nối khoa học và thực tiễn trong quản lý rủi ro thiên tai hướng tới xây dựng khả năng trụ vững của cộng đồng”, tại Băngcốc, Thái Lan.

Tham dự Diễn đàn diễn ra trong 4 ngày này có các chuyên gia quản lý rủi ro và cảnh báo sớm thiên tai của các nước thành viên ASEAN, các nhóm xã hội dân sự, các học giả, các nhà khoa học, cộng đồng nghiên cứu trong khu vực, các đối tác đến từ châu Âu, Ôxtrâylia và Mỹ và đại diện 3 cơ quan ngành của ASEAN gồm ACDM, Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST), Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Xupon Ratananakin (Suporn Ratananakin), quan chức cấp cao Tổng cục Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai (DDPM) của Thái Lan, đại diện cho Chủ tịch ACDM nhấn mạnh Diễn đàn là một cơ hội hiếm hoi để ASEAN trao đổi, thảo luận về các biện pháp kết nối khoa học và thực tiễn, nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa hai cộng đồng gồm các nhà quản lý và các nhà khoa học trong lĩnh vực này để nâng cao hiệu quả ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và trụ vững trước rủi ro thiên tai.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề thiết thực như phát triển một khuôn khổ đối thoại giữa quản lý rủi ro thiên tai và cộng đồng khoa học trong ASEAN, thông tin về rủi ro trên cơ sở khoa học, trách nhiệm trong quản lý rủi ro thiên tai, và tìm hiểu về các công cụ đánh giá rủi ro như Tiếp cận toàn diện đánh giá xác xuất rủi ro (CAPRA), Đánh giá các kịch bản động đất ở Inđônêxia (InaSAFE), Phần mềm mã nguồn mở đánh giá rủi ro thiên tai và các mối nguy hiểm địa chấn.

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra cuộc họp không chính thức của Nhóm công tác ACDM về giám sát, đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm thiên tai nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường liên kết và nâng cao trách nhiệm của 3 cơ quan ngành của ASEAN gồm ACDM, AUN và COST.

Diễn đàn trên được tổ chức với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (Trung tâm AHA), Hợp tác kỹ thuật ASEAN - UNISDR (Cơ quan chiến lược Liên hợp quốc về cắt giảm thảm họa thiên tai), Hợp tác ASEAN - Ôxtrâylia, Trung tâm Hỗ trợ Ôxtrâylia (AuIAD), Mô hình động đất toàn cầu (GEM), Chương trình nhân đạo tương lai (HFP), Hội đồng Nghiên cứu và Môi trường Tự nhiên Anh (NERC) và Đại học hoàng gia Luân Đôn./.