Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-03-2013
Tuy nhiên, xét về tổng thể, chỉ số PCI năm 2012 cho thấy, giới doanh nghiệp tỏ ra kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế địa phương có xu hướng sụt giảm.
Kết quả điều tra PCI năm 2012 cho thấy, nếu như trước năm 2007 (thời điểm Việt Nam chuẩn bị chính thức trở thành thành viên WTO), tỷ lệ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động ở Việt Nam lạc quan về triển vọng kinh doanh và tỏ ra sẵn sàng mở rộng quy mô chiếm tới 76%, thì năm 2012 tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 33%.
Trong khi đó, chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương cũng có những dấu hiệu suy giảm thể hiện qua mức điểm số xếp hạng của tỉnh trung vị chỉ đạt 56,2 điểm, giảm 2,95 điểm so với năm 2011. Đây là mức điểm thấp nhất kể từ khi PCI được thực hiện từ năm 2005 đến nay. Đáng lưu ý, lần đầu tiên bảng xếp hạng PCI không có một tỉnh nào đạt ngưỡng 65 điểm trở lên để lọt vào nhóm tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc.
Quan sát thứ hạng trên bảng xếp hạng PCI năm 2012 cho thấy không ít sự bất ngờ khi Đồng Tháp, An Giang là những tỉnh trước đó thứ hạng chưa cao đã vươn lên tốp dẫn đầu; hai tỉnh Bình Định và Vĩnh Long trước đây có thành tích tốt nhưng bị tụt hạng năm 2011, đến năm 2012 lại tiếp tục vươn lên ở nhóm đầu. Các địa phương luôn đi đầu về chỉ số PCI những năm trước như Bình Dương, Đà Nẵng… có sự sụt giảm rõ rệt về thứ hạng. Riêng 2 đầu tàu về kinh tế đất nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì TP. Hồ Chí Minh đã cải thiện được vị trí hơn năm trước và vươn lên đứng thứ 13, trong khi Hà Nội không những không cải thiện được mà còn tụt hạng sâu hơn xuống vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành cả nước.
Sự sụt giảm đáng kể về chất lượng điều hành kinh tế năm 2012 theo đánh giá của doanh nghiệp là thuộc các khía cạnh về đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý địa phương.
Về chi phí thời gian, doanh nghiệp cho rằng, cải cách hành chính công hậu đăng ký kinh doanh không có bước tiến mới. Chỉ có 32% doanh nghiệp ở tỉnh trung vị cho rằng, cán bộ địa phương làm việc hiệu quả hơn (giảm so với 45% của năm 2010); 41% cho rằng, thủ tục hành chính đã được giảm bớt.
Về đất đai, dù tỷ lệ doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá cao (75%), song vẫn có 29% phản hồi điều tra cho rằng, nguy cơ bị thu hồi mặt bằng kinh doanh là rất cao (tăng hơn 1/3 so với 4 năm trước); 61% đánh giá mức độ ổn định mặt bằng kinh doanh chỉ ở mức trung bình (tỷ lệ lo ngại về tính bất ổn định mặt bằng kinh doanh đã tăng gấp đôi so với 4 năm trước); tỷ lệ doanh nghiệp tin họ sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu mặt bằng kinh doanh bị thu hồi giảm từ 41% năm 2007 xuống chỉ còn 36% năm 2012.
Về thiết chế pháp lý, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ tốt đất đai, tài sản và hợp đồng kinh doanh là 64% (giảm so với 70% của năm 2011); doanh nghiệp ít tin tưởng rằng một cán bộ làm sai quy định doanh nghiệp có thể khiếu nại lên cấp trên của họ; tỷ lệ doanh nghiệp tin và sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp thương mại, kinh doanh… chỉ có 22%.
Mặc dù có sự sụt giảm về chất lượng điều hành nói chung, nhưng PCI 2012 cũng cho thấy, nhiều tỉnh xếp hạng thấp những năm trước đã và đang có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và gánh nặng thanh tra… cho doanh nghiệp, qua đó thu hẹp được khoảng cách về điểm số xếp hạng so với các tỉnh cao hơn.
Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững đối với Việt Nam. Điều này đòi hỏi cam kết của lãnh đạo chính quyền địa phương nhằm giải quyết các khó khăn, bất cập về cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, chống tham nhũng… Trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, những phân tích sát thực tế phát triển của doanh nghiệp thông qua PCI rất có giá trị đối với Việt Nam”.
Câu chuyện PCI 2012 : nhu cầu cấp thiết phải thay đổi cách điều hành nền kinh tế quốc dân
Chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một tổ chức theo thông lệ trên thế giới không phải là của chính phủ, mà là do các doanh nghiệp lập nên. Và chỉ số này có thể được coi là một đánh giá độc lập.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là một sự sáng tạo của Việt Nam, cũng như GDP là chỉ số đo tổng sản phẩm nội địa vốn chỉ được dùng cho quốc gia, vào nước ta cũng được dùng cho cả cấp tỉnh, nhiều nơi còn dùng cho cả huyện và thậm chí cả xã nữa. Chỉ số được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh và thành phố của Việt Nam. Nó cho thấy một hiện tượng rất đặc sắc của chúng ta là việc triển khai các chính sách kinh tế quốc gia có thể diễn ra ở các tỉnh khác nhau trong cùng một đất nước với những môi trường có thể hết sức khác nhau. Và sự thành công của doanh nghiệp ở nước ta phụ thuộc nhiều vào môi trường cấp tỉnh.
Do vậy, khi được triển khai lần đầu cách đây 8 năm, nhiều người ngỡ ngàng với chỉ số này, lãnh đạo một số tỉnh có thứ hạng thấp cho rằng chỉ số không phản ánh đúng năng lực của tỉnh mình. Cách đây 3 năm, năm 2009, chỉ số này có sự điều chỉnh về phương pháp luận và trở nên hoàn thiện hơn. Năm tháng qua đi, người ta thấy chỉ số này cho biết mỗi tỉnh đang đứng ở đâu trong mối tương quan cạnh tranh với nhau, nhưng các doanh nghiệp có dùng nó để lựa chọn địa điểm đầu tư hay không thì cũng chưa có nghiên cứu, khảo sát nào khẳng định.
PCI 2012 cho thấy sự sụt giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Ở tỉnh trung vị, nhóm giữa, chỉ có 6,5% số doanh nghiệp đã tăng quy mô sản xuất, 6,1% tuyển thêm lao động, gần 60% báo lãi trong khi 21% báo lỗ.
Việt Nam hiện đang bước vào thời kỳ dân số vàng và đây là thời điểm thuận lợi nhất từ góc độ nguồn nhân lực để phát triển quốc gia. Một phần tư thế kỷ Đổi mới cũng cho phép chúng ta tích luỹ được những sự hiểu biết về các con đường phát triển, đã có một số lượng đông đảo những người quen làm việc với nền kinh tế thị trường và cũng đã tích luỹ được một số tư bản nào đó để tiếp tục đầu tư.
Nhưng toàn bộ những tiềm năng thuận lợi đó đang đứng trước một thách thức lớn là năng lực của bộ máy điều hành nền kinh tế. Cải cách hành chính đã diễn ra hàng chục năm chưa thấy kết quả rõ nét. Các chính sách và sự điều hành, cả cấp quốc gia lẫn cấp tỉnh đang có những vấn đề.
Chỉ số PCI một lần nữa cho thấy cái ngưỡng đang cản trở sự phát triển tiếp tục của nước ta là năng lực của bộ máy. Sự tích tụ lại những bất cập, không được giải quyết thoả đáng hay, sẽ làm cho việc tháo gỡ có thể rất khó khăn và tốn kém.
Doanh nghiệp cần những hành động cụ thể
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong điều kiện kinh tế khó khăn, đòi hỏi cải cách hành chính của doanh nghiệp càng cao hơn. Thiết nghĩ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần có những hành động cụ thể để phúc đáp đòi hỏi này, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh.
Một điểm nổi bật của báo cáo PCI 2012 là những nỗ lực cải cách về cắt giảm thời gian chờ cấp giấy đăng ký kinh doanh, hay giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp... đã không giúp các địa phương tạo ra sự khác biệt trong bảng xếp hạng. Doanh nghiệp mong muốn những cải cách liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như hoạch định chiến lược phát triển của địa phương, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tổ chức thiết chế pháp lý như bảo vệ hợp đồng, năng lực tòa án, năng lực của bộ máy nhà nước nói chung, tiếp cận đất đai... Tuy nhiên, các cải cách này được thực hiện còn chậm, nên lần đầu tiên không địa phương nào đạt ngưỡng 65 điểm - mức dành cho tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc như những năm trước. Điểm số năng lực cạnh tranh của các tỉnh cũng đều giảm mạnh. Điểm số của các tỉnh trung vị đã giảm từ 59,15 năm 2011 xuống còn 56,2 - mức thấp nhất kể từ khi PCI được hiệu chuẩn lại vào năm 2009.
Mặc dù kết quả điều tra cho thấy các khoản "lót tay" đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất và giá trị, nhưng kết quả điều tra lại ghi nhận, dường như nhiều doanh nghiệp hơn cho rằng quy định, chính sách của Chính phủ đưa ra nhằm tạo điều kiện cho cán bộ. Tại Báo cáo PCI năm 2012, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để tổng kết đánh giá của doanh nghiệp về rủi ro kinh tế tại nước ta. Trong đó, đa số các doanh nghiệp FDI đều cho rằng rủi ro kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro lớn. Đối với các rủi ro chính sách và rủi ro lao động thì giữa các địa phương có đặc điểm khác nhau. Ví dụ như 78% doanh nghiệp tham gia điều tra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng rủi ro chính sách là một trong ba rủi ro chính, trong khi tại Long An, chỉ 11% doanh nghiệp quan ngại về loại rủi ro này; hay 89% doanh nghiệp Long An cho rằng rủi ro lao động là một trong ba loại rủi ro hàng đầu mà họ gặp phải, trong khi chỉ 29% doanh nghiệp ở Hà Nội có cùng cảm nhận.
Trước những rủi ro này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng xác định chiến lược kinh doanh phù hợp. Kết quả điều tra cho thấy gần 50% số nhà đầu tư cho rằng liên doanh với doanh nghiệp địa phương được coi là một trong những chiến lược giảm thiểu rủi ro phổ biến nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể sử dụng các chiến lược khác như chỉ giải ngân một phần vốn đầu tư cho đến khi cảm thấy thật sự tin tưởng vào quy định, chính sách trong nước và của địa phương đầu tư (hơn 25% doanh nghiệp chọn phương án này). Doanh nghiệp nào vận hành chuỗi cung ứng quốc tế đều có thể tự bảo vệ mình bằng việc sản xuất những bộ phận chính của sản phẩm ở nước ngoài và vận chuyển tới nước ta khi cần (25%). Báo cáo nhận định, chiến lược đa dạng hóa rủi ro trong một chuỗi cung ứng này là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng không đầu tư sản xuất công nghệ cao tại nước ta.
Trong thời gian qua, bằng sự tập trung và kiên quyết trong điều hành của Chính phủ, kinh tế vĩ mô nước ta đã dần ổn định, nhất là vấn đề tỷ giá, chỉ số giá tiêu dùng và giá vàng được kiểm soát hiệu quả. Vì thế, để cải thiện môi trường kinh doanh, cần quan tâm đến đòi hỏi về sự ổn định của chính sách, chất lượng nguồn lao động... của doanh nghiệp. Trong đó, việc cải thiện chất lượng nguồn lao động đòi hỏi giải pháp tổng thể và cần khoảng thời gian thực hiện nhất định. Điều chính quyền địa phương và các bộ, ngành cần quan tâm và có thể làm ngay là giảm thiểu rủi ro về chính sách.
Cơ chế “Một cửa”
Thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, 98% trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước đã triển khai thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; 42/63 tỉnh, thành phố triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại; 9 tỉnh, thành phố (trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương) triển khai mô hình "chất lượng cao" ở tất cả đơn vị hành chính cấp huyện… "Một cửa", "một cửa liên thông" được coi là mô hình mang tính chất đột phá trong công tác cải cách hành chính.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá hiệu quả của mô hình này không thể chỉ nhìn vào những con số có tính chất thống kê. Hoạt động thực tế và những kết quả cụ thể của "một cửa", "một cửa liên thông" - mới chính là thước đo thực chất của công tác này. Mới đây, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhận định rằng, dù "một cửa” bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng người dân vẫn còn phàn nàn, kêu ca ở nhiều lĩnh vực.
Đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính của nhiều địa phương cho thấy, việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông" ở một số nơi, một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc. Một số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính sai hẹn, chủ yếu là các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng; tài nguyên và môi trường; lao động - thương binh và xã hội.
Thực tế cho thấy, không phải nơi nào cũng quan tâm và đầu tư thích đáng cho bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông". Bất cập lớn nhất của công tác này chính là khâu cán bộ. Những nơi cán bộ được lựa chọn kỹ, được tạo điều kiện làm việc và dĩ nhiên được giám sát chặt chẽ, thì nơi đó công việc trôi chảy, được lòng dân.
Ngược lại, ở những nơi cán bộ lơ là trách nhiệm, thiếu sự công tâm, thì ở nơi đó để lại điều tiếng, thậm chí gây cản trở cho quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Vướng nhất trong thực hiện cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông" vẫn là các quy trình liên thông chưa rõ ràng. Hình ảnh người dân chen chúc, chờ đợi, đi lại nhiều lần để giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa được khắc phục triệt để.
Một vấn đề khác rất đáng lưu tâm, là trong thời gian dài thực hiện cơ chế "một cửa”, “một cửa liên thông", có khá nhiều thủ tục hành chính bị trả chậm so với thời gian quy định, nhưng dường như cán bộ thực thi nhiệm vụ đều coi đó là do có nguyên nhân khách quan (cơ chế, chính sách chưa rõ, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ…). Đáng lẽ, hơn ai hết, chính những cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hành chính phải hiểu rõ thủ tục nào đang vướng mắc gì, vì sao vướng? Với cán bộ ở bộ phận “một cửa”, nếu có tâm và tinh thần trách nhiệm cao với công việc, thì chính cán bộ đó sẽ chủ động đề xuất cách giải quyết hoặc báo cáo lãnh đạo hay cơ quan ban hành chính sách để kịp thời tháo gỡ.
Vấn đề nằm ở chỗ, các ngành, địa phương và mỗi con người thực thi nhiệm vụ có nhận thức được vấn đề, có tâm huyết với công việc mình làm và có đủ quyết tâm để cải cách hay không mà thôi.
Thực hiện tốt cải cách hành chính là tiết kiệm, chống lãng phí
Thực hiện Chương trình 09-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện công tác này trong năm 2013.
Theo đó, thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, coi đây là giải pháp quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm tốt việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường khai thác, quản lý, chống thất thu ngân sách; quản lý, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Đặc biệt, quan tâm tới công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, xử lý dứt điểm các vi phạm, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài./.
Mấy ý kiến về Điều 54 và Điều 55 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (18/03/2013)
Ngành Thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay  (18/03/2013)
Nhân tố Đức tại Liên minh châu Âu trong bối cảnh hiện nay  (18/03/2013)
Không thể phi chính trị hoá lực lượng vũ trang  (17/03/2013)
Không thể phi chính trị hoá lực lượng vũ trang  (17/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên