TCCSĐT - Ngày 21-3, Hội đồng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012 đã bình xét và bỏ phiếu kín chọn ra 10 cá nhân tiêu biểu. Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sản xuất kinh doanh; bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn an ninh Tổ quốc; văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động xã hội vì lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

1. Phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII 

Từ ngày 18 đến 22-3-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 16 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quyết định khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày 20-5-2013, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 7 dự án luật; tiến hành giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 7 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, trong đó có 2 dự án luật trình Quốc hội thông qua, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và 5 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Tiếp công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

2. Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013

Ngày 19-3, Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội đã hoàn thành chương trình, nội dung đề ra, sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực. 

Hội nghị đã phân tích, làm rõ những thành tựu hạn chế, thiếu sót chủ yếu trong công tác báo chí năm 2012; phân tích các nguyên nhân, nêu các bài học kinh nghiệm và bàn các giải pháp khắc phục. Hội nghị khẳng định, để khắc phục những hạn chế và thiếu sót, trong thời gian tới, công tác báo chí cần bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng, thực hiện tốt việc phối hợp giữa công tác chỉ đạo với công tác quản lý nhà nước; gắn với thực tiễn; chủ động, kịp thời, sáng tạo trong xử lý thông tin trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc quy trình tác nghiệp.

Hội nghị thảo luận, đánh giá tình hình, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác báo chí năm 2013 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Hội nghị đưa ra ý kiến: cần tạo chuyển biến thực sự, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng “thương mại hóa”, thoát ly tôn chỉ, mục đích vốn đã kéo dài quá lâu; có giải pháp cụ thể đối với tình trạng số lượng các kênh truyền hình vượt quá mức cần thiết,... Để làm được điều đó, cơ quan chỉ đạo, quản lý và các cơ quan chủ quản cần có chương trình rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí; chỉ rõ ưu điểm, thành tích, hạn chế, thiếu sót; phân tích sâu sắc nguyên nhân; nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, có thái độ kiên quyết, kịp thời trong xử lý vi phạm, đồng thời khen thưởng, biểu dương các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc, có nhiều ưu điểm, thành tích. 

3. Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 47 


Ngày 20-3, tại Hà Nội, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 47 đã khai mạc với sự tham dự của 200 đại biểu đến từ 18 quốc gia, gồm các Bộ trưởng Giáo dục, các quan chức cấp cao ngành Giáo dục và đại diện các tổ chức quốc tế đến từ 11 thành viên chính thức, các quốc gia thành viên liên kết, các tổ chức thành viên liên kết, các trung tâm khu vực và đối tác phát triển của SEAMEO.

Kể từ khi thành lập vào năm 1965, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) đã có những bước tiến vượt bậc trong các mặt hoạt động và trở thành tổ chức quốc tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, khoa học và văn hóa, với 11 nước thành viên, 8 nước thành viên liên kết, 3 tổ chức liên kết và 20 trung tâm khu vực. 

Qua các hoạt động: phiên họp kín, phiên toàn thể, diễn đàn chính sách, họp bàn tròn các bộ trưởng, gặp gỡ song phương, nội dung chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Hội đồng SEAMEO lần thứ 47 là đẩy mạnh Chương trình “Giáo dục cho mọi người” và “Chương trình Giáo dục và Phát triển ở Đông Nam Á sau năm 2015”. Điểm nhấn quan trọng của Hội nghị này là Diễn đàn chính sách với chủ đề “Học tập suốt đời: tầm nhìn và chính sách” do Việt Nam là nước đăng cai đề xuất.

Các nước thành viên đã tập trung thảo luận để thông qua các quyết sách và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Chiến lược Phát triển 10 năm của SEAMEO (2011 - 2020) đã được Hội nghị SEMEO lần thứ 46 thông qua. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những giải pháp, cách thức hợp tác hiệu quả nhằm đẩy mạnh “Học tập suốt đời” và xây dựng một xã hội học tập ở mỗi quốc gia thành viên và trong cả khu vực.

Trong khuôn khổ Hội nghị, tổ chức SEAMEO đã chính thức kết nạp Vương quốc Anh trở thành thành viên liên kết thứ 8.

4. Công bố 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012 

Ngày 21-3, Hội đồng giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2012 đã bình xét và bỏ phiếu kín chọn ra 10 cá nhân. 

10 gương mặt trẻ tiểu biểu năm 2012 được lựa chọn từ 20 đề cử, đó là: Ngô Phi Long, lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên tỉnh Sơn La; TS. Nguyễn Huỳnh Đông, Trưởng khoa Dầu khí, Cao đẳng Nghề Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Hồ Vĩnh Hoàng, Công ty cổ phần robot TOSY; Trần Thị Thuấn Hoa, xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình; Nguyễn Thanh Tài, cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân; Nguyễn Tiến Hải, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội; ca sĩ Nguyễn Tùng Dương; ca sĩ Thái Thùy Linh; Phan Thị Hà Thanh, Trung tâm đào tạo vận động viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng; Đỗ Hoàng Giang, Bí thư Đoàn xã Phú Thành, huyện Tam Nông, Đồng Tháp. 

Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực: học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sản xuất kinh doanh; bảo vệ trật tự xã hội, giữ gìn an ninh Tổ quốc; văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động xã hội vì lợi ích thiết thực cho cộng đồng. 

5. Tôn vinh 22 tài năng thể thao Việt Nam 

Ngày 22-3, 22 vận động động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) tiêu biểu; vận động viên, huấn luyện viên người khuyết tật xuất sắc nhất toàn quốc đã được tôn vinh tại Hà Nội. Sự kiện này do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức.

Dịp này, các VĐV, HLV tiêu biểu; VĐV, HLV khuyết tật xuất sắc đã được nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ, Bằng khen và Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bằng khen của Tổng cục Thể dục Thể thao cùng nhiều phần thưởng của các đơn vị tài trợ.

Năm 1978, lần đầu tiên Báo Thể dục Thể thao (nay là Báo Thể thao Việt Nam) tổ chức cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc và được sự đón nhận, ủng hộ từ các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo trong lĩnh vực thể thao. Cuộc bầu chọn ngày càng phát triển về quy mô, tầm vóc. Bên cạnh các VĐV, HLV tiêu biểu, các VĐV, HLV khuyết tật xuất sắc trong cả nước cũng được vinh danh. 35 năm qua, đã có hơn 500 VĐV, HLV được ghi danh trên những bảng vàng thành tích qua các cuộc bầu chọn. 

6. Trao giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam, Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2012

Ngày 23-3, Lễ tổng kết 20 năm Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam và Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Giải thưởng WIPO (Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) năm 2012 đã được tổ chức tại Hà Nội. Sự kiện do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.

Trong năm 2012, Ban tổ chức giải thưởng đã nhận được 105 công trình tham gia và quyết định trao giải cho 41 công trình thuộc 6 lĩnh vực: cơ khí - tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Bên cạnh đó, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đã xét trao giải WIPO, Bằng chứng nhận và Biểu trưng WIPO cho 1 công trình, 1 tác giả nữ và 1 doanh nghiệp xuất sắc.

Giải Doanh nghiệp xuất sắc nhất thuộc về Công ty Cổ phần Dịch vụ Môi trường Thăng Long; Công trình xuất sắc nhất thuộc về công trình “Áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm Fito-Biomix RR xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng nhằm bảo vệ môi trường” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tri và cộng sự; tác giả nữ xuất sắc là Thạc sĩ Lê Thị Thu Hiền (Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương), đồng tác giả của công trình đoạt giải nhất “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng trứng, hướng thịt năng suất chất lượng cao”.

Cũng trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Quỹ VIFOTEC./.