Thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý là chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng tại chỉ thị số 01/CT-Ngân hàng Nhà nước vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án có hiệu quả...

Các tổ chức tín dụng xem xét dành một lượng vốn hợp lý để cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang sự án nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao. Đối với các dự án có nhu cầu vay vốn lớn, vượt quá khả năng đáp ứng thì tổ chức tín dụng chủ động xem xét, thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng nghiên cứu để xem xét, triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm như cho vay theo chuỗi người nuôi, thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc cho vay liên kết giữa chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và người mua nhà.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn đồng thời góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối và kinh doanh vàng. Tổ chức tín dụng tổ chức tốt mạng lưới mua, bán vàng miếng tại các địa điểm giao dịch được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng. Các tổ chức tín dụng đảm bảo tuân thủ quy định niêm yết, công khai giá mua, giá bán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ tại địa điểm giao dịch để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc mua bán vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu. tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như: đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ. tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ.

Các tổ chức tín dụng tích cực trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu đồng thời triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai, không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghệp vụ khác để che giấu nợ xấu hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng./.