TCCSĐT - Trong hai ngày 25 và 26-3-2013, tại Hà Nội và nhiều địa phương, Hội Nhà Báo Việt Nam, Bộ Nội vụ, Hội đồng nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Phú Yên đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hội Nhà báo Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

 

Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Ngày 26-3-2013, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị đã có nhiều ý kiến tâm huyết của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo lão thành đóng góp vào Dự thảo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ cho biết, triển khai Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; ban hành kế hoạch và triển khai lấy ý kiến ở các cấp Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau gần 3 tháng triển khai, đã có hơn 410 ý kiến trực tiếp góp ý vào các chương, điều, khoản cụ thể của Dự thảo. Tổng hợp các ý kiến cho thấy các cấp Hội và hội viên cơ bản nhất trí với nội dung bản Dự thảo; cho rằng việc sửa đổi là phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững nhằm xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đa phần các ý kiến nhất trí với 9 nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến cho rằng dự thảo có tính dự báo và ổn định lâu dài, được kết cấu chặt chẽ, khoa học, ngắn gọn và cụ thể. Bản dự thảo đã thể hiện được ý chí vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa và đảm bảo quyền con người, thể hiện rõ tư tưởng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Liên quan đến nội dung quyền công dân trong việc tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, các ý kiến nhấn mạnh hiện nay chưa có Luật Biểu tình, chưa có báo chí tư nhân, do đó cần quy định cụ thể hơn để nội dung Điều 26 được thể hiện trên thực tế mà không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc và không để lạm dụng quyền tự do báo chí”. Theo đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung thêm nội dung “quyền tiếp cận thông tin” vào Điều 26 này để quy định được rõ ràng, đầy đủ.

Cụ thể hơn, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng, báo chí thật sự là bộ phận cấu thành của xã hội Việt Nam thời hội nhập và phát triển, đáp ứng quyền thông tin đa dạng, nhiều chiều của mọi người; là vũ khí quyết liệt đấu tranh giai cấp trên mặt trận chính trị, tư tưởng, là tiếng nói của Đảng, diễn đàn của người dân. Bởi vậy, từ khi thành lập nước, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến báo chí, tạo mọi điều kiện cho báo chí phát triển. Trên tinh thần đó, nhà báo Nguyễn Uyển mong rằng Hiến pháp mới nên có một khoản mục riêng về báo chí để xứng với vị trí, vai trò vốn có của ngành thông tin đặc thù này.

Bên cạnh quyền con người, nghĩa vụ cơ bản của công dân, các nội dung quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc... trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng được nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung, sửa đổi.

Ghi nhận những đóng góp thiết thực của các đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng các ý kiến đã làm rõ thêm một số điều, khoản, đặc biệt là kiến nghị về quyền của báo chí, quyền tự do ngôn luận... Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh Trường trực Hội, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo của giới báo chí cả nước gửi lên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong thời gian sớm nhất.

Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992

Chiều 26-3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu của quốc gia, của nhân dân trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Hiến pháp; chỉ đạo các cơ quan báo chí, trung tâm thông tin của Bộ mở các chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến vào Dự thảo.

Việc Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau tùy theo tổ chức, hoạt động của từng đơn vị thông qua các cuộc họp, hội thảo, tổng hợp ý kiến từng cá nhân. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến sâu hơn vào tất cả các nội dung của Dự thảo. Các ý kiến góp ý được tổng hợp đầy đủ, chính xác, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Góp ý vào Dự thảo, các ý kiến cho rằng so với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có nhiều tiến bộ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đất nước sau hơn 20 năm đổi mới. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 mang tính ổn định và có chất lượng về kỹ thuật lập hiến, đã ghi nhận và mở rộng các quyền con người, phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền con người.

Góp ý vào Chương Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, PGS, TS. Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được bố trí, sắp xếp lại, đưa từ Chương V về Chương II và được bổ sung thêm cụm từ “Quyền con người,” đây là một bước tiến quan trọng trong lịch sử lập hiến của Việt Nam.

Liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 25 của Dự thảo Hiến pháp quy định rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…”

Theo các đại biểu, quy định như trên là hợp lý, phù hợp với Điều 18 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, đồng thời cụ thể hóa một số khía cạnh chưa được nêu rõ trong Điều 70 ở Hiến pháp hiện hành, đảm bảo thực hiện tốt hơn, đồng thời phòng ngừa những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tại khoản 1 Điều 25, hai phạm trù tín ngưỡng, tôn giáo cần phải được làm rõ và cụ thể thêm, đồng thời đề nghị điều chỉnh lại là “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo…”

Các đại biểu nhất trí cao với Chương IX quy định về Chính quyền địa phương. Theo các đại biểu, Chương IX đã đảm bảo cơ sở hiến định cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dự thảo chưa có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, trong khi thực tế quản lý đô thị và quản lý nông thôn lại hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, dự thảo cần có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Nhiều kiến đề nghị Dự thảo cần bổ sung điều, khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung quy định về Chính phủ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, có ý kiến cho rằng: so với Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định ngắn gọn hơn, lược bỏ những quy định về chức năng của Chính phủ trong việc thống nhất quản lý về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm bảo đảm phù hợp với tính chất, nội dung chứa đựng trong các chương, điều của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của quốc gia. Theo đó, Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề cơ bản, có tính rường cột. Vì thế, chức năng của Chính phủ trong quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể sẽ được quy định tại một đạo luật riêng.

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nhiệm vụ của bộ, cơ quan ngang bộ trong thực thi nhiệm vụ được phân công, phân cấp. Dự thảo chưa có sự rõ ràng giữa “bộ” và “bộ trưởng”; giữa nhận thức chung về “bộ” và “tập thể lãnh đạo bộ” với bộ trưởng; giữa bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực với bộ, từ đó dẫn đến trách nhiệm không rõ ràng, đặc biệt là khi xảy ra sai phạm cần phải xử lý. Vì vậy, các đại biểu đề nghị quy định tách bạch và làm rõ vai trò của bộ và bộ trưởng để phù hợp với các quy định khác của Hiến pháp.

Tây Ninh, Phú Yên lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp
 

Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trước đó, ngày 25-3, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh triển khai việc lấy ý kiến trực tiếp đến từng hộ dân; cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; khối lực lượng vũ trang… góp ý vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hội đồng Nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức họp cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, Công an, Ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh; bí thư, chủ tịch, các đoàn thể xã hội huyện, thị xã tổ chức hoạt động này.

Bên cạnh việc triển khai tốt đợt lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến tận hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp, bày tỏ chính kiến của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các ngành, các cấp, phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ, làm cho người dân nắm vững, hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình; kịp thời đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng góp ý để chia rẽ mối đại đoàn kết toàn dân.

*** Chiều 25-3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các đại biểu đều thống nhất về số lượng Chương, Điều và tính súc tích cô đọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Một số đại biểu góp ý ở phần lời nói đầu của Dự thảo nếu viết là “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử” thì không hợp lý mà nên viết “Trải qua các thời kỳ lịch sử” thì hợp lý hơn. Đại biểu Phan Thị Hoa - Phó Phòng phổ biến, tuyên truyền pháp luật - Sở Tư pháp Phú Yên cho rằng “Mạch văn ở 5 phần trong Lời nói đầu của Dự thảo còn rời rạc, bố cục giữa các đoạn chưa chặt chẽ.

Các đại biểu còn cho rằng ở Điều 1 nên đưa từ “độc lập” lên trước từ “dân chủ” bởi nước phải độc lập thì mới dân chủ; ở điều 11 thì nên nhập hai khoản 1 và khoản 2 lại làm một.

Ở điều 21 “Mọi người có quyền sống” nên sửa đổi là “Mọi người có quyền sống, mưu cầu hạnh phúc và quyền được chết” bởi như vậy thì sẽ đầy đủ và chặt chẽ và hơn trong thời kỳ mới. Đặc biệt đối với những người bị bệnh mà phải sống thực vật không còn đủ khả năng thực hiện các hành vi của mình nữa thì có quyền được từ bỏ cuộc sống./