Chiều 17-1, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đồng chí: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định: Hiến pháp là một đạo luật cơ bản của Nhà nước; văn kiện chính trị, pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Trải qua hơn 60 năm lịch sử lập hiến với nhiều lần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã cho thấy, hoạt động lập hiến không chỉ dừng lại ở thẩm quyền hiến định của Quốc hội mà đã trở thành sự kiện trọng đại mang tính lịch sử của đất nước, một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng của toàn dân. Mỗi sự thay đổi của Hiến pháp đều mang một ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự “chuyển mình” của cả dân tộc để bước sang một giai đoạn phát triển mới, ở một tầm cao mới.

 

Đồng chí Vũ Trọng Kim đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp….

 

Tại Hội nghị, các đại biểu mong muốn Hiến pháp phải được sửa đổi theo hướng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu và là nền tảng cho các thế hệ sau. Hiến pháp có cơ chế thông thoáng, bảo vệ cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho đất nước. Cùng với đó, nên quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Mặt trận. Trong Hiến pháp (sửa đổi) cần có quy định rõ: MTTQ Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cũng như làm rõ hơn vấn đề giám sát và phản biện xã hội tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

 

Về các vấn đề liên quan quyền công dân, một đại biểu là Ủy viên MTTQ Việt Nam tại Hungari cho rằng, nên đưa vào Hiến pháp việc bảo hộ công dân là người Việt Nam ở nước ngoài cần; cụ thể hóa quyền bầu, ứng cử của công dân; nên xây dựng thành mục, điều cụ thể trong Hiến pháp quy định về việc trưng cầu dân ý đối với các luật trước khi Quốc hội họp, thông qua.

 

Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Campuchia nêu ý kiến, Hiến pháp sửa đổi cần quy định rõ chính sách của Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể như, hiện nay, rất nhiều người Việt Nam sinh sống nhiều đời tại Campuchia, muốn về Việt Nam, nhưng không còn giấy tờ, nguồn gốc chứng minh thì có điều kiện gì giúp họ.

 

Ông Bùi Đình Dĩnh, nguyên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, kiêm Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài góp ý, cần thống nhất cách gọi một số cụm từ như tổ chức xã hội - tổ chức chính trị xã hội; theo quy định của luật - theo luật - theo pháp luật...

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ chuyển đến những cơ quan liên quan và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.